Làng Thanh Trì, Hà Nội, nơi bà Mai Thị Du sinh ra, ngày ấy có tên là Thanh Đàm. Trên mảnh đất chỉ vỏn vẹn 3,3km2 nhưng có đến 42 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương và giữ vững mạch máu giao thông liên lạc địa bàn cửa ngõ phía Đông Nam thành phố, trong đó, liệt sỹ Mai Thị Du - nhân viên Công an quận 6 (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những tấm gương tiêu biểu.
Làng Thanh Trì trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mùa đông năm 1946 là vành đai phía Nam của mặt trận Hà Nội. Ngôi nhà lá ven đê của gia đình cụ Mai Văn Thông và Trần Thị Cận – cha mẹ bà Mai Thị Du ở xóm Đình là cơ sở kháng chiến an toàn cho cán bộ quận 6. Các con của ông bà đều tham gia kháng chiến: Ông Mai Văn Hợp, con trai cả vốn là công nhân lái xe lửa ở ga Hà Nội, là du kích xã. Con trai thứ là Mai Văn Hồng làm công binh xưởng của Thành đội Hà Nội, đang ở Hòa Bình.
Bà Mai Thị Du lúc này là thanh niên cứu quốc, tham gia vào đội hậu cần tiếp tế, phục vụ các chiến sỹ. Theo gương các anh, sớm có ý thức giác ngộ cách mạng, bà Mai Thị Du cũng tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng, làm chiến sỹ giao thông liên lạc của Công an quận 6 từ năm 1947.
Xã Thanh Trì liền kề với nội thành Hà Nội, do vậy trong kháng chiến chống thực dân Pháp, luôn sống trong sự kìm kẹp và kiểm soát chặt chẽ của bọn chúng. Khi đó, với vai trò là cán bộ liên lạc, bà Mai Thị Du và các đồng đội đã lựa chọn hình thức thông tin đảm bảo an toàn, bí mật.
Dưới vỏ bọc là người bán bánh cuốn - món ẩm thực nổi tiếng của làng Thanh Trì, cứ từ 3h sáng hằng ngày, bà dậy xếp bánh vào thúng, áo nâu, quần đen, khăn mỏ quạ như bao chị em trong làng, đội thúng bánh đi rao từ Lò Bát đến bốt Vĩnh Tuy, vào phố Bạch Mai, phố Huế, Lò Đúc. Dưới các lớp bánh mỏng tang là tài liệu được giấu khéo léo, địch không thể phát hiện được.
Giữa năm 1948, bà bị địch bắt ngay lúc vừa đến bốt Vĩnh Tuy. Bọn giặc đã dùng mọi cực hình tra tấn rất dã man, nhiều cách tàn ác như thời trung cổ đều được chúng vận dụng nhưng bà vẫn kiên trung, không một lời khai báo.
Biết vết thương của bà Du bị nhiễm trùng nặng, khó cứu chữa nên khoảng tháng 5/1948, bọn giặc đã báo gia đình bà Du lên bốt đón bà về. Sau này, cụ Phạm Thị Sâm, chị dâu của bà Du nhớ lại những ngày đó vẫn nghẹn ngào: "Khi đón cô ấy về, lúc ấy, hai chân em tôi đã chảy nước vàng, bị biến chứng rất đau đớn. Ngày 19/5/1948, cô ấy đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà lá của gia đình ở ven đê xóm Đình".
Những người dân làng Thanh Trì và đồng đội vô cùng đau xót, tiếc thương nữ liệt sỹ Mai Thị Du, một tấm lòng yêu nước thiết tha của người con gái đã hy sinh anh dũng ở tuổi 21 thanh xuân. Trong thành tích chống thực dân Pháp, giải phóng quê hương, có dòng máu đỏ thắm của chiến sỹ giao thông liên lạc Công an quận 6 - liệt sỹ Mai Thị Du.
Với những đóng góp cho kháng chiến và cho cách mạng, bà đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 221QĐ/CTN ngày 1/3/2010 truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân.