Nỗi lo kép của bố mẹ

Thanh Tâm
16/03/2022 - 13:36
Nỗi lo kép của bố mẹ

Ảnh minh họa

Sau nhiều tháng phải ở trong nhà vì dịch bệnh, con trai em như thay đổi thành người khác vậy. Con trở nên nhút nhát và có xu hướng không thích nói chuyện. Vì trong lúc bố mẹ đi làm, bà trông em thì con thường chơi một mình.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Em có con đang học lớp 1 tại Hà Nội. Giờ đã học kì 2 nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp nên con vẫn học online ở nhà. Nhà trường vừa tiếp tục gửi thư xin ý kiến của phụ huynh về việc có đồng ý cho con đến trường trong thời gian tới hay không. Thấy tình hình dịch bệnh đang lan rộng, số ca F0 tăng lên chóng mặt, nhiều bố mẹ lo lắng "vote" học trực tuyến, thậm chí còn viết trước đơn xin học online và đề nghị các phụ huynh khác cùng ký để nếu phải đi học sẽ sử dụng. Em không ký và có ý kiến ngược lại Thanh Tâm ạ, em vẫn đồng ý cho con đi học. Trẻ con cần được đến trường, cần đi học với các bạn, học trực tuyến trong thời gian ngắn không sao, chứ mãi như thế này em thấy hại nhiều hơn lợi.

Gia đình em vừa trải qua 1 tuần mắc Covid, trong đó có cả cậu con trai 6 tuổi. Ban đầu em rất bất ngờ, có chút hoảng khi que test hiện lên "2 vạch", nhưng sau khi bình tĩnh lại, mọi thứ không đáng sợ như những gì trước đó đã tưởng tượng. 2 đứa trẻ nhà em (1 đứa 6 tuổi, 1 cháu 2 tuổi) lại là những thành viên hồi phục nhanh nhất, còn bà và bố mẹ ốm mệt lâu hơn. Các con chỉ bị sốt, đau họng và đờm khoảng 2-3 ngày, sau đó trở lại bình thường. Không phải em chủ quan mà là em lạc quan và tin vào khả năng của các con, kết hợp với việc chăm sóc ăn uống đầy đủ, tập hít thở hàng ngày và theo dõi sức khỏe của các con sau khi khỏe lại. Các con cần được đi học và tới trường Thanh Tâm ạ.

Trước khi vào lớp 1 và học online, em cảm nhận con trai em là 1 đứa trẻ hoạt bát, tự tin và nhanh nhẹn trong lớp mẫu giáo. Con thường xuyên giúp đỡ cô giáo lấy đồ dùng, chuẩn bị bàn ghế ăn, chăn chiếu khi ngủ. Trong lớp hăng hái đọc thơ, xung phong khi học bài. Ra ngoài đường, con ngoan ngoãn chào hỏi, giúp đỡ người khác, tự tin nói ý kiến...

Ấy thế mà, sau nhiều tháng phải ở trong nhà vì dịch bệnh, con trai em như thay đổi thành người khác vậy. Con trở nên nhút nhát và có xu hướng không thích nói chuyện. Vì trong lúc bố mẹ đi làm, bà trông em thì con thường chơi một mình. Khi mẹ giao bài tập, dặn làm phần cô cho về nhà thì con lười, không tự giác. Con ngồi học online mà tâm trí con như để ở trên mây vậy. Nhìn rất chăm chú vào iPad, nhưng khi cô hỏi bất kỳ câu nào, con đều lúng túng không biết cô giáo đang hỏi gì, các bạn đang làm gì. Em không biết nên giải quyết chuyện này ra sao. Bởi không phải lúc nào bố mẹ cũng thu xếp được thời gian để ngồi học cùng con, nhắc con chú ý khi cô giảng. Trong lớp có một số bạn rất tập trung học, hăng hái giơ tay phát biểu, còn con em và nhiều bạn khác thường xuyên bị cô nhắc nhở.

Gần đây, con em còn biết tự tải game về để chơi. Bà bận trông em, bố mẹ bận đi làm, nên học xong con hí hoáy chơi gì, làm gì mọi người đều không kiểm soát được. Con ngày càng cục tính, hay nóng nảy và cáu giận, hễ gặp phải việc gì khó khăn, không theo đúng ý là con quát tháo, cáu gắt hoặc khóc... khiến cả nhà rất lo lắng. Với em, những thay đổi về tính cách như vậy còn đáng sợ hơn là việc đau ốm, Thanh Tâm à.

Thúy Hạnh (Hà Nội)

Chào em!

Học trực tiếp, các con tiếp thu bài học được tốt hơn, cô giáo quan sát và hướng dẫn các con cũng hiệu quả hơn. Cùng với đó, sự tác động của môi trường học, của bạn bè, thầy cô giúp kích thích sự cố gắng của các con. Các con được học thêm nhiều kỹ năng, được vận động và vui chơi.

Chị hiểu và đồng ý với ý kiến của em. Sắp tới nhà nước triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi, các mẹ hãy cân nhắc và đưa con trẻ đi tiêm, cho các con cơ hội được đến trường học tập. Các mẹ đừng đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực, đừng sợ hãi những điều ở tương lai chưa xảy ra, cùng con chuẩn bị thể lực trải nghiệm và vượt qua những rào cản về dịch bệnh.

Quả thật học online trong thời gian dài đem đến quá nhiều hệ lụy cho trẻ nhỏ. Mong rằng sự gần gũi, kiên nhẫn của em sẽ dần giúp con cân bằng và đi vào nền nếp học-chơi quy củ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm