Nữ diễn viên Đức đầu tiên thành công ở Hollywood

11/05/2017 - 13:48
Được mệnh danh là "Thiên thần xanh", Marlene Dietrich là ngôi sao điện ảnh lừng danh nhất nước Đức. Bà được xem là diễn viên Đức đầu tiên thành công ở Hollywood (Mỹ) và là diễn viên điện ảnh duy nhất của Đức có tầm vóc toàn cầu.

Marlene Dietrich tên thật là Maria Magdalene Von Losch sinh ngày 27/12/1900 (có tài liệu ghi 1904) tại Berlin, Đức. Ngay từ lúc còn nhỏ là một cô bé 7, 8 tuổi, Marlene đã mơ ước trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm và sẽ đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, chiếc đàn vĩ cầm ông bố mua về Berlin đánh dấu sinh nhật con gái chính là nhạc cụ đầu tiên mà 19 năm sau Marlene đem theo vào trường học diễn xuất.

5.jpg
Nhan sắc của nữ diễn viên người Đức Marlene Dietrich.

Sau khi học hết chương trình trung học, Marlene đã ghi tên theo học lớp diễn xuất sân khấu của Max Reinhardt, một sáng lập viên nền kịch nghệ tiến bộ ở châu Âu lúc bấy giờ. Tốt nghiệp, Marlene bắt đầu sự nghiệp trên sân khấu với những vai diễn khiêm tốn. Cô được quần chúng biết đến khi xuất hiện trên sân khấu Opérette và Music Hall.

Marlene bắt đầu nổi tiếng khắp Berlin trước hết vì giọng hát đặc biệt quyến rũ, khuôn mặt và đôi chân đẹp, những bộ quần áo thời trang độc đáo. Trong thời gian này, Marlene có mặt trên 10 bộ phim câm, phần lớn bởi các đạo diễn William Dieterle, Joe May và A.Robinson …

Marlene đặc biệt thành công trong bộ phim Đêm của những con tàu bị thất lạc (1929) của Maurice Tourneur. Nhờ vậy, khi ông thầy Josef  Von Sternberg trở thành đạo diễn Hollywood thì cô đã được chọn ngay vào vai diễn trong Thiên thần xanh (The Blue Angel), bộ phim nói đầu tiên của châu Âu do Mỹ và Đức hợp tác sản xuất. Vậy là tháng 4/1930, Marlene từ biệt bạn bè và những người thân đến Hollywood. Chính tiếng hát của cô trong bộ phim này đã gây nên cơn sốt trong ngành giải trí thời ấy. Marlene đã thành nữ diễn viên ghi đĩa nhạc đầu tiên trong lịch sử điện ảnh.

1.jpg
 Từ một ca sĩ với giọng hát quyến rũ trên sân khấu, Marlene đã trở thành một minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới.

Sau thành công của The Blue Angel, Marlene vươn lên địa vị ngôi sao tầm cỡ thế giới trong Morocco (1930) với vai diễn lãng mạn đỉnh cao. Bộ phim này đã thể hiện được hết tài năng hát, múa và diễn xuất của Marlene.

Làm cho Marlene trở nên nổi tiếng khắp thế giới một sớm một chiều nhưng Stemberg không dừng lại ở đó,  ông đã cùng Marlene thực hiện tiếp X27 (1931) và Chuyến tàu tốc hành Thượng Hải (1932). Nhất là trong vai Shangai Lily, với sắc đẹp và nghệ thuật diễn xuất điêu luyện, Marlene đã trở thành huyền thoại Marlene.

Trong suốt sự nghiệp của mình, khởi đầu là một ca sĩ hợp xướng hát tại các hộp đêm, rồi trở thành diễn viên vào thập niên 1920, một ngôi sao điện ảnh của Hollywood vào thập niên 1930, rồi một ca sĩ hát phục vụ tại các chiến trường trong suốt thập niên 1940 và cuối cùng là một ngôi sao sân khấu quốc tế từ thập niên 1950, Marlene Dietrich luôn tự làm mới bản thân và bà được xem là một biểu tượng vĩ đại của ngành giải trí thế kỷ 20.

4.jpg
 Dù là diễn viên Đức đầu tiên thành công ở Hollywood và là biểu tượng của ngành giải trí thế kỷ 20 nhưng do căm ghét chế độ phát xít và rời bỏ nước Đức từ những năm tháng chiến tranh, Marlene bị xem là phản bội đất nước. Bà sống ẩn dật những năm tháng cuối đời và qua đời ở nước ngoài.

Tuy Marlene Dietrich là huyền thoại nhưng đồng thời bà cũng là điều bí ẩn đối với chính người Đức. Căm ghét chế độ phát xít, 2 năm trước chiến tranh Thế giới thứ 2, bà rời bỏ nước Đức, trở thành công dân Mỹ và sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài. Suốt những năm chiến tranh, người ta ít thấy Marlene xuất hiện trên màn bạc mà lại nghe giọng hát của bà vang khắp các chiến hào từ Algieria đến Normandie và cả ở giáp biên giới nước Đức. Chế độ của Hitler tìm mọi cách lôi kéo bà trở về nhưng bà đều từ chối.

Mãi đến thập kỷ 1960, bà mới trở lại nước Đức thời hậu chiến và vấp phải cú sốc. Thay vì được đón chào nồng nhiệt, bà bị người Đức la ó vì đã phản bội đất nước. Nhưng điều đó không làm bà thất vọng. Vào những năm cuối đời, Marlene sống ẩn dật ở Paris. Tự hào với dòng dõi Phổ của mình, trước khi qua đời, bà tỏ ý được an táng tại quê nhà ở Berlin. Tháng 6/1992, 40.000 người Berlin đã ra đón thi hài bà được đưa về cố quốc, dù trên quan tài phủ một lá cờ Mỹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm