Nữ công nhân tìm nơi gửi con dưới 36 tháng tuổi: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Phúc Nguyên
26/03/2021 - 15:00
Nữ công nhân tìm nơi gửi con dưới 36 tháng tuổi: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Ảnh minh họa

Để có nhiều hơn những nhóm trẻ chất lượng, tạo sự yên tâm cho các gia đình công nhân, vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Khi "cung" chưa đủ "cầu"

Bà Trịnh Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, thực tế nhu cầu gửi con của công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) ngày càng tăng. Trong khi đó, hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập chưa đáp ứng được nhu cầu. Do thiếu trường, lớp mầm non, nhiều công nhân phải gửi trẻ tại các nhóm lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép, ẩn chứa nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ.

"Tình trạng trẻ bị bạo hành vẫn còn. Nhiều chủ nhà trọ nhận trông trẻ tại nhà trọ với mức phí thấp. Tuy nhiên, các cháu chỉ ăn và ngủ, không được học hành, bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng và trẻ không được trang bị kiến thức cần thiết cho độ tuổi của mình. Đó là những vấn đề bất cập tại các cơ sở chưa được cấp phép này"- bà Trịnh Thanh Hằng chia sẻ.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN, KCX. Trong đó, cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, xây dựng cơ sở vật chất để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với phí cho thuê hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, đa phần các KCN, KCX vẫn chưa bố trí được nhà trẻ mầm non. Việc tìm quỹ đất xây dựng trường mầm non tại địa bàn này gặp bất cập do cơ chế, chính sách. Các quy định về xã hội hóa chưa được áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non tư thục có quy mô nhỏ. Do đó, nhà đầu tư còn gặp khó khăn về tài chính và chưa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm theo Điều lệ trường mầm non.

Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia xây dựng Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền hoặc hiện vật.

Người sử dụng lao động khi đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội theo quy định của Nhà nước. Đơn vị này cũng phối hợp với Hội LHPN Việt Nam thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 404).

Những nỗ lực này hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của phần đông công nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Theo các nữ công nhân, nếu không có trường thì phải có cụm, lớp mầm non đảm bảo để con công nhân có nơi học tập, trông giữ an toàn và học phí phù hợp. Có như vậy, họ mới yên tâm tham gia lao động, sản xuất.

Nữ công nhân tìm nơi gửi con dưới 36 tháng tuổi: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía - Ảnh 1.

Trẻ em được học tập tại cơ sở đạt chuẩn. Ảnh minh họa.

Cần khuyến khích mô hình xã hội hóa

Để hỗ trợ an sinh cho nữ công nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đảm bảo cho trẻ được đến trường an toàn, khỏe mạnh, chắc chắn phải có sự vào cuộc từ nhiều phía.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố tham gia Đề án 404 bố trí kinh phí từ ngân sách thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non tại các nhóm trẻ tham gia Đề án, nhằm đảm bảo chất lượng giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Hội LHPN Việt Nam phối hợp với các ban, ngành có liên quan cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho hội viên phụ nữ, bà mẹ, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các quy định đối với nhóm lớp mầm non độc lập tại cộng đồng.

"Chúng tôi cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có chương trình, kế hoạch phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ đối với nữ công nhân lao động tại các KCN, KCX nhằm phối hợp tốt với cơ sở giáo dục mầm non trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ", Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay.

Ở góc độ chủ nhóm trẻ và đã thành công với mô hình vận động kêu gọi xã hội hóa để giảm gánh nặng tài chính cho công nhân, thạc sĩ Võ Thị Hiền, Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục Mầm non One Sky Đà Nẵng, cho rằng, phương thức công tư kết hợp được thí điểm ở trường này khá hiệu quả. Trung tâm đã vận hành được 4 năm với chất lượng cao và chi phí rất thấp, con công nhân nghèo dễ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và giáo dục tốt với mức chi trả hợp lý.

"Chính quyền các tỉnh/thành cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình này để giảm gánh nặng tài chính cho công nhân. Cùng với đó, cần xây dựng mạng lưới Nhóm lớp độc lập tư thục tại địa phương để tổ chức sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên, giúp cho việc hướng dẫn và quản lý các nhóm lớp độc lập tư thục tại địa phương được đồng bộ, thuận tiện và hiệu quả hơn", bà Võ Thị Hiền kiến nghị.

Tại Hội nghị tổng kết Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 29/12/2020, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban điều hành Đề án, cho biết, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đề xuất đề án/chương trình hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục và các hình thức hỗ trợ cha mẹ có con dưới 36 tháng trong phạm vi cả nước, góp phần thực hiện Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025" (Quyết định 1677/QĐ-TTg ngày 3/12/2018).

Cùng với đó, Hội LHPN Việt Nam sẽ vận động, đề xuất tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư, hỗ trợ duy trì và nhân rộng các nhóm trẻ độc lập tư thục, đảm bảo tính bền vững để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân lao động tại KCN, KCX; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cha mẹ trẻ và cán bộ Hội trong giám sát nhóm trẻ tại cộng đồng.

Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đề xuất chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em, hỗ trợ và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại KCN, KCX; chính sách hỗ trợ nữ công nhân lao động về thu nhập, việc làm..., đồng thời vận động các doanh nghiệp, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, các chủ nhóm trẻ ủng hộ, đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhóm trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm