pnvnonline@phunuvietnam.vn
NSƯT Trần Ly Ly tiết lộ về tác phẩm múa tâm đắc nhất trong sự nghiệp
Từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế nhưng chưa bao giờ NSƯT Trần Ly Ly có cảm xúc đặc biệt như khi đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội nhận giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020".
Với sự thể hiện của các nghệ sĩ thuộc Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai, trong vòng chưa đến 10 phút, tác phẩm kể câu chuyện xúc động về sự đoàn kết và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ rừng Sác - chiến khu đặc biệt với những người lính ngâm nước, nằm bùn, bất chấp gian lao, nguy hiểm vì mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Trong câu chuyện này, Trần Ly Ly không khai thác cái chết từ đạn bom mà là bị sốt rét. Những chiến sĩ ngâm mình quá lâu trong rừng ẩm, đổ bệnh vì muỗi đốt nhưng vẫn kiên trì bám trụ trạm gác rồi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội... Sự sẻ chia, đoàn kết và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ rừng Sác cũng chính là tinh thần yêu thương, chia sẻ và quên mình vì Tổ quốc của những người con đất Việt.
Tác phẩm múa "Dũng sĩ rừng Sác"
NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, cảm xúc đến với chị rất mãnh liệt khi thực hiện tác phẩm múa Dũng sĩ rừng Sác. Khi đứng ở Cần Giờ, trước mắt chị hiện ra không gian mà các chiến sĩ rừng Sác đã ngâm mình suốt bao nhiêu ngày tháng, từ đó hình tượng bật lên rất nhanh. Chị đã thực hiện một sân khấu hoàn toàn mới mẻ, khác biệt cho tác phẩm của mình: Tấm màn che đằng sau như một cái phông lớn nhưng thực ra là chun và hệ thống sắt để diễn viên có thể trèo và xuất hiện trên đó. Được vẽ toàn bộ như một rừng cây, tấm màn che ấy tạo nên sự đa chiều của không gian với sự ẩn hiện của chiến sĩ trong rừng cây, trong bóng đêm nhập nhòe... Thông thường, để giản tiện, mọi người sẽ sử dụng màn hình LED với hình ảnh rừng cây nhưng Trần Ly Ly lại hết sức tiết chế việc này.
Là một nghệ sĩ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chị cho rằng cái hay của sân khấu là ở chỗ mình phải xử lý như thế nào để nó đặc biệt, đầy biến ảo nhưng cũng phải linh hoạt, tiện cho việc tháo lắp. "Tôi cùng với bộ phận thiết kế, kỹ thuật đã phải làm việc rất kỹ để có được cách xử lý sân khấu đặc biệt và tôi nghĩ sự đầu tư này hoàn toàn xứng đáng", Trần Ly Ly cho biết.
Thực hiện một tác phẩm múa về những người lính đặc công dưới nước, Trần Ly Ly khai thác tối đa những động tác múa gợi hình ảnh bơi, trườn, chuyển động bê người sâm sấp mặt nước... "Ngôn ngữ múa ở đây rất khó, lại được tìm tòi, cộng hưởng giữa múa đương đại và kỹ thuật ballet nên càng khó hơn nhiều, đòi hỏi diễn viên phải tập luyện kỹ càng, nhuần nhuyễn. Các bạn diễn viên Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai đã rất tâm huyết, thể hiện cực kỳ chuyên nghiệp và đầy xúc động trên nền nhạc đẹp do nhạc sĩ Việt Anh sáng tác", Trần Ly Ly nói.
"Dũng sĩ rừng Sác" là một trong những tác phẩm múa mà Trần Ly Ly tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình. Từng được vinh danh ở rất nhiều giải thưởng nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế nhưng chưa bao giờ chị có cảm xúc đặc biệt như khi được trao giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020", đặc biệt khi chị là người trẻ tuổi nhất trong danh sách 11 tác phẩm đoạt giải A.
NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978, tốt nghiệp trường ĐH Công nghệ Queensland (Australia) năm 2003, là gương mặt nổi bật trong làng ballet và múa đương đại Việt Nam. Khi là diễn viên múa, chị từng biểu diễn thành công nhiều tác phẩm do các biên đạo nổi tiếng ở Việt Nam và quốc tế dàn dựng như: Cứu bạn, Paquita của Maurice Bejart, Xin chào của biên đạo người Australia, Under skin and Body armour của biên đạo Pháp - Regine Chopinot, Venus ở Hanoi của Felix Ruckert (Đức)... Năm 2019, chị được Forbes Việt Nam ghi nhận là 1 trong số 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. NSƯT Trần Ly Ly vừa được bổ nhiệm là Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.