pnvnonline@phunuvietnam.vn
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Để phát triển áo dài, quan trọng nhất là phải được công chúng đón nhận
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng Hoa hậu H'Hen Niê tại Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh 2023
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam là một trong những Đại sứ của Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh 2023, bên cạnh những nhân vật tên tuổi khác như NSND Kim Xuân, NSƯT Phi Điểu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Hoa hậu H'Hen Niê, ca sĩ Kyo York… Không chỉ mang đến Lễ hội những thiết kế áo dài độc đáo, anh còn tham gia rất nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh tà áo dài cũng như du lịch cho thành phố bên sông Sài Gòn.
+ Tham gia Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh 2023 với vai trò Đại sứ có khiến anh cảm thấy áp lực?
- Thêm trọng trách là Đại sứ, tôi cảm thấy đây là vinh dự, nhưng bên cạnh đó cũng thấy cần cố gắng nhiều hơn. Với tôi, "không có áp lực, không có kim cương", điều đó khiến tôi không ngừng phát triển bản thân mỗi ngày. Nếu như đơn thuần tham gia trong vai trò NTK, tôi chỉ cần tạo nên một BST có ý nghĩa cho Lễ hội để quảng bá du lịch và có tính ứng dụng cho khách hàng. Nhưng khi đảm nhận thêm trách nhiệm của một Đại sứ, tôi có vai trò lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng nói chung và gần 20 nghìn học viên của tôi nói riêng để họ yêu thích và ứng dụng áo dài vào đời sống hàng ngày.
+ BST "Ngọc Viễn Đông" lấy cảm hứng từ hình ảnh thành phố trên sông Sài Gòn đã gây hiệu ứng tốt với khán giả khi được trình diễn mở màn Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh 2023. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi những chiếc áo dài anh sáng tạo nên được công chúng đón nhận?
- Tôi thực sự rất hạnh phúc. Khi chương trình Thời sự VTV phỏng vấn và đưa lên những hình ảnh BST "Ngọc Viễn Đông", tôi cảm thấy tự hào vì những việc làm của mình có ý nghĩa đóng góp cho xã hội. Những vị khách nước ngoài được xem trực tiếp chương trình lên sân khấu xin chụp hình, hay sự thích thú của các Đại sứ, chính khách… khiến tôi có thêm nhiều cảm hứng.
Lãnh sự nhiều nước tại TP Hồ Chí Minh đến dự và chia sẻ rằng họ muốn được sở hữu những chiếc áo dài đó. Tôi cảm thấy tình yêu áo dài được lan tỏa, không chỉ người trong nước mà người nước ngoài cũng sẽ sử dụng áo dài nhiều hơn.
+ Đâu là điều ấn tượng nhất với anh tại Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9?
- Tôi ấn tượng với sự đón nhận của công chúng. Từ sáng sớm, đã rất đông người dân tập trung tham gia buổi diễu hành, đặc biệt Hội LHPN Thành phố đã phát động để hơn 3.000 chị em mặc áo dài diễu hành rực rỡ sắc màu. Đâu đó tôi nhìn thấy rất nhiều học viên của tôi tham dự buổi diễu hành, có các vị chính khách, doanh nhân, nghệ sĩ diện thiết kế áo dài của tôi khiến tôi vô cùng hạnh phúc.
+ Anh mong muốn điều gì cho sự phát triển của áo dài trong đời sống hiện đại?
- Tôi mong các học viên của tôi, những NTK, những người làm nghề áo dài, có nhiều góc nhìn mới. Bên cạnh giữ các nét truyền thống cha ông, áo dài cũng là một sản phẩm thời trang, nó cần có đời sống của mình, cần phát triển. Quan trọng nhất là phải được công chúng đón nhận. Điều đó giúp áo dài phát triển theo quy luật. Cái gì có giá trị sẽ được lưu giữ, cái gì không phù hợp với đời sống sẽ bị đào thải.
Theo tôi, những sản phẩm áo dài truyền thống Việt Nam cũng cần được cách điệu để đưa vào đời sống để phù hợp, không gian, thời gian, kiến trúc… Đặc biệt, áo dài cần hội nhập quốc tế, mở rộng sử dụng hoa văn họa tiết, chất liệu của nước ngoài, văn hóa, hình ảnh nước ngoài… Như vậy, áo dài sẽ là một sản phẩm thời trang hợp xu hướng và nhận được sự đón nhận của bạn bè quốc tế.
+ Dự định của anh sau khi trở về từ Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh 2023?
- Tôi sẽ phối hợp cùng Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tạo ra các BST với những dự án quảng bá du lịch kết hợp áo dài. Tôi cũng chuẩn bị BST mới nhất dành cho Lễ hội áo dài tại Singapore, hay các ý tưởng làm nên BST áo dài tại Pháp, Italia, Nhật Bản… tạo các bộ sưu tập thời trang, các nét văn hóa quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.
Xin cảm ơn anh!