Năm 1949, xuất hiện nữ nghị sĩ đầu tiên trong lịch sử chính trị lập hiến của Hàn Quốc. Đó là bà Lim Young-shin, người đắc cử trong đợt bầu cử bổ khuyết tại Andong tỉnh Bắc Gyeongsang.
Bà Lim Young-shin sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc ở Geumsan tỉnh Nam Chungcheong. Thưở nhỏ, bà vốn là người thông minh và có ý chí mạnh mẽ.
Khi còn học tại trường nữ sinh Gijeon ở Jeonju và trường cao đẳng nữ sinh Cơ Đốc giáo ở Hiroshima, Nhật Bản, bà đã thể hiện lòng yêu nước bằng việc không quản ngại tham gia vào phong trào độc lập nổ ra ngày 1/3/1919 và tổ chức liên lạc bí mật của chính phủ lâm thời ở Thượng Hải. Từ năm 1921, bà dạy học ở trường nữ sinh Youngmyong ở Gongju và trường Ehwa ở Seoul trong vòng 2 năm.
Với mong muốn thu nhận được nhiều kiến thức, được trải nghiệm với thế giới rộng lớn hơn bên ngoài, năm 1925, bà sang Mỹ học đại học và cao học tại trường đại học Nam California.
Năm 1931 trở về nước, Lim Young-shin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường mẫu giáo Jungang. Đến năm 1945, bà sáng lập và đứng đầu Đảng Quốc dân nữ giới Đại Hàn, bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị. Giai đoạn này, bà đã nhận được sự tín nhiệm của tổng thống Rhee Sung-man, người mà bà từng có có hội gặp gỡ tại Mỹ.
Ngày 15/8/1948, chính phủ Hàn Quốc được thành lập, bà Lim Young-shin trở thành người phụ nữ duy nhất được chọn vào nội các và làm bộ trưởng bộ Công thương. Một năm sau, bà mới đắc cử, trở thành nghị sĩ quốc hội trong cuộc bầu cử bổ khuyết tại Andong.
Mặc dù là người phụ nữ đầu tiên trở thành nghị sĩ quốc hội và nắm giữ cương vị bộ trưởng của một bộ ở Hàn Quốc nhưng trên thực tế, con đường chính trị của bà Lim Young-shin hoàn toàn không bằng phẳng.
Ngay khi bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng đầu tiên của bộ Công thương, cán bộ ở đây đã lên tiếng phản đối, không chịu để phụ nữ quyết định các công việc của nam giới. Thậm chí, đối với việc trở thành nghị sĩ quốc hội, bà cũng vấp phải tin đồn đã rải tiền để được đắc cử.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bà Lim Young-shin vẫn quyết không lùi bước. Bà đã đối đầu lại với cách nhìn bảo thủ và cái nhìn đầy định kiến với phụ nữ lúc bấy giờ, đã đường hoàng lên tiếng phản bác rằng: "Ai không làm việc được dưới quyền của nữ giới thì ngay lập tức hãy viết đơn xin từ chức. Tôi đã đấu tranh và cố gắng hơn cả nam giới vì nền độc lập và công cuộc kiến thiết đất nước."
Nhờ đó bà đã khẳng định được vị thế của mình và đến năm 1950 đã tái đắc cử vào nhiệm kỳ khóa 2 của quốc hội Hàn Quốc. Cũng trong năm đó, bà trở thành đại biểu của Hàn Quốc trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đóng góp nhiều công lao trong việ việc đề cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế.
Năm 1953, bà trở thành hiệu trưởng của trường đại học Jungang và năm 1961 làm chủ tịch Đoàn Thanh niên Phụ nữ Đại Hàn. Năm 1963, bà sáng lập và làm chủ tịch của hội Phụ nữ Hàn Quốc, đồng thời đảm nhận công việc làm cố vấn chung cho đảng Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1966, bà làm chủ tịch hội Liên hiệp các nhà giáo Thế giới, sôi nổi tham gia vào các hoạt động của ngành giáo dục. Cho đến trước khi qua đời vào năm 1977, bà còn lần lượt trải qua nhiều chức vụ khác như chủ tịch đầu tiên của Hội Tương trợ giáo viên Hàn Quốc, hiệu trưởng danh dự của đại học Jungang, Chủ tịch trung tâm Đào tạo văn hóa Jungang...
Bà được đánh giá là nữ bộ trưởng đầu tiên đã khai thông con đường hoạt động chính trị của phụ nữ Hàn Quốc. Bà là người mở đầu để sau đó xuất hiện một loạt các nữ chính khách có vai trò quan trọng trong chính giới Hàn Quốc. Đó là sự hiện diện của bà Park Soon-cheon với thành tích có 4 nhiệm kỳ làm nghị sĩ quốc hội trong suốt những năm 1950, 1960. Hay đến những năm 1990, xuất hiện tên tuổi của bộ trưởng bộ Môi trường Kim Myung-ja, người có vinh dự là nữ bộ trưởng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử chính trị lập hiến của Hàn Quốc với quãng thời gian từ tháng 6/1999 đến tháng 2/2003. Tiếp đó là nữ thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc Han Myung-sook. Và gần đây nhất, năm 2013, Hàn Quốc đã chứng kiến lễ nhậm chức của vị nữ tổng thống đầu tiên kể từ ngày thành lập đất nước.
Trong các chuỗi sự kiện ấy, người ta đã không ai có thể quên được Lim Young-shin - người đã tạo ra bước khởi điểm, đánh dấu một thời đại của các nữ chính trị gia ở xứ sở kim chi.