Nữ diễn viên phim ‘Cuốn theo chiều gió’ và cuộc chiến vì nữ quyền

10/07/2016 - 09:32
Olivia de Havilland của 'Cuốn theo chiều gió' là một trong những nữ minh tinh truyền cảm hứng nhất mọi thời đại vì những đóng góp cộng đồng.

Olivia Mary de Havilland sinh ngày 1/7/1916 tại Nhật Bản, bố mẹ bà là người Anh. Sau khi ly hôn, do sức khỏe kém của các con nên bà Lilian phải di chuyển đến vùng có khí hậu tố hơn tại California. Ở đó, đạo diễn Max Reinhardt lần đầu phát hiện ra Olivia nhờ vào vở kịch học đường A Midsummer Night’s Dream. Bị thu hút bởi tài năng của cô, đạo diễn đã yêu cầu cô diễn trong phần chuyển thể sân khấu của ông và một lần nữa trong phiên bản Warner Brother của vở kịch Shakespeare.

2.jpg
 Nữ diễn viên Olivia de Havilland.

Olivia đạt được thành công lớn tại Warner, đặc biệt là bên cạnh Errol Flynn, người mà cô đã đóng chung 8 lần, bao gồm cả tác phẩm kinh điển The Adventures of Robin Hood and Captain Blood.

Năm 1939, nữ diễn viên tham gia vai diễn được xem là danh giá nhất của cô, Melanie trong thiên tình sử Cuốn theo chiều gió. Bà được cả thể giới biết đến khi vào vai nàng Melanie Hamilton dịu dàng, thuần khiết, trái ngược với hình ảnh của một Scarlett mạnh mẽ, táo bạo do Vivien Leigh thể hiện.

Vai diễn trong tác phẩm kinh điển Cuốn theo chiều gió là vai diễn thứ 2 trên màn ảnh rộng nhưng cô gái trẻ 23 tuổi lúc bấy giờ đã thuyết phục khán giả với diễn xuất duyên dáng và tự nhiên, góp phần không nhỏ làm nên thành công của bộ phim này.

Bên cạnh những vai diễn đình đám, nữ diễn viên của Cuốn theo chiều gió được nhắc đến như một nữ minh tinh đại diện cho phong trào nữ quyền trong nền điện ảnh Hoa Kỳ. Giới phê bình đánh giá bà là một trong những người làm nên lịch sử Hollywood nhờ chiến thắng trong một vụ kiện đình đám với hãng Warner Bros.

Thời bấy giờ, Olivia de Havilland cũng như nhiều diễn viên nổi tiếng khác phải chịu để hãng Warner Bros kiểm soát hoàn toàn hợp đồng. Olivia vốn là một tài năng trẻ. Hình ảnh nàng Olivia de Havilland bé nhỏ, mỏng manh bên cạnh những chàng anh hùng mạnh mẽ trở nên quen thuộc với khán giả điện ảnh.

Cô mong muốn có những vai diễn đa dạng hơn nhưng hãng Warner Bros không chấp nhận. Tuy nhiên, Olivia de Havilland đã tạo ra bước đột phá khi tham gia bộ phim Cuốn theo chiều gió của nhà sản xuất độc lập David Selznick.

olivia-de-havilland-trong-cun-theo-chiu-gi1.jpg
 Olivia de Havilland vai Melanie Hamilton trong Cuốn theo chiều gió.

Diễn xuất tuyệt vời của Olivia trong vai Melanie Hamilton khiến nhà sản xuất David Selznick đã phải vận động đẩy Olivia sang đề cử Oscar dành cho Nữ diễn viên phụ. Sau Cuốn theo chiều gió, Olivia de Havilland tiếp tục tham gia phim Hold Back the Dawn. Đây là phim do hãng Paramount sản xuất. Một lần nữa, Olivia được đề cử Oscar.

Về lại hãng Warner Bros, Olivia yêu cầu ban giám đốc cho mình những vai diễn độc đáo và phong phú như các hãng phim khác nhưng nhà sản xuất Jack Warner vẫn lắc đầu. Khi hãng Warner Bros yêu cầu Olivia tham gia những bộ phim mà cô cho rằng “quá tầm thường”, cô tình nguyện bị đình chỉ không lương.

Lúc này, hợp đồng 7 năm của Olivia với hãng Warner đã hết hạn. Theo thông lệ, hãng phim tiếp tục cộng thêm thời gian làm việc dựa theo khoảng thời gian mà cô “nghỉ việc không lương”.

Khi bị ông lớn Warner Bros liên tục kéo dài hợp đồng độc quyền, như một hình thức trừng phạt vì Olivia đã liên tục từ chối khi được giao những vai diễn nhàm chán và dở tệ, Olivia đã đâm đơn kiện hãng này lên tòa án bang California. Cô yêu cầu xóa bỏ điều khoản vô lý trong hợp đồng.

Hãng Warner Bros dựa vào lệnh của tòa, buộc các hãng phim khác không được cộng tác với Olivia. Lệnh cấm này khiến cô phải rời xa màn ảnh trong 2 năm. Olivia trở nên đơn độc khi Hiệp hội Diễn viên Điện ảnh Hoa Kỳ cũng đứng về phía hãng phim.

Lúc này, chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra rất quyết liệt. Bỏ qua nỗi lo thất nghiệp dài hạn, Olivia tận dụng thời gian đi đến các bệnh viện quân đội để thăm các thương bệnh binh. Hành trình này đưa cô đến tận đảo Fiji ở phía nam Thái Bình Dương. Tại đây, cô nhận được quyết định từ tòa án tối cao. Olivia thắng kiện, hợp đồng của cô được xóa bỏ.

Phán quyết này đã làm rung chuyển cả nền công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ. Đây có thể coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt không chỉ trong lịch sử nền điện ảnh Mỹ mà còn trong lĩnh vực pháp lý.

Vụ kiện của Olivia đã tạo ra tiền lệ trong luật Lao động của bang California. Kể từ đó, diễn viên được tự do chọn cho mình bất kỳ hãng phim nào, dự án nào mà họ muốn tham gia. Nhờ vậy, thù lao của các nghệ sĩ điện ảnh cũng tăng lên theo thời gian.

oscar-1949.jpg
 Olivia giành tượng vàng Oscar năm 1949.

Chiến thắng của Olivia (sau này được lập pháp thành 'Đạo luật Havilland') đã làm giảm sức mạnh chi phối quá lớn của các hãng phim thời bấy giờ, tạo tiền đề cho những đấu tranh đòi công bằng cho nghệ sỹ, cho phép họ có thể tự do sáng tạo và thể hiện mình.

Sau khi kết hôn với thương gia người Pháp Pierre Galante, Olivia ổn định cuộc sống tại Paris. Kể từ đó, người hâm mộ không còn thấy bóng dáng của nàng Melanie Hamilton dịu dàng mà mãnh liệt trong Cuốn theo chiều gió nữa. Nhưng rõ ràng, cơn sóng gió mà nàng tạo ra đã làm thay đổi hoàn toàn đời sống của các diễn viên tại Hollywood.

Sau vụ kiện lịch sử, Olivia de Havilland tưởng mình sẽ bị Warner Bros cho vào “danh sách đen”. Nhưng ngược lại, hãng phim đã sốt sắng mời cô tham gia những dự án đầy tham vọng. Tại Oscar 1946, Olivia nhận được giải Oscar Nữ diễn viên chính cho vai diễn trong phim To Each His Own. Đến năm 1949, diễn xuất đầy thuyết phục của Olivia trong The Heiress khiến cho mọi người thán phục. Một lần nữa, tượng vàng Oscar về tay nàng.

nng-melanie-hamilton-wilkes-tri-nm-1937-v-qu-b-olivia-de-havilland-phi-nm-b-97-tui1.jpg
 Nàng Melanie Hamilton (trái) năm 1937 và Quý bà Olivia de Havilland (phải) năm bà 97 tuổi.

Hiện nay, Olivia de Havilland là một trong những nữ diễn viên cuối cùng còn lại trong thế hệ vàng Hollywood thập niên 30. Bà cũng là người duy nhất còn sống trong bộ tứ diễn viên chính của bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm