Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh sẵn sàng chia sẻ bí quyết "không học thêm" con vẫn giỏi. Ảnh: NVCC. |
Tôi cho rằng, chương trình tiểu học của Bộ GD&ĐT được biên soạn để sử dụng cho học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước. Trẻ em ở vùng khó, không đi học chữ trước vẫn tiếp thu được thì lý gì con tôi ở ngay TPHCM lại không học được. Thời gian đầu đi học tiểu học, con tôi từng bị cô giáo nhận xét là “không có năng lực học toán”, rồi “học chậm” hơn các bạn. Tôi nghĩ, đó chỉ là “thất bại tạm thời”. Việc cha mẹ có thể giúp con, không phải là cho con học trước, học thêm mà là dạy con tự học, phương pháp học.
Tôi đã giúp con làm quen với con số, chữ cái theo cách “học mà chơi”. Đèo con trên đường, tôi thường đố con tìm các chữ cái a, b, c trên bảng hiệu. Tôi “dụ” con đọc biển số xe, so sánh các con số lớn, số nhỏ trên các biển báo. Sau này, con tôi rất quen với cách học “trên đường” như vậy.
Tôi ra cho con một bài toán và bảo con cố gắng giải xong trước khi về đến nhà. Dần dần, tôi tăng thời gian, nói con giải trong 5, 10 phút. Nhờ đó, tôi rèn luyện cho con học mọi lúc, mọi nơi mà không bị chi phối bởi hoàn cảnh, tiếng ồn... Con cũng được luyện thói quen lật dở vấn đề, học không nhiều nhưng học đâu chắc đó, học cho bằng hiểu mới thôi.
Năm vừa qua, con tôi thi đỗ vào lớp 10 trường chuyên cũng nhờ tự học. Tôi nói con hãy cứ nắm chắc kiến thức cơ bản. Khi vào phòng thi, cứ làm tốt những câu cơ bản (tức là làm đúng các bước, tính toán đúng) là đã có thể đạt được điểm 7, 8.
Hiện nay, nguồn học liệu trên internet vô cùng phong phú. Chẳng hạn với môn Ngữ văn, tôi nói con mỗi tối ngồi xem 2 clip bài giảng trên internet, liên tục như vậy thì kiểu gì con cũng sẽ ngấm. Bằng cách đó, gia đình không cần tốn tiền để con đi học thêm mà con vẫn có thể nâng cao kiến thức.