"Nông dân nếu không thay đổi, sẽ phải chấp nhận rủi ro thị trường!"

Nhật Lam
29/01/2021 - 14:55
"Nông dân nếu không thay đổi, sẽ phải chấp nhận rủi ro thị trường!"
Nói về thói quen sản xuất "rau hai luống" của nông dân và vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chỉ khi nào nông dân thay đổi thói quen, suy nghĩ trong sản xuất trồng trọt, khi đó mới chấm dứt được những may rủi thị trường.

Khi nào chấm dứt tình trạng "rau hai luống"?

Bên lề Đại hội lần thứ XIII của Đảng sáng 29/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề phát triển nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp sạch, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn. Đây cũng là những nội dung được đề cập tại văn kiện trình Đại hội Đảng lần này.

Trước câu hỏi về việc khi nào sẽ chấm dứt tình trạng "rau hai luống", Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian qua, một bộ phận nông dân đã nhận thức được vấn đề này và có thay đổi. Bởi theo ông, nếu không nhận thức và thay đổi hành vi, chính họ sẽ chịu rủi ro về mặt thị trường.

Mặc dù vậy, ông vẫn thừa nhận còn tồn tại tình trạng quán tính trong sản xuất của nông dân khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. "Ngành nông nghiệp cần nghiêm túc xem rằng không thể đánh đổi tăng trưởng bằng việc làm mất cân bằng hệ thống sinh thái, đa dạng sinh học, thậm chí mất đi uy tín, thương hiệu của nông sản Việt" – ông Hoan nhìn nhận.

Để khắc phục tình trạng này, theo Thứ trưởng Hoan, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai chương trình nhằm "cân đong đo đếm" sự chuyển đổi thói quen trồng trọt từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học.

"Công cụ này giúp chúng ta chứng minh cho người sản xuất thấy mọi sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn, và bà con cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành nông nghiệp lạm dụng đầu vào thành một nền nông nghiệp "thuận thiên", hay nói cách khác là dựa trên tự nhiên. Chúng ta chấp nhận việc trong một thời gian, năng suất có thể giảm xuống nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập, vì lúc đó chất lượng nông sản tăng lên, thương hiệu nâng lên thì giá bán cũng sẽ nâng lên" – Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Ông Hoan khẳng định, nếu có sự quyết tâm, kiên trì với nông dân để hóa giải được thói quen, tập quán trồng trọt lâu đời thì chắc chắn sẽ thực hiện đúng tinh thần của văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Việt Nam sẽ chuyển đổi nền nông nghiệp sang nông nghiệp sinh thái, tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

"Nông dân nếu không thay đổi, sẽ phải chấp nhận rủi ro thị trường!" - Ảnh 1.

Hướng tới nền nông nghiệp sinh thái là nội dung đặt ra tại văn kiện ĐH Đảng XIII. Ảnh minh họa

Người Việt Nam vẫn dễ dãi trong thói quen ăn uống

Trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn chưa được đảm bảo, là bức xúc của người dân, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ông đồng tình với nhận định của người nước ngoài khi nói rằng, một bộ phận người Việt vẫn có phần dễ dãi, từ sản xuất cho tới ăn uống.

"Đảm bảo sạch từ đồng ruộng tới bàn ăn là điều ai cũng biết, nhưng tôi muốn nói lại, đây cũng là vấn đề nhận thức xã hội. Bản thân chúng ta đã thay đổi dần, lan tỏa dần, ngành chuyên môn đưa vào mục tiêu của ngành, lĩnh vực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân… thì tôi nghĩ rằng đây là điều mà cả xã hội phải kích hoạt" – theo ông Hoan.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cả xã hội cần trở thành hệ sinh thái, phải kiên quyết từ chối sử dụng những nông sản mà bản thân mình biết nông sản đó không được truy xuất nguồn gốc, khi đó mới thực hiện được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản.

"Chúng ta mong muốn, khuyến cáo điều này, thành ra người nông dân cũng hỏi rằng ai cũng kêu chúng tôi phải trồng rau sạch nhưng lại ra chợ mua sản phẩm không sạch, thế có mâu thuẫn không? Tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện của cả xã hội. Có người sẽ nói anh nói thế để "phủi" trách nhiệm sang người tiêu dùng, nhưng tất cả chúng ta không vô can trong chuyện để an toàn thực phẩm" – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận.

"Nông dân nếu không thay đổi, sẽ phải chấp nhận rủi ro thị trường!" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời nhiều vấn đề nông nghiệp được quan tâm bên lề ĐH Đảng XIII, sáng 29/1. Ảnh: D.Hà

Nông dân cũng cần phải được cấp chứng chỉ hành nghề

Quan điểm của Thứ trưởng Lê Minh Hoan khi nói đến hình mẫu của nông dân hiện đại, đó chính là sự chuyên nghiệp hóa. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước dù là quy hoạch hay chiến lược thì cuối cùng đều hướng đến người nông dân – đối tượng đầu tiên trong tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Nông dân có thay đổi hay không, sẽ tác động đến mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông Hoan khẳng định, muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. 

Để đạt được mục tiêu này, ông Hoan cho rằng đó là vấn đề của những quyết sách, đề án, kế hoạch cụ thể, để chuyển đổi từ tư duy, nhận thức người nông dân trước.

"Bởi nếu không thay đổi nhận thức, người ta vẫn theo tập quán, nhận thức, quán tính, vẫn đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì nền nông nghiệp vẫn bấp bênh" – ông nói.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, khi người nông dân biết hợp tác với nhau, tự thấy mình phải tự thay đổi trước, tham gia vào hợp tác xã, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, biết cung, biết cầu, biết biến đổi khí hậu là như thế nào, biết về an toàn vệ sinh thực phẩm, về những nguy hại của lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…

"Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hội nông dân và các cơ quan liên quan dần dần đi theo mô hình nước ngoài là người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có "giấy phép", phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải theo lối suy nghĩ cũ là không biết làm gì hết thì phải đi làm nông. Chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi, đó mới là mẫu hình nông dân hiện đại" – ông nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm