Nữ điều dưỡng của bệnh nhân HIV: Gắn với nghề bằng tình thương

04/07/2019 - 11:37
12 năm chăm sóc những bệnh nhân cận kề cái chết, chứng kiến hàng ngày sự đau đớn của những con người đang bị hủy hoại bởi virus HIV, bản thân thì luôn bị rình rập nguy cơ nhiễm…
Trưởng phòng điều dưỡng Trần Thị Thúy đã phải vượt qua biết bao rào cản vô cùng khó khăn để bám trụ Bệnh viện 09, bệnh viện của những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
 
66119556_2329366627337482_5537157784593760256_n.jpg
Với điều dưỡng Thúy, việc gắn bó tại Bệnh viện 09 là cái duyên

Có lẽ với Điều dưỡng Thúy, việc gắn bó tại Bệnh viện 09 vừa là cái duyên vừa là nghiệp, dù cô đã trải qua những cung bậc cảm xúc cá nhân từ sợ hãi, lo lắng, bất an cho đến sự đồng cảm, bao dung với những nỗi đau của người khác. Thúy đã bền vững với công việc của mình suốt 12 năm qua, cô đã kiên cường trên con đường xoa dịu những nỗi đau của hàng trăm bệnh nhân HIV. Chính vì vậy, sau bao nhiêu năm gắn bó với Bệnh viện 09, nơi mà nhiều đồng nghiệp khác đã tìm cách ra đi, Thúy vẫn kiên định ở lại.

Ám ảnh những cái chết không nhắm được mắt
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Ninh Bình năm 2007, Trần Thị Thúy xin vào làm việc tại đây. Mới bước vào nghề lại đối mặt ngay với những người nhiễm HIV giai đoạn cuối, điều dưỡng Thúy không khỏi lo sợ. Nhưng khi được anh trai cũng là một bác sỹ động viên và cho biết bệnh lây qua đường máu nên nguy cơ lây nhiễm rất khó, Thúy đã thêm vững tâm làm việc và cống hiến đến hôm nay.
 
65569491_319804768960260_1751243468648218624_n.jpg
Thúy cho biết, ở đây không chỉ có bệnh nhân bị ám ảnh về cái chết, mà ngay cả các y, bác sĩ khi tiếp xúc nhiều với những bệnh nhân bị lở loét, qua đời, đều từng gặp ác mộng

Trong những năm làm nghề y của mình, điều khiến cô ám ảnh nhất là chứng kiến những bệnh nhân đến khi lìa đời không có người thân bên cạnh. Tận tay Thúy từng phải vuốt mắt cho nhiều người để họ ra đi thanh thản, nhưng có những lần cô không đủ can đảm đành phải nhờ đồng nghiệp. Những khi đó, cô và đồng nghiệp bị ám ảnh và thấy thương cho những số phận bi thương này.

Điều dưỡng Thúy kể, gần như bệnh nhân nào đến lúc chuẩn bị ra đi đều mong muốn được gặp bố mẹ, người thân lần cuối và xin được tha thứ. Cũng có trường hợp cô liên hệ được người thân của họ, nhưng có rất nhiều người nghe máy xong nói một câu vô cảm “nó chết chưa?” hay "kệ nó”… Có người may mắn hơn khi gia đình có mặt nhưng họ chỉ đứng từ cổng ngó vào chứ không dám lại gần. Còn có những gia đình bày tỏ mong muốn bệnh nhân “đi nhanh” hơn. Cuộc đời họ khi sống đã bị gia đình xa lánh đến khi chết cũng cô đơn, quạnh quẽ, chỉ có bác sĩ, y tá là những người cuối cùng bên cạnh họ.
 
“Những ngày đầu khi gặp những ca như vậy tôi đã bị ám ảnh hàng tuần, cảm thấy xót xa vô cùng” - Thúy nghẹn lời khi tâm sự về cuộc sống của bệnh nhân.
 
Không chỉ có thế, nhiều bệnh nhân còn bị ảo giác, gào thét, nhảy nhót, đánh cả bác sĩ, y tá bởi có lẽ họ là những người sốc hơn ai hết khi đối diện với cái chết, họ bất cần và trở nên thù hận, hung hăng. Nhưng điều dưỡng Thúy vẫn nhẫn nại, chăm sóc bệnh nhân bằng cả trái tim.
 
62468955_2389244821113792_4377969828212768768_n.jpg
 
“Ấn tượng nhất đối với tôi là một bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, bị áp-xe ở đùi sâu dài hơn 20cm, vết lở loét trông rất ghê sợ. Việc chăm sóc vết thương đó rất vất vả, ngày nào cũng thay băng cho bệnh nhân. Khi nhìn các vết thương hở thịt ra, đỏ, một ổ dịch nhiều khi ám ảnh không ai ăn được cơm. Nhưng tôi nghĩ nếu mình không chăm sóc họ thì ai sẽ làm? Họ còn phải chịu đau đớn rất nhiều trước khi yên nghỉ. Cứ nghĩ như thế nên tôi và đồng nghiệp đã dành hết sự nhẹ nhàng cho bệnh nhân để họ bớt đau đớn hơn” – Điều dưỡng Thúy kể lại.
 
Còn nhớ, có những bệnh nhân nặng, khi đến đây thì đã bị hôn mê và luôn miệng gọi mẹ. Thúy đã tìm cách điện thoại đến các đầu mối để tìm bằng được người nhà của bệnh nhân và rất may mắn khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng thì gia đình cũng đến kịp. Đó là niềm vui nho nhỏ, khiến cô cảm thấy toại nguyện với bản thân.
“Làm ở đâu sẽ yêu nơi đó”
Làm việc trong môi trường mà ít ai có đủ can đảm đế gắn bó là thế, nhưng điều dưỡng Thúy được chồng, là một chiến sỹ công an, động viên ủng hộ và chia sẻ. Khi căng thẳng buồn nản, Thúy lại trò chuyện với chồng để được an ủi và tiếp thêm động lực. Thế nhưng chỗ dựa tinh thần ấy đã sớm rời bỏ cô. Vào cuối năm 2017, chồng Thúy hy sinh khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Chồng hy sinh, con còn nhỏ, môi trường công việc u ám, đầy rẫy sự nguy hiểm và cái chết, đã có lúc Thúy muốn buông tay. Nhưng rồi cô dặn mình phải tự đứng vững, bởi so với nỗi đau của cô, những bệnh nhân ở Bệnh viện 09 còn đau đớn hơn nhiều.
“Gia đình chồng cũng đồng cảm, chia sẻ với tôi. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã bỏ nghề vì không vượt qua được áp lực của gia đình vì bản thân gia đình họ cũng rất sợ bị lây nhiễm. Cũng có nhiều đồng nghiệp bị bệnh nhân chửi mắng, đe dọa, đuổi đánh, thậm chí dọa giết, bởi nhiều bệnh nhân xuất phát từ tội phạm, những người nghiện ma túy, mại dâm… cho nên tính cách họ bất cần. Làm việc ở đây vừa nguy hiểm từ phía người bệnh phơi nhiễm, vừa có nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật nguy hiểm từ phía bệnh nhân, nhưng làm nghề nào thì cũng sẽ có sự gắn bó và tình cảm với nghề ấy” - Thúy tâm sự những khó khăn trong nghề. 
Hiện tại, Bệnh viện 09 với quy mô 100 giường bệnh gồm 179 cán bộ y bác sỹ, hộ lý trong đó có 119 cán bộ là nữ. Chị cho biết, mấy năm gần đây đã có 5 trường hợp điều dưỡng, hộ lý bị phơi nhiễm với HIV. Trong những trường hợp như vậy, phải xử lý phơi nhiễm theo quy trình. Làm bệnh án điều trị ARV trong vòng một tháng, sau đó xét nghiệm một tháng, ba tháng, sáu tháng đến khi chắc chắn không bị. Trong thời gian chờ kết quả, ai cũng sống trong sợ hãi như đang đối diện với thần chết.
 
img_2019_1600x1067.JPG
Cô cho biết, ở Bệnh viện 09, bác sỹ y tá phải đối với bệnh nhân như người bạn

Khó có thể nói hết những điều mà điều dưỡng Thúy và các cán bộ y bác sỹ ở Bệnh viện 09 đang đối mặt, nhưng họ vẫn miệt mài ngày đêm, cần mẫn chăm sóc người bệnh. Bởi bệnh nhân cũng là những con người bất hạnh, có những người lầm đường lạc lối, có những người vô gia cư không người thân thích, khi đến đây chỉ có mong muốn có thêm cơ hội quay lại với cuộc sống, hòa mình vào xã hội, khao khát sự bao dung… những mảnh đời của họ là những câu chuyện đời đáng trăn trở.

Vừa chăm sóc bệnh nhân vừa làm bác sĩ tâm lý, Thúy thường nhẹ nhàng khuyên nhủ họ, hướng họ làm việc thiện, khi mạnh khỏe ra viện thì không quay lại con đường cũ, có biện pháp phòng tránh để không lây nhiễm ra cộng đồng. Với những bệnh nhân mới thì Thúy thường khuyên họ: “Hãy nhìn những người bị bệnh ung thư họ đang cần sự sống, với bệnh HIV không phải là chết, tại sao lại muốn tìm đến cái chết?”.
Cô cũng cho biết, ở Bệnh viện 09, bác sỹ y tá phải đối với bệnh nhân như người bạn. Đến những phút cuối, họ thường trải lòng. Họ bị bỏ rơi, bị kỳ thị, không có đường về với cuộc sống, câu chuyện của họ luôn là những trăn trở, nặng lòng đối với những người như Thúy và cán bộ y bác sỹ nơi đây. Nhưng ai cũng thế, thầm lặng làm công việc của mình và cố gắng mang đến sự chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân. Thúy cũng như nhiều người khác, nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với bệnh nhân cho đến hết cuộc đời họ, mà những cuộc đời ấy cứ đến lại đi…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm