Nữ chiến sĩ bất tử trong phong trào cách mạng vô sản

05/03/2017 - 10:07
Người bạn cùng chí hướng, gắn bó với bà Clara Zetkin thúc đẩy phong trào phụ nữ những năm đầu thế kỷ 20 là Rosa Luxemburg - người hoạt động không ngừng nghỉ trong phong trào cách mạng của giai cấp vô sản.

Rosa Luxemburg sinh ngày 5/3/1871 trong một gia đình gốc Do Thái tại một thị trấn nhỏ vùng biên giới của nước Ba Lan thuộc Nga. Bà là con út trong số 5 anh chị em nhưng lại là người thông minh nhất. Sớm tiếp nhận từ cha mẹ tinh thần yêu chuộng tự do cũng như lòng hâm mộ văn học nghệ thuật, 5 tuổi bà đã biết làm thơ, lớn lên có biệt tài viết lách và diễn thuyết.

6.jpg
 Rosa Luxemburg lúc còn nhỏ.

Năm 1887, Luxemburg tốt nghiệp trung học với bằng xuất sắc và mới 16 tuổi bà đã trở thành đảng viên đảng của giai cấp vô sản. Ngay từ lúc còn đi học, Rosa đã có những hoạt động yêu nước, bất chấp sự đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng Ba Lan dưới chế độ Nga hoàng. Năm 1888, đảng của giai cấp vô sản bị đàn áp, nhiều đảng viên bị bắt, Luxemburg bị mật vụ Nga phát hiện nên phải rời Warszawa đi ẩn trốn nơi khác. Đầu năm 1889, khi vừa thoát khỏi một cơn bệnh ngặt nghèo, bà đến Thụy Sĩ và năm sau vào học trường đại học Zurich - một trong ít trường đại học trên thế giới lúc đó tiếp nhận nữ sinh viên. Lúc đầu bà đăng ký học các môn khoa học tự nhiên rồi chuyển sang học chính trị và kinh tế quốc dân. Ngoài các môn học chính ra, bà say mê đọc sách của Marx và Engels, qua đó tự giác tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Cuối thế kỷ 19, Zurich là nơi có nhiều người tị nạn chính trị, nhất là từ Đức, Nga và Ba Lan.

Tháng 7/1893, khi đang còn là sinh viên, bà cùng Leo Jogiches sáng lập tạp chí ‘Sự nghiệp công nhân’ và tháng 3 năm sau hai người lại đồng sáng lập Đảng Xã hội Dân chủ Vương quốc Ba Lan. Rosa vừa học tập, vừa viết bài mang tính xã luận cho tờ ‘Sự nghiệp Công nhân’ - cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ Xã hội Vương quốc Ba Lan.

Tháng 5/1897, bà nhận học vị tiến sĩ luật của đại học Zurich với việc hoàn thành xuất sắc luận án có đề tài ‘Phát triển công nghiệp của Ba Lan’ nghiên cứu về quá trình công nghiệp hóa của một vùng trước kia chủ yếu sản xuất nông nghiệp trong quan hệ hữu cơ với ‘mẫu quốc’.

2.jpg
Mới 16 tuổi, Rosa Luxemburg đã trở thành đảng viên đảng của giai cấp vô sản ở Ba Lan.

Với ý muốn hoạt động ở địa bàn rộng hơn, năm 1898, Rosa rời Thụy Sĩ sang Đức, gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Đức, là đảng lớn mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ, và là đảng có ảnh hưởng nhất trong Quốc tế II. Luxemburg thường xuyên viết bài cho tạp chí ‘Thời đại mới’ của đảng này.

Trong mười năm 1904 - 1914, bà làm việc cho văn phòng Xã hội Chủ nghĩa Quốc tế. Năm 1905, bão táp cách mạng từ Nga tràn đến Ba Lan, Luxemburg và Jogiches trở về Ba Lan dưới vỏ bọc nhà báo Đức để tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng Ba Lan chống chế độ Nga hoàng. Chẳng bao lâu sau đó, bà bị chính quyền phản động phát hiện và bắt giam từ tháng 3 đến tháng 6/1906 mới được trả tự do.

Tại Đại hội Quốc tế XHCN năm 1907, Rosa được giao nhiệm vụ cùng với Vladimir Lenin soạn thảo đề cương chống chiến tranh của phong trào công nhân quốc tế. Từ 1907 đến 1914, chị là giáo viên trường đảng ở Berlin.

3.jpg
 Trong quãng đời hoạt động cách mạng ngắn ngủi của mình, bà liên tục bị bắt giam và cuối cùng bị sát hại vào ngày 15/1/1919.

3 tuần sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, bà lần lượt bị giam giữ trong nhiều nhà tù của đế chế Đức cho đến khi chiến tranh chấm dứt, chỉ được tự do 2 lần trong suốt thời gian đó, mỗi lần kéo dài vài tháng.

Năm 1918, bà cùng những người cùng chí hướng triệu tập đại hội thành lập Đảng Cộng sản Đức nhưng không lâu sau đó, Rosa Luxemburg bị truy lùng gắt gao và bị bọn phản động, bắt, sát hại ngay trong ngày 15/1/1919. Tổng cộng trong quãng đời 47 năm ngắn ngủi của mình, Rosa Luxemburg bị bắt cả thảy 9 lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm