Nữ chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

22/12/2016 - 12:05
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập. Trong số những chiến sĩ đầu tiên của Đội có bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Bà Đàm Thị Loan tên thật là Đàm Thị Nết, người dân tộc Tày, sinh ngày 26/8/1926, tại thôn Ảng Giàng, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Tháng 11/1940, bà gia nhập Việt Minh, lấy bí danh là Thanh Xuân và được phân công phụ trách Trung đội phó Trung đội tự vệ xã Hòa Minh, tỉnh Cao Bằng, kiêm công tác đưa đón cán bộ bí mật qua lại. Cuối năm 1941, bà thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng. Bà được huấn luyện về chính trị, quân sự và tham gia Trung đội Cứu quốc quân. Trong thời gian này, bà lấy các bí danh Minh Phương, Minh Nhật.

1.jpg
 Bà Đàm Thị Loan là 1 trong 3 người phụ nữ đầu tiên có mặt trong Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Ngày 16/12/1944, bà nhận được giấy gọi tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Đúng 17h ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ được chọn lựa từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng. ‘Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam’, ‘Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ ý nghĩa lịch sử, nhiệm vụ của đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

Tham gia buổi lễ thành lập Đội, bà cùng 2 người phụ nữ khác là Hoàng Minh Cầm và Nông Thị Thanh được phân công chuẩn bị bữa cơm chay cho Đội. Tuy không trực tiếp tham gia lễ tuyên thệ nhưng 3 chị vẫn được coi là 3 nữ đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Bữa cơm đầu tiên của Đội có ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu sắc, biểu thị tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

bui-l-thnh-lp-i-vit-nam-tuyn-truyn-gii-phng-qun-ngy-22121944-ti-khu-rng-trn-hng-o-cao-bng-i-tng-v-nguyn-gip-c-qun-lnh-s-i-quyt-nh-thnh-lp-i.jpg
 Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 Quyết định thành lập Đội.

Ngày 15/5/1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (tháng 4/1945) họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Lúc này, bà tham gia Chi đội Giải phóng quân dưới sự chỉ huy của Chi đội trưởng Đàm Quang Trung với tên mới là Đàm Thị Loan.

Tháng 7/1945, bà được cử đi học tại trường Quân chính kháng Nhật. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ngày 25/8/1945, Chi đội của Đàm Thị Loan tiến về Hà Nội.

Tối ngày 1/9/1945, bà được nhận một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: ‘Chi đội tin tưởng giao cho đồng chí Loan một nhiệm vụ quan trọng. Ngày mai, 22/9, đồng chí đại diện cho Quân Giải phóng và một nữ tự vệ Hà Nội - đại diện cho nữ sinh Thủ đô sẽ cùng kéo cờ trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình’.

Ngày 2/9/1945, trước khi buổi lễ bắt đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua khu vực kéo cờ đã nhận ra bà là một trong những đội viên của Việt Nam Giải phóng quân nên đã dừng lại và hỏi: ‘Cô Loan Giải phóng quân phải không?’, rồi Bác nhẹ nhàng động viên: ‘Việc cháu làm vinh dự lắm đấy!’.

i-tng-hong-vn-thi-v-phu-nhn.jpg
 Đại tướng Hoàng Văn Thái và phu nhân.

Ngày 15/9/1945, bà Đàm Thị Loan kết hôn với ông Hoàng Văn Thái, người về sau trở thành vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở tuổi 30 và là Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông bà có với nhau 6 người con.

Sau Cách mạng Tháng Tám, bà được phân công làm Trung đội trưởng Trung đội tự vệ nữ Hà Nội (Trung đội Minh Khai), kiêm huấn luyện quân sự cho các nữ tự vệ. Một thời gian sau, bà được điều về Bộ Tổng Tham mưu.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), bà cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu chuyển lên Việt Bắc. Bà tham gia công tác cơ yếu. Năm 1954, bà cùng cơ quan về tiếp quản Thủ đô. Năm 1958, Đàm Thị Loan được thăng quân hàm Thượng úy.

Năm 1967, bà được thăng quân hàm Đại úy. Cuối tháng 11/1967, bà Đàm Thị Loan được phân công công tác tại Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam ở Tây Ninh. Năm 1970, bà được tổ chức điều về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

Bà được thăng quân hàm Thiếu tá năm 1975, Trung tá năm 1977, được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều Huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước. Bà nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

b-l-thi-tri-chp-nh-cng-b-m-th-loan-qung-trng-ba-nh-nm-1997.jpg
 Bà Lê Thi (trái) chụp ảnh cùng bà Đàm Thị Loan ở Quảng trưởng Ba Đình năm 1997.

Về người phụ nữ kéo cờ cùng với bà Loan ngày 2/9/1945 (tức bà Lê Thi), thời điểm đó 2 người cũng không hỏi tên nhau. Mãi đến 20 năm sau, nhờ cơ quan chức năng, bà Lê Thi mới biết người phụ nữ kéo cờ cùng là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ngày 2/9/1997, 2 người phụ nữ ấy đã gặp nhau và chụp chung với nhau bức hình tại Quảng trường Ba Đình.

Bà Đàm Thị Loan qua đời ngày 28/1/2010, thọ 84 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm