pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi lo tái nghèo bởi đại dịch Covid-19
Gia đình anh Quách Công Bình đi xe máy từ Bình Dương về Thanh Hóa để tránh dịch Ảnh: H.Đông
Suốt 3 ngày ròng rã trên hành trình đi xe máy cả ngàn kilomet từ Bình Dương về quê tránh dịch, gia đình anh Quách Công Bình mới thở phào nhẹ nhõm khi về tới nhà tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa). Anh Bình cho biết, cả hai vợ chồng anh làm công nhân tại Bình Dương đã được vài năm, với mức lương 14 triệu đồng. Sống nơi đất khách, mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nuôi 2 con nhỏ, nên anh chị gần như không tích lũy được gì.
Đợt dịch vừa qua, Bình Dương tăng cường giãn cách xã hội, nhà máy thu hẹp sản xuất rồi nghỉ hẳn. Nguồn thu nhập của 2 vợ chồng cũng mất. Nguồn tài chính cạn kiệt, chủ nhà hối thúc tiền thuê trọ, còn chi phí sinh hoạt, ăn uống vẫn phải chi. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh khó lường, chưa biết bao giờ mới hết, khiến vợ chồng anh Bình bất an, đành phải về quê. "Dù về cũng chưa biết sẽ làm gì để có thu nhập nhưng chúng tôi cứ về đã, có gì ăn nấy, vẫn yên tâm hơn", anh Bình chia sẻ.
Hơn 1,7 triệu lao động thất nghiệp trong quý III-2021
Trước tác động của đại dịch, hàng triệu người lao động vốn đã khó khăn, thuộc các hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo. Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết: Riêng quý III năm 2021, số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao chưa từng thấy. Cụ thể: Số người thiếu việc làm là hơn 1,8 triệu người, tăng hơn 700 nghìn người so với quý trước. Số người thất nghiệp là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước. Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong quý III năm 2021 vượt xa con số 2% như thường thấy.
Quý III/2021, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP. Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác. Thời gian qua, chính sách phòng, chống dịch khác nhau giữa các tỉnh, thành khiến người lao động e ngại. Còn doanh nghiệp rơi vào thế bị động, không thể xây dựng kế hoạch tái sản xuất. Để thu hút lao động về lại các trung tâm công nghiệp, thành phố lớn, các địa phương cần thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động để khôi phục, phát triển sản xuất”.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Đặc biệt, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng, về mức 5,2 triệu đồng - là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Theo ông Phạm Hoài Nam, hàng triệu công nhân mất việc trở về quê có thể xoay xở sang nghề khác tại địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng bởi số người muốn đi tìm việc nhưng không có. Người lao động phải đối diện với tình trạng suy kiệt tài chính, không có nguồn thu mới. Trong khi các gói hỗ trợ chỉ giải quyết được một phần nhu cầu trong thời gian ngắn. Vì vậy, nhiều lao động, hộ gia đình, đặc biệt là những người lao động trong khu vực phi chính thức, phải đối diện với nguy cơ tái nghèo, chồng chất khó khăn.
Cần giải pháp căn cơ cho lao động thoát nghèo bền vững
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1%-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Trao đổi bên lề Quốc hội mới đây, bà Trần Thị Diệu Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng: Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Dịch bệnh làm cho số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Không chỉ vậy, cuộc sống của họ càng trở lên khó khăn hơn khi các nguồn dự trữ của gia đình đã sử dụng hết khi phải giãn cách xã hội dài ngày. Để thực hiện Chương trình giảm nghèo hiệu quả, hỗ trợ người lao động, đặc biệt là hộ gia đình nghèo thoát nghèo bền vững, theo bà Trần Thị Diệu Thuý, cần phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau. Cụ thể như tình trạng mất sức lao động hay không, tình trạng mất việc, thiếu việc... để từ đó có các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp giảm nghèo mang tính bền vững; đào tạo và đào tạo lại những kỹ năng chuyên sâu mà người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm những công việc cho thu nhập ổn định, tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng.
Dịch Covid-19 khiến nhiều lao động phổ thông bị mất việc làm, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. Đây là những hộ nghèo đa chiều về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội. Nhiều hộ cận nghèo hoặc vừa thoát nghèo có thể tái nghèo. Dịch Covid-19 cũng khiến nhiều hộ nghèo mới phát sinh. Vì thế, việc tạo sinh kế bền vững cho lao động là hết sức cần thiết mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần hướng đến để góp phần giảm nghèo bền vững”.
Ông Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
Bày tỏ lo ngại việc gia tăng tỷ lệ người nghèo do dịch bệnh, TS. Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, cho biết: Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, khiến nhiều hộ gia đình mới thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo do bị thất nghiệp, mất việc làm. Đặc biệt là các hộ cận nghèo ở khu vực đô thị, lao động tự do, lao động di cư, lao động nữ và các nhóm lao động yếu thế khác. Người nghèo ở đô thị là nhóm khó khăn nhất do giá cả sinh hoạt leo thang. Trong khi đó, họ lại không có công việc thu nhập ổn định, cuộc sống sẽ càng thêm bí bách trong việc duy trì cuộc sống tối thiểu. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thanh Thủy, cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên cập nhật tình hình, có những điều chỉnh thích hợp trong việc thiết kế chính sách và thay đổi mức chuẩn nghèo phù hợp với từng giai đoạn, hoàn cảnh, đặc biệt là bối cảnh dịch bệnh như thời gian qua.
Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghèo trong 5 năm (2016-2020) bình quân 3,74%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tại thời điểm năm 2021, cả nước vẫn còn gần 1,8 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo.