Nữ bệnh nhân bị vi khuẩn 'ăn' vào tim được cứu sống ngoạn mục

13/12/2016 - 21:09
Giữa tháng 9, chị Nguyễn Thị Hòa, 44 tuổi, ở Bắc Ninh, nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, vi khuẩn 'ăn' thủng rách hết van động mạch chủ. Hơn 2 tháng chị nằm viện, có những lúc tưởng không thể qua khỏi. Song, điều kỳ diệu đã tới.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (C8), Viện Tim mạch, BV Bạch Mai (Hà Nội), nhớ lại: bệnh nhân Nguyễn Thị Hoà được chuyển tới trong tình trạng bệnh nhân khi nhập viện bị nhiễm trùng rất nặng. Bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn" thủng rách hết van động mạch chủ, sang cơ tim, suy tim, khó thở, sốt… Các bác sĩ xác định đây là ca khó, cần thời gian điều trị lâu dài. Với một ca bệnh thông thường, bệnh nhân cần điều trị khỏi hết các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng... trước khi phẫu thuật tim. Nhưng với trường hợp này, bệnh nhân cần phải phẫu thuật sớm bởi thuốc đã không thể kiểm soát được nhiễm khuẩn.
vb.jpg
Sức khoẻ của chị Hòa (giữa) đã ổn định và có thể xuất viện
Trước khi dẫn đến tình trạng bệnh nặng, chị Hoà có biểu hiện sốt cao, sốt đi sốt lại. Chị được chẩn đoán sốt virus rồi xuất huyết dạ dày. Về nhà, chị Hoà dùng thuốc theo đơn nhưng không đỡ, sức khoẻ ngày càng tụt dốc, mệt mỏi, ăn uống kém, người đau. Hơn 3 tháng sau khi có những triệu chứng trên, chị Hoà bị ngất, người tím tái. Lúc này, gia đình đưa thẳng chị lên BV Bạch Mai cấp cứu vào giữa tháng 9/2016.
 
Cũng theo TS Dương Đức Hùng, khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân không thể thay van tim nhân tạo bởi vi khuẩn đã “ăn” hỏng nhiều “chi tiết” của tim, không còn “bản lề” để lắp van tim vào. Một khó khăn nữa, khi thay van tim nhân tạo việc kiểm soát nhiễm khuẩn càng khó hơn. Các bác sĩ buộc phải hoán đổi van, cắt van động mạch phổi để ghép sang vị trí của van động mạch chủ, sau đó lấy màng tim tạo ra một van nhân tạo khác thay thế van động mạch phổi bị cắt. Ca phẫu thuật đáng nhớ kéo dài 6 tiếng đồng hồ.

Trao đổi với PV Báo PNVN ngày 13/12, TS Hùng chia sẻ: “Sự hồi sinh của người bệnh cũng là bất ngờ của các bác sĩ bởi với những thương tổn nặng nề khiến van rách nát hết cả, cơ tim ăn thành ổ áp xe đầy mủ... Chúng tôi phải làm sạch, lấy banh gắp hết tổ chức mùn ra để phẫu thuật".

Suốt hơn 2 tháng sau ca phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu hồi sức. Đầu tháng 12 vừa qua, các bác sĩ đã cho bệnh nhân xuất viện với tình trạng sức khoẻ được cải thiện rõ rệt. Chị Hoà đã có thể đi lại nhẹ nhàng, ăn uống ngon miệng hơn. Điều mà chỉ hơn 2 tháng trước, cả gia đình không dám nghĩ tới. Lúc đó, mọi người đã xác định mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm