Nói về lòng hận thù, nữ sinh rinh giải Nhất hùng biện tiếng Anh

13/04/2017 - 11:43
'Hãy vượt qua nỗi hận thù nhưng đừng xoá bỏ nó' - thông điệp khi nói về lòng hận thù đã giúp Chu Phương Cầm (lớp 10 chuyên Anh, THPT Chuyên ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) giành giải Nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh 'U-Talk'.
cam.jpg
Với bài thuyết trình sâu sắc, Chu Phương Cầm giành giải Nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Anh 'U-Talk' do ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: NVCC

Chu Phương Cầm, một cô gái tuổi teen, đã bắt đầu bằng câu chuyện của chính mình: '3 năm trước, tôi đã gặp một người bạn tuyệt vời. Cậu ấy dường như rất tử tế, lại vô cùng hài hước. Tôi và cậu ấy đã dần dần trở thành những người bạn tốt. Nhưng rồi, cậu ấy đã phản bội tình bạn của tôi. Cậu ấy lợi dụng tình bạn của chúng tôi để tiếp cận một bạn gái khác và chà đạp lên tình cảm của tôi. Cậu ấy nói tôi chỉ là một công cụ, và chúng tôi chưa bao giờ là bạn bè!'.

Với một cô gái ở tuổi mới lớn, điều đó thật khủng khiếp khi niềm tin về tình bạn bỗng sụp đổ. Chu Phương Cầm cũng mang lòng hận thù với người bạn đó. Cô cũng mong ngày mong đêm cậu bạn đó phải đau khổ, phải trả giá cho những gì đã làm.

'Cảm xúc lúc ấy, chính là định nghĩa đầu tiên của tôi về lòng thù hận. Với tôi, lòng thù hận là cảm xúc đau đớn, dai dẳng, đè nặng con người ta, đốt cháy chúng ta từ bên trong. Lòng thù hận khác xa sự chán ghét thông thường, vì lòng thù hận sẽ bám theo, ám ảnh chúng ta, trở thành thứ xúc cảm mà chúng ta không thể dễ dàng dứt bỏ', nữ sinh chuyên Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, sau những trải nghiệm, cô nàng tuổi teen nhận ra: 'Khi chúng ta đã lựa chọn ghét một ai đó, chúng ta nhìn họ bằng ánh mắt tiêu cực. Lòng hận thù như một cái máy lọc khổng lồ, nó lấy hết đi những gì tốt đẹp nhất của một con người, và chỉ cho chúng ta thấy những điều tồi tệ nhất. Lòng hận thù che mắt chúng ta, từ chối cho chúng ta nhìn thấy bản chất thực sự tốt đẹp của người mà chúng ta không đội trời chung ấy, cản trở chúng ta cảm thông cho họ và hoàn cảnh của họ'.

img_0452-1.jpg
Chu Phương Cầm quan niệm: 'Hãy vượt qua nỗi hận thù, nhưng đừng xoá bỏ nó'. Ảnh: NVCC

Điều khiến cả hội trường bất ngờ khi những điều Chu Phương Cầm nhận ra rất sâu sắc, không phải cô gái, chàng trai nào ở tuổi teen cũng có thể thấy được: 'Bạn biết không, chúng ta ghét một ai đó bởi họ có điều gì giống với bản thân chúng ta. Cũng như khi hai người cứng đầu căm ghét nhau, những kẻ hay gây sự chẳng bao giờ hoà thuận, chúng ta hận ai đó bởi họ phản chiếu lại một phần của chúng ta. Vì vậy, tôi tin, lòng thù hận như một tấm gương để chúng ta nhìn thấy bản thân mình, tìm kiếm con người khác bên trong chúng ta, một mặt khác mà chúng ta chưa từng khám phá ở bản thân. Lòng thù hận giúp chúng ta hiểu rõ chính bản thân mình, nó hé lộ một phần tâm hồn ta'. 

Phương Cầm cho rằng, không nên tẩy chay lòng hận thù: 'Cảm xúc của con người cũng như một bức tranh đầy màu sắc vậy, nếu những mảng màu tươi sáng là tình yêu, niềm vui, thì những gam màu tối chính là lòng hận thù. Nếu không có lòng hận thù, bức tranh xúc cảm ấy sẽ không hoàn thiện, những mảng màu tươi sáng kia cũng không thể nổi bật nếu không có những mảng màu tối khác. Cũng như không thể có ánh sáng nếu không có bóng tối, ta không thể có tình yêu nếu không có lòng hận thù. Chính lòng hận thù khiến ta trân trọng tình yêu.

Dù cho lòng hận thù có thể phá huỷ con người ta, nhưng lòng hận thù cũng là một xúc cảm mà ta không thể sống thiếu.

Hãy tôn trọng sự tồn tại của lòng hận thù, và hãy vượt qua nó, đừng cho nó là không cần thiết. Vì thế, nếu có bất kì thông điệp nào tôi muốn gửi đến tất cả các bạn, thì có lẽ chính là: “Hãy vượt qua nỗi hận thù, nhưng đừng xoá bỏ nó”.

Hãy là gì đó lớn hơn lòng hận thù, bởi chúng ta cao cả hơn lòng hận thù'.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm