Nữ bệnh nhân bị méo miệng, yếu nửa người vì đột quỵ

16/04/2018 - 15:26
Nữ bệnh nhân 54 tuổi được người thân đưa đến bệnh viện trong tình trạng nói đớ, méo miệng và yếu nửa người trái. Rất may, chị đã được điều trị kịp thời và dần hồi phục.
Người bệnh là chị T.N.Đ. (ngụ tỉnh Long An), được xác định bị đái tháo đường và tăng huyết áp từ nhiều năm nay.

Theo người bệnh, mặc dù bị đái tháo đường nhưng do bận việc gia đình nên chị không tái khám và uống thuốc điều độ.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ và điều trị kịp thời, sức khỏe đến nay đã dần bình phục hoàn toàn, đường huyết và huyết áp được kiểm soát tốt.

Một trường hợp khác cũng bị cũng bị đột quỵ khi mắc bệnh đái tháo đường là bệnh nhân N.T.N. (42 tuổi, ngụ TPHCM). Theo đó, cách đây khoảng 3 năm, anh N. phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường. Trong năm đầu tiên, anh tái khám thường xuyên và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Tuy nhiên, do chủ quan, đồng thời khi tự kiểm tra đường huyết thì chỉ số ổn định, anh quyết định không tái khám nữa, mà sử dụng toa thuốc trước đây để uống.

Trong một lần sau khi ngủ dậy, anh đột ngột bị yếu nửa người và được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ kèm theo tăng huyết áp, mỡ máu cao, dù đường huyết vẫn trong giới hạn bình thường. Sau khi điều trị và chăm sóc tích cực, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng anh vẫn phải chịu di chứng yếu liệt nửa người.

bc-s-khm-bnh-cho-ngi-bnh-i-tho-ng-2.jpg
Bác sĩ đang thăm khám cho một nữ bệnh nhân bị đái tháo đường

 


BS CKI. Trần Minh Triết, Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đái tháo đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Nguy cơ này sẽ tăng nhiều hơn ở người bệnh đái tháo đường khi kèm theo các yếu tố lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu hay có tiền sử đã từng bị đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não trước đó.

Đái tháo đường là bệnh mạn tính, không lây, thường diễn tiến âm thầm và dễ dẫn đến các biến chứng về bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận… So với người bình thường, người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 – 4 lần và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Do vậy, bên cạnh việc kiểm soát đường huyết tích cực, phòng ngừa đột quỵ là một trong những yếu tố quan trọng trong điều trị đái tháo đường. Người bệnh và người nhà cần nhận biết các dấu hiệu sớm của đột quỵ như đột ngột nói khó, méo miệng, yếu liệt, tê nửa người, lơ mơ, nhìn không rõ…để người bệnh được cấp cứu kịp thời tại các trung tâm đột quỵ hoặc bệnh viện gần nhất.

BS Triết khuyến cáo, để phòng ngừa và làm giảm những nguy cơ đột quỵ cũng như các biến chứng của đái tháo đường, người bệnh nên tái khám định kỳ để các bác sĩ chuyên khoa thăm khám toàn diện nhất, điều trị tích cực đa yếu tố.
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm