NTK Minh Hạnh: “Đó là sự công nhận sở hữu trí tuệ đầu tiên cho chiếc áo dài”

Minh Tuấn (thực hiện)
08/03/2021 - 07:00
NTK Minh Hạnh: “Đó là sự công nhận sở hữu trí tuệ đầu tiên cho chiếc áo dài”

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Nhân dịp Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) vừa Chứng nhận Đăng ký Quyền tác giả đối với “Hình thức thể hiện trên mẫu áo dài của Hội LHPN Việt Nam”, PNVN đã trao đổi với nhà thiết kế Minh Hạnh, tác giả của mẫu áo dài này.

+ Chào NTK Minh Hạnh, chị có thể chia sẻ đôi chút về mẫu thiết kế áo dài mà chị đã thực hiện và trở thành đồng phục của cán bộ Hội LHPN Việt Nam ?

Qua mẫu thiết kế này, tôi muốn thay đổi cảm nhận đối với người cán bộ của Hội Phụ nữ. Trước đây, nhiều người có thể hình dung hình ảnh cán bộ Hội hơi khô cứng. Thật ra tôi cũng chỉ trình bày lại, truyền đạt lại những thông điệp từ bộ nhận diện của TƯ Hội LHPN Việt Nam thông qua chiếc áo dài đồng phục. Đó là hình ảnh chim bồ câu tung cánh ngậm nhành lúa vàng - biểu trưng cho hòa bình trong cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Tôi nghĩ không có thông điệp nào ý nghĩa hơn dành cho ngày 8/3 năm nay. Và cũng không có một ước mơ nào lớn hơn điều đó trong mỗi người phụ nữ. Đôi cánh chim còn là khát vọng của người phụ nữ tự do và năng động hơn. Độ dài của áo và quần vừa đủ lịch sự nhưng cũng tạo cho người phụ nữ cảm giác năng động để khi mặc áo dài có thể dễ dàng tham gia các hoạt động, công việc hàng ngày.

NTK Minh Hạnh: “Đó là sự công nhận sở hữu trí tuệ đầu tiên cho chiếc áo dài” - Ảnh 1.

Cán bộ TƯ Hội LHPN Việt Nam trong đồng phục áo dài

+ Vậy chị có cảm xúc gì khi mẫu thiết kế này vừa được công nhận Đăng ký Quyền tác giả?

Đó là một sự công nhận sở hữu trí tuệ đầu tiên cho chiếc áo dài. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những bước đi đầu tiên do TƯ Hội LHPN Việt Nam thực hiện để đi đến những "chiến dịch", hướng nhìn nhận sắp tới cho chiếc áo dài. Có lẽ tiếp theo đây, nhiều nhà thiết kế, những người sản xuất áo dài cũng sẽ có những đăng ký sở hữu trí tuệ tương tự. Từ đó chúng ta sẽ có cơ sở nhiều hơn để đi đến mục đích công nhận áo dài là di sản văn hóa Việt Nam . Vừa qua có nhiều sự việc khiến chúng ta phải quan tâm hơn tới việc bảo vệ áo dài. Không chỉ ở khía cạnh làm đẹp mà quan trọng là phải bảo vệ được giá trị truyền thống của áo dài, đó là giá trị của văn hóa Việt Nam . Tôi cho rằng việc đăng ký chứng nhận mẫu thiết kế áo dài là bước đi hợp lý và đúng đắn nhất.

+ Theo chị, việc chúng ta hướng đến xác nhận áo dài là Di sản Văn hóa Việt Nam đã đủ để mình khẳng định áo dài hiển nhiên là của Việt Nam chưa?

Tôi nghĩ là đủ, cũng như chúng ta sinh ra một đứa con, đứa con hiển nhiên là con của ta nhưng chúng ta chưa làm giấy khai sinh cho nó. Việc xác lập áo dài là di sản cũng như chúng ta làm giấy khai sinh cho chiếc áo dài. Tất nhiên, chúng ta cũng còn phải hướng đến việc xác lập áo dài là di sản văn hóa của thế giới nữa thì sẽ vững chắc hơn.

NTK Minh Hạnh: “Đó là sự công nhận sở hữu trí tuệ đầu tiên cho chiếc áo dài” - Ảnh 2.

+ Chị nhận định thế nào về sự phổ biến của chiếc áo dài trong cuộc sống thường nhật hiện nay?

Tôi thấy áo dài là một trang phục đã thích nghi với cuộc sống hiện đại rất lớn so với những loại trang phục truyền thống khác. Nó đã len lỏi vào mọi môi trường của đời sống hàng ngày. Cái thú vị nhất là bây giờ người ta cảm thấy tự do hơn khi mặc áo dài. Không còn quá lo lắng với những quan niệm trước đây như mặc áo dài là phải ôm sát, mặt áo dài phải có số đo 3 vòng chuẩn hay những chất liệu đắt tiền… Người ta có thể mặc áo dài theo cách thoải mái hơn, người mập hay gầy đều có thể mặc theo những phom dáng thoải mái khác nhau, cũng không nhất thiết phải kết hợp với guốc cao nữa. Hoặc người ta có thể may áo dài bằng bất cứ chất liệu nào, thậm chí vải jeans… Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào thì theo tôi những biến tấu phải có sự cân nhắc. Vì nói gì thì nói, áo dài vẫn phải khác so với các loại thường phục. Nó vẫn phải có một vị trí độc tôn của một chiếc áo truyền thống, hàm chứa được những giá trị văn hóa Việt trong đó. 

NTK Minh Hạnh: “Đó là sự công nhận sở hữu trí tuệ đầu tiên cho chiếc áo dài” - Ảnh 3.

“Hòa bình trong thịnh vượng ấm no” là thông điệp mà TƯ Hội LHPN Việt Nam gửi đến tất cả phụ nữ Việt Nam qua chiếc áo dài xanh với hình ảnh chim bồ câu trắng ngậm cành lúa

+ NTK Minh Hạnh có ý tưởng nào để làm cho chiếc áo dài ngày càng phổ biến rộng rãi trong cuộc sống hiện nay?

Tôi nghĩ rằng việc TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động "Tuần lễ Áo dài" từ ngày 1 đến 8/3 đã là quá sinh động. Từ sự phát động này, bất kỳ người phụ nữ nào cũng tự hào mặc áo dài và hình ảnh ấy được chuyển tải qua các phương tiện truyền thông, giúp cho chiếc áo dài càng thêm gần gũi. Theo tôi, việc cần thiết nữa là chúng ta phải xây dựng được hoạt động đó thường xuyên hơn, để nó trở thành ngày hội của chiếc áo dài, mang ý nghĩa nâng cao giá trị truyền thống thông qua trang phục áo dài, để thêm nhiều người mong chờ đến ngày đó!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm