Nữ diễn viên gốc Á đầu tiên thành danh ở Hollywood

04/02/2017 - 17:05
Là nữ diễn viên châu Á đầu tiên có tên trên đại lộ Danh vọng tại Hollywood (Mỹ), Anna May Wong đã vượt qua sự kỳ thị, phân biệt về màu da, chủng tộc thời đó để trở thành người tiên phong mở đường cho hàng loạt người châu Á đến mảnh đất này.

Anna May Wong (Hoàng Liễu Sương) sinh ngày 3/1/1905 tại khu phố người Hoa ở thành phố Los Angeles, Mỹ. Bà là con gái của một chủ tiệm giặt là, thuộc thế hệ người Trung Quốc thứ 3 trên đất Mỹ.

Ngay từ khi còn bé, Anna đã quen với những trò trêu chọc của các đứa trẻ da trắng và gọi cô là ‘Đồ da vàng!’ nhưng cô bé không thèm quan tâm.

2.jpg
Diễn viên Anna May Wong thuộc thế hệ người Trung Quốc thứ 3 trên đất Mỹ.

Anna được cha mẹ cho theo học trường công nói tiếng Anh, sau giờ học tiếp tục theo học lớp tiếng Trung. Chính vì thế, sau này khi bà đi casting, không ít người đã vô cùng ngạc nhiên khi bà nói và viết tiếng Anh trôi chảy, chẳng gặp bất kì trở ngại nào.

Lớn lên, Anna ngày càng xinh đẹp với đôi mắt lá răm, khuôn miệng nhỏ nhắn. Càng ngày, Anna càng thể hiện niềm yêu thích với những bộ phim. Anna luôn tiết kiệm những đồng tiền boa nhận được khi đi giao đồ giặt là cho khách để đi xem phim. Thậm chí, bà còn trốn học để đến rạp xem những diễn viên ưa thích của mình như Ruth Roland, Crane Wilbur nhưng cha của Anna luôn phản đối sở thích của con gái. Ông Wong đã dùng nhiều hình thức từ đánh bằng roi mây, cho đến thuê người quản thúc, nhưng tất cả chẳng thể nào ngăn Anna quyết tâm thực hiện ước mơ làm diễn viên của mình.

Khi 9 tuổi, Anna từng năn nỉ nhà sản xuất phim cho mình một vai diễn. Thời điểm đó, nhiều đoàn phim Hollywood đến quay phim ở khu phố người Hoa để làm bối cảnh tại Trung Quốc và họ cũng cần những nhân vật quần chúng người bản địa.

5.jpg
Anna May Wong có niềm đam mê với điện ảnh từ nhỏ. Bà từng bỏ trường trung học để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp diễn xuất.

Năm 14 tuổi, nhờ sự giúp đỡ từ người bạn của cha đang làm việc ở phim trường, Wong được tham gia một vai phụ cầm đèn lồng lướt qua trước ống kính trong phim ‘The Red Lantern’ (1919). Từ đó, Wong quyết tâm vừa học vừa đến xin những vai quần chúng ở các hãng sản xuất phim. Wong tiếp tục đóng những vai nhỏ, xuất hiện đôi chút trên màn ảnh. Bà đã tận dụng khoảng thời gian làm thêm ấy để học hỏi về lối diễn xuất, phục trang và cả quá trình làm ra một bộ phim chuyên nghiệp.

Năm 16 tuổi, Anna đã quyết định bỏ dở trường trung học Los Angeles để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp diễn xuất. Năm 1931, Wong từng chia sẻ trên tờ Picture Magazine: ‘Tôi biết mình bắt đầu sự nghiệp diễn xuất quá sớm. Nhưng tôi biết rằng nếu mình thất bại, tôi còn có tuổi trẻ để làm lại. Chính vì thế tôi đã quyết định dành ra 10 năm để theo đuổi sự nghiệp diễn viên’.

Bà nhận được vai chính đầu tiên trong sự nghiệp với bộ phim câm ‘The Toll of the Sea’. Vai một người phụ nữ châu Á đem lòng yêu người đàn ông da trắng và chịu mọi thua thiệt về mình của Anna May Wong đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen từ các báo, tạp chí nổi tiếng như Variety và The New York Times. Người ta nhận thấy tài năng diễn xuất cũng như khả năng biểu lộ cảm xúc không lời tuyệt vời của cô gái trẻ này. Phim lẽ ra đã có thể đưa Anna May Wong lên hàng ngôi sao, tuy nhiên do những phân biệt, kì thị về sắc tộc thời bấy giờ mà Wong vẫn chưa được giới làm phim công nhận rộng rãi.

Lúc bấy giờ, những vai diễn dành cho người châu Á tại Hollywood vẫn còn bị hạn chế, bởi vậy, dù tài năng được công nhận, Anna Wong cũng chỉ có thể xuất hiện trong những vai phụ, vai có thân phận thấp kém hoặc thậm chí vô tri giác như những hình nộm, những nhân vật không mấy thiện cảm, không cảm xúc...

3.jpg
 Mặc dù có tài nhưng bà chỉ được xuất hiện trong các vai phụ, vai có thân phận thấp kém hoặc thậm chí vô tri giác... do sự kỳ thị về màu da ở Hollywood thời đó.

Năm 19 tuổi, Anna ghi dấu ấn đối với khán giả bằng lối diễn giàu cảm xúc qua vai nô lệ người Mông Cổ trong phim ‘The Thief of Bagdad’ (1924). Cùng năm đó, bà cũng đạt được thành công với vai người Eskimo trong ‘The Alaskan’ và Tiger Lily trong ‘Peter Pan’. Tuy nhiên, tất cả những vai trên đều chỉ là vai phụ, rập khuôn theo vài mô típ nhất định mà Hollywood dành cho người châu Á. Sự kì thị diễn viên châu Á ở Hollywood khiến Anna May Wong quyết tâm tìm một hướng đi khác cho sự nghiệp của mình. Bà quyết định sang châu Âu để tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Wong nhanh chóng tìm cách xâm nhập vào thị trường phim ảnh châu Âu bằng cách tận dụng sự nghiệp đã có ở Hollywood cũng như đầu tư theo học tiếng Pháp, Đức, đồng thời bồi dưỡng để có thể nói chuẩn giọng Anh.

Ở Đức và Áo, sau khi tham gia diễn xuất trong những bộ phim nổi tiếng như ‘Song and Show Life’ và ‘City Butterfly’ (1928) hay nhiều vở opera với khả năng nói tiếng bản địa lưu loát, báo chí ở đây đã gọi Anna là ‘nữ diễn viên có tài năng thiên bẩm và vẻ đẹp tuyệt vời’. Còn người Pháp yêu mến bà bởi Anna là một trong số ít những nữ diễn viên Mỹ giao lưu với người dân nơi đây. Các đạo diễn và nhà sản xuất ở châu Âu trân trọng tài năng và vẻ đẹp của Wong và họ biết cách giúp nữ diễn viên này tận dụng được lợi thế của mình - điều mà các nhà làm phim Hollywood đã không thể hoặc không muốn giúp bà.

Bộ phim ‘Piccadilly’ (1929) có thể nói là thành công rực rỡ nhất trong thời gian đóng phim tại châu Âu của Anna May Wong. Diễn xuất của Anna trong phim này tốt tới mức tờ Variety viết rằng bà đã lấn át cả ngôi sao Gilda Gray - một trong số những nữ diễn viên được trả thù lao vào hàng top thời bấy giờ. Một thành công đáng kể nữa của Wong là bà đã đóng cả 3 phiên bản Anh, Pháp, Đức của ‘The Flame of Love’ (1930) - phim có thoại đầu tiên của bà. Anna May Wong đã chứng tỏ được tài năng và trí tuệ của mình khi đóng được cả 3 phiên bản đó.

7.jpg
 Những thành tựu mà Anna đạt được tại châu Âu đã khiến các nhà làm phim Hollywood thay đổi cái nhìn đối với bà.

Với sự ca ngợi của báo chí châu Âu cũng như những thành tựu mà Anna đạt được tại đây, các nhà làm phim Hollywood bắt đầu nhìn nhận tài năng điện ảnh này đỡ khắt khe hơn. Bằng chứng là hãng Paramount Picture đã đề nghị bà kí hợp đồng với nhiều vai chính hứa hẹn. Năm 1930, Wong đánh dấu sự trở lại đất Mỹ bằng vở diễn ‘On the spot’ gây tiếng vang lớn ở Broadway. Một năm sau, bà tiếp tục chứng tỏ tài năng của mình khi mang tới vai diễn đầy quyền lực trong ‘Daughter of the Dragon’ của hãng Paramount…

Sau đó, Anna Wong tập trung vào việc kinh doanh nhưng tình yêu với điện ảnh vẫn luôn cháy bỏng. Năm 1960, Wong tự mình sản xuất hai bộ phim có tên ‘Flower Drum Song’ và ‘The World of Suzie Wong’. Tuy nhiên, đáng tiếc là Anna May Wong đã vĩnh viễn lỗi hẹn với những người mến mộ. Trước khi hai tác phẩm điện ảnh kịp ra mắt công chúng, sau một cơn đau tim đột ngột, Anna May Wong đã qua đời năm 1961 khi những ấp ủ về dự án phim vẫn còn dang dở.

6.jpg
 Anna May Wong đã qua đời năm 1961 khi những ấp ủ về dự án phim vẫn còn dang dở. Bà được ghi dấu trên đại lộ Danh vọng của Hollywood.

Trong suốt nghiệp diễn, Anna đã góp mặt trong hơn 60 bộ phim và vở kịch. Mặc dù bà không giành được giải thưởng điện ảnh nào nhưng người ta vẫn phải dành cho  Anna May Wong một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng vì cống hiến của bà.

Năm 2009, bộ phim tiểu sử về bà là ‘Shining Star: The Anna May Wong Story’ đã được công chiếu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm