Nữ doanh nhân Việt Nam kiên cường vượt qua đại dịch

Lam Giang
15/08/2022 - 16:18
Nữ doanh nhân Việt Nam kiên cường vượt qua đại dịch

Hợp tác xã Pao My (Hà Giang) do chị Lưu Thị Hoa làm chủ đã tạo việc làm cho người dân địa phương

Ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức khổng lồ từ khủng hoảng đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, nữ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường và mạnh mẽ, thành công trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đến toàn xã hội, đặc biệt là nhóm nữ doanh nhân. Trong năm 2021, 64% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu tác động mạnh mẽ bởi khủng hoảng toàn cầu.

Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân 2021 của Mastercard chỉ ra nhiều triển vọng dành cho các nền kinh tế, bất chấp các rào cản về văn hóa xã hội và hạn chế về cơ sở hạ tầng. Tốc độ tham gia vào các hoạt động kinh doanh của phụ nữ tại Việt Nam không chỉ ngang bằng mà còn nhanh hơn nhiều so với nam giới, với tốc độ tăng trưởng chạm ngưỡng hơn 20%. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam đạt 69,3%, một trong các nước có tỉ lệ cao nhất trên thế giới (xếp hạng 5).

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ đảm đang trong gia đình, mà còn giỏi giang trong lãnh đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nữ doanh nhân Việt Nam kiên cường vượt qua đại dịch - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt"

Trong kinh tế, phụ nữ điều hành 26,5% tổng số các doanh nghiệp trên cả nước, tạo ra doanh thu trung bình hàng năm tương đương với nam giới. Những nỗ lực của các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp của họ duy trì hoạt động và gặt hái được nhiều thành công mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong xã hội. Nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã góp phần tạo ra các giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập quan trọng cho kinh tế đất nước và nguồn thu cho mỗi gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Trong hành trình phục hồi hậu Covid, thúc đẩy số hóa thương mại sẽ là yếu tố cốt lõi nhằm hỗ trợ các nữ doanh nhân tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức để áp dụng công cụ chuyển đổi số một cách hiệu quả trên quy mô rộng lớn, giúp nâng cao kiến thức về công nghệ, mở ra một hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số thuận tiện để giúp doanh nghiệp tiếp cận và nâng cao cơ hội kinh doanh.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt", bà Winnie Wong – Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào khẳng định, trao quyền cho phụ nữ vẫn đang và sẽ tiếp tục là mục tiêu của Mastercard tại Việt Nam. Mastercard đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ chính phủ và các tổ chức tài chính trong việc triển khai những sáng kiến và chương trình hành động nhằm trao quyền cho các nữ doanh nhân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm