pnvnonline@phunuvietnam.vn
NSND Bành Bắc Hải - "phù thủy âm thanh" của điện ảnh Việt Nam qua đời

Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải
Theo thông tin từ gia đình, Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải đã qua đời lúc 4 giờ 15 phút ngày 5/4 tại Hà Nội, sau gần 10 năm kiên cường chống chọi với bệnh ung thư. Ông ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình và người thân, đồng nghiệp, hưởng thọ 67 tuổi.
Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải từng phụ trách và tham gia làm âm thanh cho hàng chục phim truyện điện ảnh nổi tiếng như “Tết này ai đến xông nhà” (2001) của Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực, “Sống trong sợ hãi” (2005) của Bùi Thạc Chuyên, “Đừng đốt” (2009) của Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh, “Mùi cỏ cháy” (2012) của Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Hữu Mười, “Cuộc đời của Yến” (2016) của Đinh Tuấn Vũ, “Đào, Phở và Piano” (2024) của Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn…
Ở lĩnh vực phim dài tập, Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải còn đảm nhiệm hàng trăm tập phim truyền hình, hoạt hình và tài liệu khác. Nổi bật trong số này có series phim “Bình minh phía trước” (2022) về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Làm việc liên tục trong giai đoạn từ những năm 1980 tới nay, nhiều người đã gọi ông là “phù thủy âm thanh” nhờ có tài năng và kinh nghiệm dày dặn.
Thông tin nghệ sỹ Bành Bắc Hải qua đời khiến giới làm phim xót thương. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) bày tỏ lòng tiếc thương trước một nhà làm âm thanh tuyệt vời, nhận xét cố nghệ sỹ là một người em kiên cường và luôn vui vẻ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng viết lời từ biệt: “Vĩnh biệt anh”...
Nhà quay phim - Nghệ sỹ Nhân dân Lý Thái Dũng từng làm chung với đàn anh Bành Bắc Hải ở nhiều phim, trong đó có “Đừng đốt.” Ông kể cố nghệ sỹ đã vào nghề từ sớm, khi điện ảnh Việt làm âm thanh analog, lại từng được đào tạo bài bản ở Liên Xô, nên sau này đã rất nhanh chóng bắt kịp những công nghệ âm thanh kỹ thuật số hiện đại, được giới chuyên môn ghi nhận.
“Số lượng phim điện ảnh, truyền hình, hoạt hình và cả tài liệu mà Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải tham gia rất đồ sộ, cỡ 500-700 tập phim, tác phẩm. Ông rất giỏi, tự học hỏi rất nhanh các công nghệ âm thanh kỹ thuật số để đạt đến tiệm cận trình độ của quốc tế.
Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho Khoa âm thanh và dựng phim của trường Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, đặc biệt khi đó tại Việt Nam còn thiếu thốn nhiều về công nghệ, phương tiện cũng như trong công tác đào tạo. Ông đã là một đồng nghiệp tuyệt vời của các nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam” - Nghệ sỹ Nhân dân Lý Thái Dũng chia sẻ.

Ông Bành Bắc Hải (áo xanh) năm 1976 trước khi đi Liên Xô học. (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Chị gái của ông, Nhà biên kịch Bành Mai Phương nói trái tim bị bóp nghẹn vì sự ra đi của em trai. Bà và Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải đã cùng trưởng thành, cùng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê), chia sẻ với nhau nhiều niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống.
“Em từng làm âm thanh cho một số phim truyện do chị viết kịch bản hoặc biên tập. Nhưng chỉ đến phim tài liệu ‘Sinh năm 1972’ chị em mình mới chính thức hợp tác. Mọi thứ phim có được cũng nhờ công sức của em. Giờ thì chị không còn cơ hội nhờ em giúp đỡ được nữa. Việc lớn việc nhỏ gì cũng cậu ơi giúp chị. Đến cái chân dung đăng kỷ yếu cũng hành em chỉnh sửa rồi chọn hộ. Kỷ yếu chưa in mà giờ em ở nơi nào...”, bà Phương xót xa.
Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải sinh năm 1958, quê quán Bắc Giang, là con trai và cháu ruột của hai Nhà biên kịch Bành Bảo và Bành Châu. Ông là con thứ hai trong gia đình, ngoài Nhà biên kịch Bành Mai Phương ông còn có một em gái.
Nghệ sỹ Nhân dân Bành Bắc Hải từng được đào tạo bài bản về âm thanh tại Trường Đại học Điện ảnh LIKI (Liên Xô cũ), sau đó về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam, phụ trách Xưởng Thu thanh - Dựng phim. Trước khi nghỉ hưu, ông về công tác tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, là Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kỹ thuật điện ảnh.
Trong suốt sự nghiệp, cố nghệ sỹ Bành Bắc Hải từng đoạt giải Cánh diều vàng cho hạng mục Âm thanh xuất sắc cho nhiều phim, nổi bật có “Đừng đốt” (âm thanh analog) đoạt giải Cánh diều vàng năm 2010, “Những người viết huyền thoại” (âm thanh kỹ thuật số) đoạt Cánh diều vàng năm 2014. Ngoài ra cố nghệ sỹ cũng đã nhận hai giải Bông sen Vàng cho vị trí thiết kế âm thanh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 2015.