Nữ CEO Việt chính thức có tên ở bảng xếp hạng Forbes

22/03/2017 - 09:30
Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2017. Việt Nam có 2 đại diện góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes là Giám đốc điều hành Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
ceo-vietjet-nguyen-thu-phuong-thao-1.jpg
Giám đốc điều hành Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo xếp ở vị trí số 1.678 tỷ phú thế giới với giá trị tài sản ròng ở mức 1,2 tỷ USD. Giới thiệu về bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Forbes miêu tả bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, người đang điều hành hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air – doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) tháng 2/2017. Nhờ đó, cổ phiếu của hãng liên tục tăng giá, tài sản của bà Thảo đã tăng mạnh giá trị.
Bà Thảo theo học ngành kinh tế và tài chính ở Liên Xô từ những năm 80 của thế kỷ trước và đã sớm bước vào lĩnh vực kinh doanh buôn bán ở Đông Âu. Khi trở vè Việt Nam, bà Thảo đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản và gần đây là hàng không. Bà là Cử nhân Kinh tế và Tín dụng - Ngân hàng, Tiến sỹ Kinh tế, Uỷ viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên bang Nga.
ceo-vietjet-nguyen-thu-phuong-thao-4.jpg
Bà Thảo điều hành tốt hãng Vietjet
Bà Thảo đã ra mắt hãng hàng không này vào năm 2011, sớm gây sốt với chiến lược truyền thông gắn liền với hình ảnh các nữ tiếp viên trong trang phục bikini. Hãng hàng không với 300 chuyến mỗi ngày hiện chiếm hơn 40% thị phần nội địa. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Cổ đông sáng lập của Tập đoàn Sovico Holdings.
Trước khi lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, bà Thảo đã có tên trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí này bình chọn năm 2016. Mới đây, Forbes cũng ghi danh bà Thảo vào danh sách các nữ tỷ phú tự thân thế giới, trong đó bà Thảo xếp vị trí 45 trong tổng số 56 nữ tỷ phú tự thân toàn cầu năm 2017. Theo Forbes, bà là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới vào danh sách năm nay và đây cũng là lần đầu tiên Forbes ghi nhận thêm một nữ tỷ phú đến từ Việt Nam và cũng là duy nhất ở Đông Nam Á.
ceo-vietjet-nguyen-thu-phuong-thao-5.jpg
Lần đầu tiên xuất hiện cùng những tỷ phú nổi tiếng thế giới
Về tài sản đang sở hữu, Sunny Hướng Dương được biết đến là công ty riêng của bà Thảo. Với mức giá giao dịch trên, tài sản của bà Thảo đã đạt 21,079 nghìn tỷ đồng tại VietJet thông qua việc sở hữu trực tiếp và gián tiếp từ Sunny Hướng Dương. Con số trên đã tăng hơn 1,37 nghìn tỷ đồng so với phiên giao dịch trước đó. Bà Thảo đang nắm giữ 98 triệu cổ phiếu VJC với giá trị 12,318 nghìn tỷ đồng, Sunny Hướng Dương nắm giữ 69,7 triệu cổ phiếu VJC, tương đương 8,76 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể việc gián tiếp nắm giữ cổ phiếu JVC thông qua Sovico và HDBank mà bà Thảo là thành viên HĐQT.

Ở lĩnh vực ngân hàng, bà Thảo đang sở hữu 1,28% cổ phần tại HDBank, ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. HDBank sau khi sáp nhập với Ngân hàng Đại Á và trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng và tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng. Ngoài ra, HDBank đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty tài chính Việt – Societe General và chuyển công ty 100% vốn nước ngoài này thành công ty con của HDBank.
ceo-vietjet-nguyen-thu-phuong-thao-2.jpg
Bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo xếp ở vị trí số 1.678 tỷ phú thế giới
Trong lĩnh vực Bất động sản – Du lịch, Bà Thảo mua lại Khu nghỉ dưỡng 5 sao hàng đầu Việt Nam là Furama Resort Đà Nẵng và vận hành hiệu quả khu nghỉ dưỡng trong 15 năm qua. Mới đây, Sovico Holdings tiếp tục mua lại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay tại Khánh Hòa.
Tháng 5/2016, Vietjet gây tiếng vang lớn với hợp đồng mua máy bay "khủng" trị giá 11,3 tỷ USD. Lễ ký hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200 giữa Vietjet với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội. Tháng 9/2016, CEO Airbus Fabrice Brégier và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo ký kết hợp đồng mua bán 20 máy bay thế hệ mới A321 CEO và NEO, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp Francois Hollande.
pham-nhat-vuong-2.jpg
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng
Cũng theo thống kê của Forbes, ông Vượng đang nắm giữ 2,4 tỷ USD và là người giàu thứ 867 trên thế giới. Đây là năm thứ 5 liên tiếp người đứng đầu Vingroup có tên trong danh sách này. Năm ngoái, ông Vượng sở hữu tài sản 1,8 tỷ USD và là người giàu thứ 1.011 trên thế giới. Như vậy, ông Vượng đã tăng 244 bậc so với năm trước. Ông Vượng được xem là tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, vào năm 2013, Forbes mới đưa tên ông vào danh sách tỷ phú thế giới, ở vị trí 974 trên bảng xếp hạng với khối tài sản ròng là 1,5 tỷ USD. Hầu hết doanh thu của doanh nghiệp đến từ bất động sản, cụ thể là kinh doanh nhà ở và căn hộ. Ngoài ra, Vingroup cũng mở rộng sang mảng bán lẻ, hậu cần, nông nghiệp, giáo dục và y tế.
pham-nhat-vuong-3.jpg
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng hướng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch
Tài sản của ông có thể được định giá từ tổng tài sản của vợ chồng Phạm Nhật Vượng - Phạm Thu Hương. Tổng giá trị cổ phiếu trên sàn của gia đình ông chủ Vingroup hiện là 1,67 tỷ USD. Ngoài ra, Forbes từng cho biết, ông Vượng có bất động sản tại Vincom Village - một trong số những dự án đầu tiên của Vingroup tại Hà Nội với thiết kế 5 sao - và một chiếc Bentley. Theo hồ sơ của ông Phạm Nhật Vượng trên Forbes, vợ chồng ông thực chất nắm tới 65% vốn (trực tiếp và gián tiếp) tại Vingroup, thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Nếu tính toán một cách tương đối, với 65% vốn này, tài sản của gia đình tỷ phú Vượng có thể đạt mức 3,4 tỷ USD.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm