pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ công nhân ngành may mặc ngày càng trẻ hóa, trên 50% là người ít hơn 35 tuổi
Nữ công nhân ngành may mặc ngày càng trẻ hóa, với hơn 55% số công nhân được hỏi có độ tuổi ít hơn 35 tuổi. Ảnh minh họa
Liên minh sàn lương châu Á (AFWA) vừa công bố Báo cáo kết quả khảo sát tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam năm 2023 - 2024. Trong đó, Báo cáo nhận định: Ngành may mặc tại Việt Nam đã nổi lên như một ngành quan trọng có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước. Với lực lượng lao động hơn 2,5 triệu người, đây là một trong những ngành cung cấp việc làm lớn nhất tại Việt Nam.
Khảo sát được tiến hành từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 với nhóm công nhân may đang làm việc tại các nhà máy may mặc các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, phần lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, với một số kết quả chính:
Lao động nữ chiếm phần đông trong ngành may mặc, chiếm 90% là công nhân nữ. Tại Việt Nam, các số liệu công bố trước đây, con số này là hơn 70% công nhân ngành may mặc là nữ giới.
Liên minh Sàn lương châu Á (AFWA) là liên minh xã hội và lao động quốc tế hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy lương đủ sống, bình đẳng giới và phòng chống xâm hại tình dục tại nơi làm việc cho công nhân may mặc.
Công nhân bị trẻ hóa - như những "hàng hóa dùng một lần": Hơn 55% số công nhân được hỏi có độ tuổi ít hơn 35 tuổi và chỉ có 13% người tham gia là trên 45 tuổi. Điều này ủng hộ một luận điểm của Liên minh sàn lương châu Á là "ngành may mặc đối xử với công nhân như hàng hóa dùng một lần và họ chỉ ưu tiên tuyển người trẻ mà có thể giúp họ đạt được doanh số sản xuất".
Sử dụng nguồn nhân lực chất lượng thấp: 1/3 số công nhân tham gia chỉ có trình độ học vấn đến cấp tiểu học, 37% là có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học. Cũng có 20% số công nhân có trình độ học vấn ở mức cao đẳng và đại học. Điều này cho thấy, bản thân ngành may mặc thường xuyên sử dụng công nhân có trình độ và kỹ năng thấp. Điều này có tác động đáng kể đến mức lương của người lao động cũng như tiềm năng thăng tiến trong ngành và vị trí công việc của công nhân.
Mức thu nhập thấp: 50% các hộ gia đình tham gia khảo sát có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, khoảng 29% số hộ gia đình ở mức 5 - 10 triệu động/tháng (và thường đến từ gia đình có 2 người đi làm). Mức thu nhập trung bình của mỗi gia đình ở mức 250.000 đồng/ngày với 1 người đi làm. Thu nhập của hộ gia đình mức 11 triệu đồng/tháng là mức thấp khi đã bao gồm cả các khoản làm thêm, trợ cấp...
An sinh xã hội: Đáng chú ý là 52% công nhân cho biết họ chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội (điều này có thể do nhiều công nhân không nắm được các loại bảo hiểm mà công ty có tham gia cho mình). Công nhân được đóng bảo hiểm xã hội do quy định luật pháp và công ty phải tuân thủ khi thành lập và vận hành nhà máy. Chỉ có 28% công nhân nói họ được đóng cả 3 loại bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp) theo quy định của nhà nước và 12% người được hỏi cho biết họ không được tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào.
Về tiền thưởng: 64% công nhân cho biết họ có nhận được các khoản thưởng khi làm việc như thưởng các ngày lễ, ngày Tết, thưởng khi hoàn thành chỉ tiêu sản xuất... Hình thức thưởng hầu như được gắn với lễ hội và thưởng dựa trên mức độ hoàn thành công việc, chứ không thực sự là sự chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Khảo sát tiêu dùng hộ gia đình tiến hành hằng năm ở khu vực châu Á nhằm tìm hiểu mức thu nhập thực tế của công nhân ngành may, chi tiêu thực tế của họ, từ đó đưa ra đề xuất một mức lương đủ sống chung và từng quốc gia.
Năm 2023 - 2024, khảo sát được tiến hành tại 8 quốc gia, gồm: Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam với sự tham gia của 2.666 công nhân ở 185 nhà máy/xưởng may khác nhau.
Lương thấp: Khoảng 33% công nhân tham gia khảo sát cho biết họ nhận được thu nhập ít hơn 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trung bình của công nhân là 6 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này thường đã bao gồm các khoản trợ cấp làm thêm, và thưởng thành tích sản xuất.
Điều đó cho thấy mức lương cơ sở (lương cơ bản (lương đóng bảo hiểm) mà công nhân được trả thấp hơn mức 6 triệu/đồng. Mức lương này thấp bởi hiện nay mức lương tối thiểu theo vùng được quy định tại Việt Nam còn thấp. Ví dụ: mức lương tối thiểu ở vùng 1 hiện tại là 4.960.000 VND. Đây cũng là một nguyên nhân khiến mức lương cơ sở của công nhân thấp.
Qua khảo sát của AFWA, số tiền ngoài lương cơ sở (phụ cấp các loại...), công nhân nhận được khoảng 3.000.000 VNĐ/tháng. Điều này cho thấy, mức lương cơ sở mà công nhân nhận được hằng tháng thường ở mức lương tối thiểu vùng, nhiều trường hợp thấp hơn lương tối thiểu vùng.