pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nói với con về lòng biết ơn
Dần dần lớn hơn, trẻ sẽ học được thái độ biết ơn mọi điều trong cuộc sống. Ảnh minh họa
Chị Phạm Thuỳ Anh (Lạng Sơn) có thời gian bất lực với cậu con trai hơn 5 tuổi bướng bỉnh, khó bảo. Chị thường xuyên bị các phụ huynh trong lớp của con "kiện" vì con đánh tất cả các bạn trong lớp. Đôi khi là con tự bảo vệ mình khi bạn giành đồ chơi. Hoặc đó là cách con thể hiện tình cảm. Cũng có thể là do con chưa hiểu được hậu quả của hành động đó đối với các bạn cùng lớp như thế nào.
Sau nhiều lần thay đổi các phương pháp từ nhẹ tới nặng, chị đã áp dụng thành công một phương pháp mà cả hai không cần căng thẳng với nhau. Đó là mỗi tối chị và con sẽ thực hành lòng biết ơn trước khi đi ngủ, trong đó có mục: Biết ơn các bạn vì đã chơi với con, biết ơn các bạn vì đã chia sẻ đồ chơi với con, biết ơn các bạn vì đã yêu thương con. Sau một thời gian ngắn, con không còn cấu bạn nữa. "Khi con biết ơn ai đó chân thành, họ sẽ không muốn làm đau hay tổn hại đến người khác. Mình cũng dùng cách này để gắn kết tình cảm của con với các thành viên khác trong gia đình, kể cả bà giúp việc", chị Thuỳ Anh chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Thu, tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm trong gia đình", nói với con về lòng biết ơn là dạy con sống với thái độ biết ơn, trân quý những thứ mà con đang được hưởng. Chính vì vậy, cha mẹ hãy dạy con luôn sống với lòng biết ơn mọi thứ. Cha mẹ hãy tập nói với con trước khi đi ngủ: Hôm nay con biết ơn điều gì nhất? Chị Thu cho biết, kết thúc một ngày, chị và con cùng ngồi lại nói với nhau mình cảm ơn điều gì nhất hôm nay. Và trong những sinh hoạt thường ngày, chị thường xuyên nói lời cảm ơn: "Cảm ơn con vì đã giúp mẹ gọt rau củ"; "Cảm ơn con vì đã mỉm cười với mẹ"; "Cảm ơn con vì đã ăn hết cơm mẹ nấu"…
Theo chị Nguyễn Thị Thu, cha mẹ đừng để trẻ nghĩ rằng mọi thứ mình đang có là điều hiển nhiên. "Cảm ơn bữa ăn chỉ là một trong những điều rất nhỏ con cần học trong cuộc sống sau này. Mình sợ nhất là con lớn lên và coi mọi thứ con đang được hưởng như một điều hiển nhiên. Vì sao mình muốn lấy bữa ăn là điều đầu tiên để dạy con về lòng biết ơn? Bởi vì bữa ăn là thứ đầu tiên gắn liền với con trẻ. Nhưng bữa ăn với con trẻ ngày nay không giống chúng ta thời xưa. Nhiều trẻ giờ đây có thừa mứa đồ ăn, từ sữa, bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt, bim bim… Nhiều trẻ không biết đói bởi vì chưa kịp đói đã bị ép ăn. Bữa ăn của trẻ dần trở thành một sự "ban ơn" dành cho người lớn. Và những đứa trẻ lớn lên nghiễm nhiên coi việc thích thì ăn, không thích thì đổ đi cũng không sao. Chúng coi việc mình được ông bà, bố mẹ cung phụng mọi thứ trong cuộc sống là điều hiển nhiên. Để rồi chính tình yêu thương bao bọc ấy đã nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên thành người vô ơn", chị Thu chia sẻ.
Giải thích cho việc tại sao phải nói với trẻ về lòng biết ơn, chị Nguyễn Thị Thu cho biết, sống với thái độ biết ơn sẽ giúp ta suy nghĩ tích cực, lạc quan và khiêm nhường. "Khi chúng ta đói khổ, thiếu thốn, chúng ta sẽ biết trân quý những gì đang có. Nếu ngay từ khi sinh ra chúng ta đã sống với sự dư thừa, làm sao chúng ta biết phải cảm ơn nếu như không được người lớn dạy cho. Bữa ăn là thứ diễn ra hàng ngày. Chính vì thế, nếu chúng ta dạy trẻ biết cảm ơn từ bữa ăn, chính là cơ hội để rèn cho trẻ mỗi ngày về lòng biết ơn. Dần dần lớn hơn, trẻ sẽ học được thái độ biết ơn mọi điều trong cuộc sống. Gặp một chuyện khó khăn, trẻ sẽ hiểu cần phải cảm ơn vì nó đã giúp trẻ thêm mạnh mẽ và tự tin", chị Thu lý giải.
Bên cạnh đó, sống với thái độ biết ơn sẽ biến thành động lực để ta cố gắng trả lại cho đời. "Khi sống với lòng biết ơn, con sẽ hiểu mọi thứ không phải tự nhiên mà có và con không thể đạt được mọi thứ con muốn một mình. Lòng biết ơn sẽ giúp con có động lực cố gắng để đáp trả những ân huệ con đang được nhận từ cuộc sống này. Đó chính là động lực lớn nhất để con đi tìm sứ mệnh của cuộc đời mình, làm những gì có ích. Con sẽ tìm thấy giá trị của bản thân trong những việc con đang làm vì mọi người".