Nữ bác sĩ nặng tình với huyện đảo tiền tiêu

27/02/2019 - 12:22
Chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng phải vất vả vượt biển vào đất liền điều trị, bác sĩ Bùi Thị Thuy chấp nhận xa chồng, con để trở lại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), hết lòng chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Từ TP.Hạ Long đến Cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) gần 1 tiếng, sau đó chúng tôi đi tàu khách ra đảo Cô Tô. Sau 30 phút lắc lư trên con tàu khách nhỏ, chúng tôi đặt chân đến đảo. Vừa lên bờ, nhiều người đã nôn ọe bởi say sóng. Đón chúng tôi tại cảng tàu, bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cười bảo, lần đầu tôi đến đây, còn say sóng hơn nữa kìa. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV Sản-Nhi Quảng Ninh, người đi cùng chúng tôi giới thiệu, bác sĩ Thuy đã có nhiều năm gắn bó với đảo Cô Tô. Thậm chí, cô đã chấp nhận rời xa chồng con để đến với bà con trên đảo.

20180713_110847.jpg
Bác sĩ Thuy thăm khám cho bệnh nhân

 

Trong cuộc trò chuyện, bác sĩ Thuy cho biết, từ năm 1979 đã theo bố mẹ ra đảo Cô Tô xây dựng kinh tế mới. Khi còn bé, chị ước được mang trên mình bộ quân phục màu xanh để bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, lúc ấy trên đảo chưa có thầy thuốc nên bố mẹ mong con học y để chữa bệnh cho bà con.

 

Năm 18 tuổi, sau khi học xong THPT, chị trở lại đất liền học trường Trung học Y tế Quảng Ninh (nay là trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh). Đến năm 1994, khi Trung tâm Y tế huyện Cô Tô được thành lập, chị về đây làm việc. Khi ấy, trung tâm thiếu thốn trăm bề, từ thiết bị y tế, thuốc men, đến phương tiện vận chuyển. “Lúc đó, Cô Tô chưa có điện lưới quốc gia. Vì vậy, từ 7h đến 11h và từ 13h30 đến 16h, trung tâm mới dùng điện máy phát. Thời gian còn lại trong ngày, trung tâm phải dùng bình ắc quy”, bác sĩ Thuy kể.

 

Để nâng cao tay nghề, năm 2001 chị đi học tại trường Đại học Y Hải Phòng chuyên ngành gây mê. Tốt nghiệp đại học, chị tiếp tục trở về Cô Tô công tác. Tuy nhiên, khi ấy trung tâm thiếu thiết bị y tế trầm trọng, nên có ca bệnh nào có dấu hiệu nặng là ngay lập tức phải chuyển vào đất liền. Cũng vì thế, chị không có điều kiện tốt để thực hành chuyên môn. Vì vậy, năm 2007, chị xin chuyển vào đất liền công tác tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn. Năm 2009, chị đi học cao học chuyên ngành ngoại khoa và tiếp tục làm việc trong đất liền.

 

Trở về với biển đảo

 

Dù làm việc và lập gia đình ở đất liền nhưng chị vẫn luôn hướng về đảo Cô Tô. Cũng vì thế, mỗi cuối tuần nếu không phải ca trực, chị lại ra biển, hướng về phía đảo. Chị mong một ngày nào đó, mình sẽ trở lại với nơi đã nuôi dưỡng mình nên người.

anh-them-trang-5.JPG
Các bác sĩ trong một ca mổ. Ảnh minh hoạ

 

Sau nhiều năm trăn trở, chị đã quyết định quay trở lại Cô Tô vào năm 2017. Chia sẻ về lý do trở về đảo, chị kể: “Một ngày đầu năm 2017, đúng ca tôi trực thì có một sản phụ bị băng huyết sau sinh được chuyển từ Cô Tô vào. Chúng tôi tiếp nhận khi sản phụ đã trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao. Sau nhiều giờ nỗ lực, chúng tôi cũng đã cứu sống được sản phụ. Khỏi phải nói, ai cũng vui, gia đình cảm ơn rối rít. Người nhà bệnh nhân bảo, nếu bác sĩ ở Cô Tô thì chúng tôi đỡ biết bao. Khi đó, tôi nghĩ rằng nếu mình đang ở Cô Tô thì sản phụ và gia đình họ không phải vượt 30 hải lý đường biển để vào đất liền. Hơn nữa, không chỉ một trường hợp mà còn nhiều bệnh nhân khác nữa cũng có hội được cứu sớm hơn. Tôi cũng tìm hiểu thì được biết, ở Cô Tô vẫn thiếu bác sĩ ngoại khoa. Vì vậy, tôi đã xin trở lại Cô Tô”.

 

Để trở lại Cô Tô, với chị là sự dũng cảm. Cũng bởi, chồng con chị vẫn ở Vân Đồn. Nếu ra đảo, đồng nghĩa với việc chị phải xa gia đình, xa con. Khi nghe chị nói về ý định ấy, trong gia đình không ai ủng hộ. Ai cũng bảo,  chị đang công tác ở một nơi tốt hơn, đầy đủ hơn, tại sao lại quay về, chấp nhận xa chồng, xa con như thế. Hơn nữa, dù đảo cách đất liền hơn 30 hải lý, nhưng nếu nhà có việc thì không phải cứ muốn là về được ngay. Ban đầu, chồng chị cũng như những người khác, nhưng rồi khi nghe chị nói về nguyện vọng, anh bảo. “Em đã quyết định thì anh cũng không cản. Ở nơi nào cũng có khó khăn, anh tin vào quyết định của em”, chị kể lại.

 

Công tác ngoài đảo, khoảng 2-3 tuần chị mới về thăm nhà. Thế nhưng, cũng không phải cố định thời gian đó mà với chị, tuần chuẩn bị về phải chắc chắn không có thai phụ chuẩn bị sinh. Chị kể: Trước khi về, tôi phải kiểm tra lại hồ sơ, xem tuần đó có thai phụ nào chuẩn bị đẻ không? Có ai thai 38, 39 tuần không? Nếu có thì tôi ở lại để sẵn sàng hỗ trợ cho họ. Chỉ khi chắc chắn tuần đó không có thai phụ nào chuẩn bị sinh thì tôi mới dám về đất liền. Rồi khi đã về quê đất liền, chị vẫn luôn trao đổi với anh em trực cơ quan để có thể xử lý các sự cố có thể xảy ra.

 

Bác sĩ Thuy cho biết, Trung tâm là đơn vị y tế duy nhất trên huyện đảo. Trung tâm Y tế huyện Cô Tô có gần 40 cán bộ, y, bác sĩ. Hiện tại, trung tâm với 50 giường bệnh, mỗi ngày khám và điều trị cho hơn 30 trường hợp. Từ năm 2017, trung tâm đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh án và đã triển khai thành công bệnh án điện tử. Ngoài ra, Trung tâm cũng làm chủ được nhiều kỹ thuật cao do được bệnh viện tuyến trên chuyển giao, nhờ đó đã cứu sống được nhiều bệnh nhân.

 

“Mới đây, Trung tâm đã cứu sống bệnh nhân Đỗ Thị Quỳnh (26 tuổi, ở thị trấn Cô Tô). Trước đó, bệnh nhân đưa vào Trung tâm cấp cứu vì đau bụng vùng hạ vị. Qua khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, xét nghiệm và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân chửa ngoài tử cung vỡ và chỉ định mổ nội soi cấp cứu. Kết quả thăm khám cho thấy, bệnh nhân có khối chửa vòi trứng bên trái đã vỡ, trong ổ bụng có 400ml máu cục lẫn máu loãng. Các bác sĩ đã mổ nội soi cắt khối chửa, cầm máu, bơm rửa ổ bụng cho bệnh nhân. Sau 60 phút thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công”, bác sĩ Thuy chia sẻ.

 

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV Sản-Nhi Quảng Ninh cho biết, với những ca khó như trên, trước đây Trung tâm phải chuyển vào đất liền. Cũng vì thế, khi vào đến cơ sở y tế trong đất liền, bệnh nhân đã trở nặng, thậm chí không qua khỏi. Nhưng giờ đây, các y, bác sĩ đã có thể tự tin để thực hiện những ca bệnh như vậy. Để có được kết quả ấy là sự nỗ lực của các y, bác sĩ trung tâm, trong đó, người tiên phong là bác sĩ Thuy. Ngoài việc nâng cao tay nghề cho mình, chị Thuy còn cử các đồng nghiệp đi học nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp nhận kỹ thuật cao của bệnh viện tuyến trên. Từ đó, giúp các y, bác sĩ của trung tâm có thể tự tin thực hiện phẫu thuật các ca bệnh khó, góp phần chăm sóc sức khỏe của nhân dân. 

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 441.446 nhân viên y tế. Trong đó, bác sĩ là 73.576 người; dược sĩ 22.230 người; điều dưỡng 101.386 người; hộ sinh 28.542 người.

Trong khoa học và ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại, hiện Việt Nam tự nghiên cứu sản xuất vaccine như nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa; thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng khó, đặc biệt là ghép phổi, ghép tim; tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học Việt Nam đạt tầm thế giới.

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh: Ngành y tế đã củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến xã. Hiện cả nước có hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.00 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người; hình thành và phát triển trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, Huế và TP.HCM và khởi công nhiều công trình y tế hiện đại. Những năm qua, ngành Y tế thực hiện hiệu quả đề án giảm tải bệnh viện và bệnh viện vệ tinh nhằm giải quyết tình trạng quá tải và nằm ghép ở các bệnh viện trung ương và tuyến cuối.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm