Nữ cán bộ Hội dân tộc Chơ Ro giúp đồng bào thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Đinh Thu Hiền
30/11/2024 - 17:12
Nữ cán bộ Hội dân tộc Chơ Ro giúp đồng bào thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Chị Hoàng Thị Hậu (bìa trái) đang trao đổi, hướng dẫn cách trồng dưa lưới cho chị em phụ nữ dân tộc Chơ Ro

Không quản ngại khó khăn, chị Hoàng Thị Hậu, dân tộc Chơ Ro, cán bộ Hội LHPN huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã giúp các gia đình dân tộc thiểu số tại địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mỗi ngày, chị Hoàng Thị Hậu đều tất bật ra khỏi nhà từ 6h sáng và trở về khi trời đã tối mịt tối mờ. Gặp nữ cán bộ Hội phụ nữ này "khó lắm luôn". Chị Hậu chạy tới lui để hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số trong vùng, còn thu thập tin tức viết bài phát trên sóng Đài Truyền thanh của huyện Châu Đức nữa. Phải gọi là "việc ngập đầu", nhưng năng lượng tích cực của người phụ nữ Chơ Ro này luôn tràn đầy.

"Tôi gặp gỡ các chị em người dân tộc thiểu số, trao đổi, tuyên truyền để chị em hiểu rõ hơn về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Quan trọng nhất, các chị em đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, chuyển đổi sang tư duy, nhận thức nếp nghĩ, cách làm mới. Tiến bộ hơn, văn minh hơn", chị Hoàng Thị Hậu trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam khi đang trên đường tới ấp Kim Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, để gặp một gia đình dân tộc Chơ Ro.

Thời gian khá dài, chị Hoàng Thị Hậu tới lui gia đình chị Đào Thị Lạ tại ấp Kim Bình, xã Bình Giã, nhiều lần. Chị Đào Thị Lạ là người dân tộc Chơ Ro. Để giúp đỡ gia đình chị Lạ, chị Hậu đã hướng dẫn chị Lạ vay vốn để phát triển sản xuất.

"Người đồng bào vay được vốn nhà nước với sự ưu đãi không quá khó khăn. Cái khó làm sao để họ sử dụng các đồng vốn ấy một cách hiệu quả nhất", chị Hoàng Thị Hậu kể. Vậy là chị Hậu tìm các nguồn để có các tài liệu tin cậy, uy tín hướng dẫn gia đình chị Lạ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; vận động, thuyết phục chị Lạ cần xây dựng kế hoạch trong đầu tư sản xuất, lên các chi phí đầu vào đầu ra một cách khoa học.

Nhờ vậy, gia đình chị Lạ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ trồng hoa màu thu nhập thấp sang trồng cây lâu năm có lợi ích kinh tế cao hơn.

"Việc chăn nuôi bò của gia đình chị Lạ cũng vậy. Thay vì bình thường, gia đình chị thường thả bò trên đồng ruộng khô cằn, khiến bò không đủ cỏ để ăn, thì tôi đã chỉ dẫn cho chị Lạ tận dụng khoảnh đất trống của gia đình để trồng cỏ nuôi bò. Điều này có thể tiết kiệm được thời gian chăn nuôi, cũng như mang nhiều lợi ích kinh tế thiết thực khác", chị Hoàng Thị Hậu nói.

Chị Đào Thị Lạ cho biết: "Từ việc tuyên truyền, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của chị Hậu, cách đây 4 năm, gia đình tôi đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang với diện tích hơn 120m2. Tổng số tiền xây dựngg gần 1,2 tỷ đồng, phía sân trước nhà cũng được làm sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh và tăng vẻ đẹp của căn nhà. Hiện tại, gia đình tôi đã thay thế cây điều, cây cà phê, bằng việc trồng tiêu trên diện tích hơn 3.000m2".

Chị Bùi Thị Sen Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, cho biết: "Chị Hậu rất gần gũi, chia sẻ với các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số.  Vào các dịp lễ, tết Trung thu hàng năm, chị Hoàng Thị Hậu cũng đã vận động các Mạnh thường quân để hỗ trợ kinh phí tặng quà cho phụ nữ và trẻ em dân tộc nghèo, khó khăn".

Nữ cán bộ Hội phụ nữ dân tộc Chơ Ro giúp người đồng bào thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 1.

Trẻ em Chơ Ro trong một buổi sinh hoạt cộng đồng

Thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn

Chị Hoàng Thị Hậu là một trong số các cán bộ Hội LHPN tại huyện Châu Đức nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung, đã rất nhiệt tình đi tuyên truyền để thay đổi nếp nghĩ, cách làm tới các gia đình đồng bào thiểu số tại địa phương. Nếu như trước đây, các chị em chỉ quan tâm đến việc ăn, uống, sinh hoạt gia đình thì nay, phụ nữ đồng bào thiểu số tại địa phương này đã bắt đầu áp dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Hội LHPN huyện Châu Đức đã thành lập và ra mắt 15 Tổ truyền thông cộng đồng với 180 thành viên; thành lập 5 nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi là dân tộc Chơ Ro với 115 thành viên tại các xã Bình Giã, Bình Trung, Bàu Chinh, Ngãi Giao, Bình Ba và thành lập 1 tổ phụ nữ dân tộc thôn Tân Long, xã Kim Long gồm 15 thành viên.

Để nâng cao năng lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, Hội LHPN huyện đã tổ chức được 7 lớp tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số và thành viên Tổ truyền thông cộng đồng. Trong đó có 1 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông cho 150 người gồm các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng và thành viên tổ truyền thông cộng đồng; 2 lớp tập huấn kỹ năng làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tại thị trấn Ngãi Giao và xã Láng Lớn, mỗi lớp có 70 người tham dự; 1 lớp tập huấn về phương pháp hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số cho 100 chị là cán bộ Hội và hội viên phụ nữ người dân tộc; 4 lớp tập huấn truyền thông Dự án 8 trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tại xã Bàu Chinh, Kim Long, Bình Giã, Đá Bạc, Suối Rao với 280 người tham dự; 2 lớp tập huấn về kỷ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 125 thành viên của các Tổ hợp tác dân tộc.

"Ngoài ra, các cấp Hội đã hỗ trợ bằng nhiều hình thức với tổng số tiền hơn 173 triệu đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Chúng tôi đã thành lập 9 Tổ hợp tác với 103 thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số, bao gồm 1 tổ trồng rau sạch, 1 tổ trồng lúa và 7 tổ nuôi bò; trao phương tiện sinh kế như xe, bàn ghế bán nước mía với số tiền 12 triệu đồng; xây tặng 1 nhà vệ sinh với số tiền 20 triệu đồng; hỗ trợ 5 con dê giống số tiền 15 triệu đồng; hỗ trợ 2 chị khởi nghiệp với tổng số tiền 55 triệu đồng", chị Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, thông tin.

Bên cạnh đó, theo chị Bùi Thị Sen, Hội LHPN huyện cũng hỗ trợ về an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hội đã vận động tặng 185 suất quà, 8 thẻ BHYT, 2 suất học bổng với tổng số tiền hơn 66 triệu đồng; mua nhu yếu phẩm cho 1 chị với số tiền 5 triệu đồng. Song song đó, Hội cũng hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho chị em phụ nữ bằng cách phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức khám phụ khoa toàn diện phát hiện sớm ung thư đường sinh sản cho 250 người là phụ nữ khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

"Gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của chị Hoàng Thị Hậu và các cán bộ Hội LHPN địa phương. Chúng tôi có nhà cửa khang trang và thay đổi được cách làm nông nghiệp thành công, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho gia đình", chị Đào Thị Lạ, ấp Kim Bình, xã Bình Giã, chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm