NTK Xuân Thu đưa sơn mài lên áo dài

18/04/2017 - 18:20
“Tôi muốn ứng dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống với những bước thực hiện đúng cách của các cụ ngày xưa để tạo nên những họa tiết sơn mài độc đáo trên các bộ trang phục”, NTK Xuân Thu chia sẻ.
568a5916.JPG

Tối 23/4 tới, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) sẽ diễn ra buổi trình diễn thời trang với chủ đề “Son”. Đây là show diễn giới thiệu bộ sưu tập trang phục hiện đại ứng dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống của NTK Xuân Thu, được tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm gắn bó với thời trang của nữ thiết kế tài năng này.

Son gồm 3 BST: Bộ áo dài mang tên Lửa, áo bông và trang phục hiện đại có tên gọi Xuân thì Sơn mài với những họa tiết, chi tiết gắn nổi được thể hiện theo lối vẽ tranh sơn mài xưa.

568a5864.JPG

Chia sẻ về việc ứng dụng kỹ thuật sơn mài vào thiết kế thời trang, NTK Xuân Thu cho biết: Trong suốt 15 năm làm nghề, chị từng thực hiện nhiều BST khác nhau nhưng chưa khi nào mà bị “đau đầu” đến thế. Mong muốn của chị là ứng dụng nghệ thuật sơn mài truyền thống với những bước thực hiện đúng cách của các cụ ngày xưa để tạo nên những họa tiết sơn mài độc đáo trên các bộ trang phục.

Để thực hiện ý tưởng đó, trong suốt nhiều tháng, chị miệt mài tìm kiếm nghệ nhân ở làng Hạ Thái - làng nghề sơn mài nổi tiếng ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhưng làng nghề xưa nay chẳng còn mấy người làm, có người vẫn giữ nghề nhưng lại không muốn giúp chị bởi số lượng áo không nhiều, trong khi các công đoạn thực hiện thì rất vất vả. May mắn là cuối cùng, chị đã tìm được một người của dòng họ có truyền thống làm nghề sơn mài lâu đời, rất hứng thú với ý tưởng độc đáo của chị.

568a5968.JPG

Tuy nhiên, độ khó và kỳ công của sơn mài không dễ chinh phục chỉ bằng niềm khát khao. Nó thách thức lòng kiên trì và cả sự kiên định của NTK. Qua nhiều lần bị thất bại (lớp sơn mài bị vỡ, bong..), cuối cùng Xuân Thu cũng đã thực hiện được mong muốn.

Để đưa sơn mài lên áo dài và các trang phục hiện đại, NTK Xuân Thu và họa sĩ phải thực hiện các công đoạn một cách tỉ mỉ cũng như làm một bức tranh sơn mài. “Khi thực hiện, tôi không nghĩ rằng đề tài đưa sơn mài vào trang phục lại khó khăn và gian truân như thế”, NTK Xuân Thu cho biết.

img_0020.JPG

Theo NTK Xuân Thu, Sơn mài kết hợp với Xuân thì Lửa sẽ tạo nên một dấu ấn khác biệt cho Son. Các phụ kiện được làm từ kỹ thuật sơn mài không chỉ là điểm nhấn cho trang phục mà cao hơn, là công đoạn tạo nên sự hoàn hảo cho BST. Đặc biệt, dù có 3 BST khác nhau nhưng trong Son, tính xuyên suốt trong mỗi BST riêng lẻ vẫn là yếu tố “Lửa”, là “sợi dây” văn hóa truyền thống. Chúng được kết nối với nhau để tạo nên sự tổng thể về phong cách của trang phục, riêng lẻ nhưng không tách rời khỏi ý tưởng.

Văn hóa truyền thống ở Xuân Thu đầu tiên là yếu tố handmade, được thể hiện khá nhiều trong các trang phục. “Nghệ thuật truyền thống chưa bao giờ là cũ, thậm chí bây giờ đó là những giá trị tạo nên sự khác biệt với thế giới, trong đó có thời trang. Khi cuộc sống càng hiện đại thì người ta lại càng có ý niệm quay về với giá trị truyền thống. Với thời trang cũng vậy, truyền thống được đặt trong dòng chảy đương đại khiến nó càng trở nên đặc biệt và nghệ thuật hơn”, NTK Xuân Thu nói.

img_0051.JPG

Trong buổi ra mắt Son, các người mẫu sẽ trình diễn trang phục trên nền nhạc piano của nghệ sĩ Phó An My.

NTK Xuân Thu sinh năm 1969, tốt nghiệp khoa thiết kế thời trang trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp với tấm bằng loại ưu. Chị cũng là học sinh đầu tiên học thiết kế công nghiệp London Center Student. Năm 2001, khi đang là sinh viên, chị đã cho ra mắt BST đầu tiên mang tên Cổng làng và đoạt giải 3 cuộc thi thiết kế thời trang Việt Nam. Chị đã tham gia các chương trình thời trang lớn như Vietnam Fashion Week, Festival Huế...
ntk-xuan-thu.JPG
 NTK Xuân Thu với một mẫu thiết kế trong BST áo dài "Lửa"
Năm 2015, chị tạo sự đột phá với BST Duyên khi khai thác họa tiết gốm hoa nâu thế kỷ 15-17 vào trang phục áo dài truyền thống. Hiện tại, NTK Xuân Thu là giám đốc sáng tạo cho 2 thương hiệu thời trang Xthu và Nguyen Galli.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm