Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nông trang Xanh của người phụ nữ bền bỉ theo đuổi nông nghiệp sạch

27/04/2018 - 08:33 AM
Khởi nghiệp năm 2010 trên mảnh đất rộng 3 héc ta thuộc huyện Củ Chi, TPHCM, đến nay, Nông trang Xanh của chị Nguyễn Thị Thu Hường đã phát triển tới 20 héc ta, với quy trình khép kín gồm rất nhiều loại nông sản sạch. Đây còn là điểm đến hấp dẫn, bổ ích cho các em học sinh trải nghiệm về nông nghiệp thời @.

Chị Hường trông đẹp và trẻ hơn khá nhiều so với tuổi 46 của mình, nụ cười thân thiện. Với phong thái nhanh nhẹ, cử chỉ dứt khoát, chị tạm dừng công việc giữa trưa nắng gắt bên khoảnh đất còn ngổn ngang đất đá để lái xe điện đưa chúng tôi đi tham quan trang trại và cởi mở chia sẻ về quá trình khởi nghiệp.

dsc_0054-copy.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Hường, chủ nhân của Nông trang Xanh

Khởi đầu với ý tưởng đơn giản nhưng không dễ dàng

Dù đang khá thành công trong ngành sợi và một số công việc kinh doanh khác, chị Hường chuyển hướng qua làm nông nghiệp. Mục đích ban đầu chỉ đơn giản để có thực phẩm sạch cho gia đình và hướng tới xuất khấu nấm linh chi. Tuy nhiên, trải qua nhiều khó khăn, việc sản xuất, kinh doanh nấm linh chi không thành công, chị tập trung vào trồng rau sạch và nấm bào ngư. Tiếp đó, chị nuôi thêm bò sữa để tận dụng nguồn phân bò phát triển trồng trọt.

Đến năm 2015, Nông Trang Xanh được mở rộng thêm 17 héc ta kèm theo đó là vô vàn thách thức mới về kỹ thuật, nhân công… Mặt khác, điều kiện thổ nhưỡng ở Củ Chi không phải lý tưởng cho trồng trọt nên quá trình cải tạo đất mất rất nhiều công sức, thời gian. Chị Hường chia sẻ: “Nếu đến nông trang 3 năm trước, chắc mọi người sẽ thất vọng lắm vì đất đai hoang hoá, khô cằn. Để được như hôm nay là cả quá trình nỗ lực với nhiều bài học”.

img_8313_resize.JPG
Một góc khuôn viên Nông trang Xanh

Nông sản sạch với quy trình khép kín

Làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ không phải là con đường trải thảm nhưng chị vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê ấy. Nông Trang Xanh giờ đây đã có một quy trình khép kín với nhiều loại nông sản sạch như sữa bò, sữa dê, sữa chua, các loại gà, chim bồ câu, gạo, bắp, đậu nành, đậu phộng, hoa lan, một số loại trái cây và rau… cung cấp cho thị trường. 

img_8337_resize.JPG
Nhà màng trồng rau sạch

Đàn bò sữa hơn 60 con được nuôi sạch từ thức ăn đầu vào đến điều kiện chuồng trại. Hàng ngày bò được tắm mát, được ra sân tập thể dục và nghe nhạc. Phân bò và phân của một số loại gia súc, gia cầm khác được sử dụng cho cây trồng. Lúa gặt xong, phần trấu được dùng làm chất đệm sinh học cho trại gà, khoảng 2 tháng sau, lượng trấu này lại được thu gom để cải tạo đất cho vườn cây ăn trái… Tất cả tạo nên một quy trình khép kín. 

dsc_005300_02_06_01still004_resize.jpg
Đàn vịt được nuôi thả tự do

Chị còn mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất sữa thanh trùng. Cùng với các mặt hàng nông sản khác, thương hiệu sữa Green Milk  hiện được phân phối tại 2 cửa hàng của nông trang tại quận Tân Bình, một số nhà hàng Ấn Độ và đang trong quá trình đưa vào hệ thống các siêu thị khác.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, chị tập trung xây dựng 6 nhà màng trồng dưa Hoàng Kim theo công nghệ sạch của Israel với khoảng 1500 gốc dưa mỗi nhà màng. Khách tới trang trại sẽ được trải nghiệm dịch vụ tự thu hoạch và vào những dịp lễ tết, lượng dưa không đủ để cung ứng cho khách tham quan.

Sản xuất kết hợp với dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích

Khác với nhiều cơ sở tham quan và trải nghiệm việc làm nông khác tại TPHCM, Nông Trang Xanh với mục tiêu ban đầu và lâu dài vẫn tập trung phát triển sản xuất nông sản sạch là chính. Dịch vụ trải nghiệm là một phần của quá trình tiếp thị sản phẩm tới người tiêu dùng. 

dsc_005300_02_56_18still002_resize.jpg
Khách tham quan lưu lại những khoảnh khắc đẹp tại Nông trang Xanh

Với phạm vi rộng, quy trình khép kín, khá chỉn chu, Nông Trang Xanh đã thu hút rất nhiều đoàn khách tới tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là các em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thuộc các mô hình trường khác nhau từ công lập, tư thục, quốc tế đến các trung tâm Anh ngữ, nghệ thuật, kỹ năng sống. Các em tới đây sẽ được trải nghiệm nhiều công việc nhà nông bổ ích, lý thú như thu hoạch nông sản, bắt cá, cấy lúa, làm bánh… 

nng-trang-2.jpg
Các em học sinh đang được dạy làm bánh xèo
 
nng-trang-1.JPG
Các bé hứng thú với trải nghiệm cho cừu ăn

 
Khi chuyện trò, chị Hường hay nhắc tới cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của nhà nông học người Nhật Masanobu Fukuoka với nhiều điều mà chị tâm đắc về khuynh hướng nông nghiệp, quay về và hài hòa cùng tự nhiên. Chị chia sẻ: “Cuốn sách cho mình nhiều động lực nhưng để làm được như tác giả thì còn xa lắm”. Với bao khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của mình đặc biệt là làm nông nghiệp sạch nhưng trong ánh mặt chị Hường như chưa từng vơi quyết tâm, chị nói: “Dù trong lúc cam go nhất tôi cũng chưa bao  giờ có ý định từ bỏ bởi luôn cảm thấy mình đang làm việc có ích cho cộng đồng, nhất là vẫn còn đam mê”. Phía sau niềm đam mê ấy ắt hẳn phải là một ý chí bền bỉ, nhẫn nại để có một Nông Trang Xanh như hôm nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn