Nữ anh hùng vượt khó giữa đời thường

27/07/2019 - 08:00
Gặp những nữ thương binh nặng tiêu biểu nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, chúng tôi không chỉ bồi hồi xúc động mà còn được nhân lên niềm tin mãnh liệt. Bởi lẽ, trong bất cứ hoàn cảnh nào: Bom đạn, hiểm nguy, sự tàn khốc của chiến tranh hay những gian truân, thử thách, tró trêu của cuộc sống đời thường, họ vẫn không gục ngã.

Nữ anh hùng diệt ác học làm kinh doanh 

“Giờ thì mọi chuyện đã ổn rồi” - câu nói nhẹ như gió thoảng của bà Văn Thị Kim Xoa, người nữ anh hùng, Đội trưởng Đội Trinh sát An ninh Vũ trang thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, khiến những người hậu sinh như chúng tôi cảm thấy vợi lòng. Gần 7 thập kỷ trôi qua, những trang đời của bà chẳng khác gì những thước phim quay chậm với những mảng màu tối, sáng, đủ cả.

 

23333.jpg
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Văn Thị Kim Xoa phát biểu tại buổi gặp mặt nữ thương binh tiêu biểu toàn quốc

 

15 tuổi, bà đã theo cha đi làm cách mạng. Với lòng quả cảm, sự quyết đoán, mưu trí, khôn khéo, chỉ một thời gian sau, bà đã được giao nhiệm vụ chỉ huy Đội Trinh sát An ninh Vũ trang chuyên diệt những tên ác ôn khét tiếng. Xuất quỷ nhập thần, khi tập kích vào nhà, khi thì gài mìn ở nơi làm việc, lúc thì phục kích ở nơi chúng hay đến ăn trưa hay phối hợp cùng bộ đội địa phương truy tìm khi chúng trà trộn vào binh lính. Bà đã chỉ huy nhiều trận, diệt nhiều tên ác ôn. Với chiến công đó, bà đã 15 lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) năm 2014.

 

Mang trên mình nhiều thương tật, trở về cuộc sống đời thường, bà gặp vô vàn khó khăn. Chỗ ở không có, bà phải xin đất, vay mượn tiền làm nhà. Với đồng lương eo hẹp, bà phải bươn chải đủ nghề kiếm sống: Bán vé số, gánh sữa đậu nành đi bán, chở nước ngọt bằng xe đạp đi bỏ xỉ ở các địa điểm xa trong huyện, rồi trồng chuối, nuôi lợn...Tích cóp được bao nhiêu, bà lại mang đi trả nợ.

 

Trong một lần tham gia sinh hoạt CLB Hưu trí của huyện, có một nữ doanh nhân đã bày cho bà cách làm nhà, cho thuê trọ. Nghe thì hấp dẫn nhưng bà phát hoảng vì lấy đâu ra tiền để làm nhà trọ trong khi nợ nần chưa trả hết. Người nữ doanh nhân ấy lại bày cho bà cách lấy sổ đỏ, sổ trợ cấp thương binh đem thế chấp ngân hàng, vay 30 triệu đồng, làm được mấy căn phòng cho học sinh thuê. Thu nhập thời đó cũng được 400-500 nghìn đồng/tháng.

 

Cách đây 7,8 năm, bà gặp một người bạn, người bạn lại bày cho bà chuyển sang cho khách du lịch thuê. Công việc làm ăn tiến triển, bà quyết định vay ngân hàng cùng với số tiền tích lũy được, đầu tư gần 1 tỷ đồng làm phòng ốc cho các khách du lịch thuê. Hiện mỗi tháng, bà thu được 15 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi khoảng 8 - 9 triệu đồng, cộng với lương hưu, trợ cấp thương binh, bà có gần 20 triệu đồng/tháng. 

 

Không chỉ chăm lo làm ăn, ổn định về kinh tế, bà còn tích cực đi đầu trong các phong trào của địa phương, làm phó chủ nhiệm CLB Công an hưu trí của huyện. Bản thân hiến đất và vận động người dân hiến đất làm đường, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

 

“Trồng cây” đến ngày hái quả

 

anh-co-my.jpg
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Mỹ

 

Chết đi sống lại nhiều lần trong những năm tháng bị tù đày ở Nhà lao Đà Lạt khi mới tuổi mười tám đôi mươi (nhưng trong giấy khai sinh chưa đến tuổi vị thành niên), nên bọn địch khó kết tội cho nữ giao liên Phan Thị Mỹ (sinh năm 1948, xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Đà - nay là Quảng Nam). Dù chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn, từ đóng đinh, thả rắn vào ống quần, roi điện, hơ chân tay trên lửa..., dù chúng dùng đủ lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ hoặc đe dọa đàn áp nhưng bà Phan Thị Mỹ nhất quyết không khai. Không những vậy, trong tù, bà còn tích cực vận động anh chị em tù nhân phản đối các quy định hà khắc của nhà tù, chống bắt giam thiếu nhi, không tham gia học nội quy hay hát quốc ca của chúng. Không khuất phục được bà, chúng buộc phải thả.

 

Ngày ra tù, bà chứng kiến quê hương, nhà cửa bị địch tàn phá tiêu điều, đau thương tang tóc phủ kín các đường làng ngõ xóm. Sức khỏe của mẹ bà yếu đi trông thấy sau mỗi lần nhận được hung tin 4 anh chị em của bà lần lượt hy sinh. Sức khỏe không có, bà không có điều kiện làm kinh tế, chỉ lần hồi, làm ruộng, tần tảo nuôi con, chăm sóc mẹ già.

 

Bà bảo, bà chẳng có gì ngoài tình thương dành cho các con của mình. Rồi tình thương ấy cũng được đền đáp. 3 người con đã trưởng thành, lập gia đình, trong đó có 2 người tốt nghiệp đại học sư phạm và quản trị kinh doanh. Kinh tế không dư dả gì nhiều nhưng bà cũng được an ủi. Bà đã được phong tặng danh hiệu AHLLVTND năm 2009 và mẹ của bà được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Mất 1 chân vẫn nuôi dạy 4 con trưởng thành 

Gặp bà Nguyễn Thị Dạn, 74 tuổi, nguyên Trung đội trưởng Đội Bắc cầu phao (F153), Bí thư Chi đoàn C2, thương binh ¼ với tỷ lệ 81%, tôi không khỏi bất ngờ. Dù cơ thể không còn lành lặn, chân phải bị cưa ngang đùi, chân trái khó cử động do ảnh hưởng của trận bom năm 1967 trong khi đang làm nhiệm vụ, nhưng bà vẫn giữ được nét tươi tắn và vẻ đẹp mặn mà, xuân sắc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”.

 

anh-co-dan.jpg
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Dạn và ông Nguyễn Trọng Hoa

 

Thời “thanh niên sôi nổi” xung phong tình nguyện phá đá mở đường, bắc cầu phà hết các công trường ở Lai Châu, Sơn La, về Hà Nội rồi lại ở nơi tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhất là trận bom ở Cầu Rào, Hải Phòng đã khiến bà vĩnh viễn phải sống chung với đôi nạng gỗ, chiếc xe lăn, bà lại khóc.

 

Những ngày đầu làm quen với đôi nạng gỗ là cả một cực hình. Cứ vừa đứng lên lại ngã nhào xuống. Rồi với ý chí và nghị lực của người lính, bà lại đứng lên và dần trụ vững để được đoàn tụ với gia đình.

 

Biết được hoàn cảnh của bà, cấp trên phân công cho bà về công tác tại Công ty Cầu 3 ở Văn Giang, Hưng Yên, cử bà đi học đánh máy chữ và làm văn thư. Bà bảo, khó khăn chồng chất, nhất là khi sinh con, chồng công tác ở xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà được. May mà bố mẹ chồng rất hiểu, thông cảm và thương con dâu nên sắp đặt mẹ chồng ra ở trông nom giúp. Các đồng nghiệp cũng xúm vào giúp bà những công việc nặng nhọc mà bà không thể làm được.

 

Sau khi công tác ở Công ty Cầu 3, bà về làm nhân viên bán vé tại HTX mua bán thị trấn Sài Đồng (nay là phường Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội). Năm 1982, HTX giải thể, bà về nghỉ chế độ. Lúc này, cuộc sống càng khó khăn. Mượn được 20m2 đất ở xã bên, bà mở quán bán nước chè, tần tảo nuôi con.

 

Cũng may, các con bà đều hiểu và cố gắng học hành, chăm lo làm ăn. Con gái đầu của bà hiện làm Chủ tịch Công đoàn ở một công ty của Nhật. Cô con thứ hai làm nghề tự do. Cô con gái thứ 3 có bằng thạc sĩ kinh tế, cùng chồng lập công ty riêng. Cô con gái út tốt nghiệp đại học, làm kế toán cho công ty của chị. Các con rể của bà, người thì là giảng viên Học viện Quân sự, người làm cho công ty nước ngoài, người làm Công ty May 10, người làm chủ doanh nghiệp tư nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm