pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Nữ hoàng của sân khấu đèn màu" Thẩm Thúy Hằng qua đời
Chiều ngày 7/9, bà Thanh Thuý - phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM đã xác nhận với báo chí thông tin minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng vừa qua đời. Thông tin này khiến nhiều khán giả bất ngờ và không khỏi xót xa, thương tiếc.
Nữ minh tinh có nhan sắc tuyệt trần
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Là người gốc Bắc nhưng vừa tròn một tuổi, Thẩm Thúy Hằng đã phải theo cha về lại miền Nam và lớn lên ở vùng quê An Giang sông nước. Nhờ đó, Thẩm Thúy Hằng có được vẻ đẹp ngọt ngào của con gái miền Tây cộng thêm sự sắc sảo của miền Bắc.
Minh tinh Thẩm Thúy Hằng.
Hồi nhỏ, Thẩm Thúy Hằng học ở Long Xuyên nhưng hết tiểu học lại theo chị lên Sài Gòn tu nghiệp.
Nhận thức được thế mạnh nhan sắc, Thẩm Thúy Hằng giấu gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên do một hãng điện ảnh tổ chức và vượt qua hơn 2000 thí sinh khác, giành giải nhất.
Sau này, Thẩm Thúy Hằng kể lại rằng, ngày ấy, bà không hề được học hành trường lớp về diễn xuất, gia đình cũng không đồng ý cho theo nghiệp diễn viên, nhưng vì đam mê với nghề nên bất chấp đi thi và không thể ngờ lại đoạt giải nhất trước hàng ngàn thí sinh khác.
Ông bà chủ hãng phim sớm nhận ra tiềm năng tỏa sáng của nữ diễn viên nên đổi nghệ danh của bà từ Kim Phụng thành Thẩm Thúy Hằng và bắt đầu tiến hành các chiến lược lăng xê cho nữ minh tinh.
Vẻ đẹp đầy đặn, căng tràn sức sống của Thẩm Thúy Hằng được xem là chuẩn mực thời bấy giờ. Rất nhiều người mua ảnh lịch của bà về treo trong nhà để được ngắm nhìn nữ minh tinh mỗi ngày.
Bộ phim giúp Thẩm Thúy Hằng lên tới nấc thang cao nhất của danh vọng chính là vai Chức Nữ trong phim Ngưu Lang Chức Nữ do NSND Năm Châu đạo diễn. Trong sự nghiệp của mình, bà đóng hàng trăm bộ phim khác nhau và hầu như phim nào cũng thành công vang dội.
Nữ minh tinh cũng sở hữu mức cát xê cao nhất khi ấy, với một triệu đồng cho một vai diễn. Dưới vai trò của một minh tinh màn bạc, Thẩm Thúy Hằng liên tục tham dự các liên hoan phim quốc tế ở Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Liên Xô…
Cho đến tận bây giờ, có lẽ cũng chưa có nữ diễn viên nào sống trong lòng khán giả với nhan sắc diễm lệ như vậy. Công chúng ưu ái gọi bà là "Nữ hoàng của sân khấu đèn màu".
Ngày đó, Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng tới mức, mỗi lần đi ăn vặt là không đứng dậy được vì quá nhiều người hâm mộ vây xung quanh.
Sự chuyên nghiệp, đa tài trong công việc
Không chỉ diễn xuất giỏi, Thẩm Thúy Hằng còn tỏ ra đa năng khi tự thành lập hãng phim riêng mang tên mình và sản xuất được nhiều bộ phim thành công rực rỡ… Trên vai trò mới, Thẩm Thúy Hằng đã càng cho thấy bà là một người quyền lực và giỏi giang.
Ngoài lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng cũng tham gia các sân khấu kịch, cải lương để trải nghiệm khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Ban kịch của Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian ấy.
Không chỉ diễn xuất giỏi, Thẩm Thúy Hằng còn là một nữ diễn viên bản lĩnh và táo bạo. Giữa lúc tư tưởng con người còn đang khá khắt khe và cổ hủ thì bà đã dám khoe vẻ đẹp phồn thực trên màn ảnh. Chỉ cần đạo diễn yêu cầu thế nào thì Thẩm Thúy Hằng sẽ diễn đúng như thế. Đó là sự chuyên nghiệp của bà.
Chính sự chuyên nghiệp, cởi mở trong phong cách làm việc này đã khiến Thẩm Thúy Hằng được lòng nhiều đoàn làm phim nước ngoài, giúp bà vươn tầm châu lục.
Thanh Nga và Thẩm Thúy Hằng
Ngoài ra, Thẩm Thúy Hằng còn là một biểu tượng thời trang dẫn đầu các xu hướng như cuốn khăn turban, đeo kính mắt mèo, kẻ viền mắt đen, thời trang ethnic… Bà nổi bật bởi phong cách quý phái.
Đứng trên đỉnh cao của tiền bạc và danh vọng, nhưng cuộc sống cá nhân của Thẩm Thúy Hằng lại khá nhiều trắc trở.
Từ năm 19 tuổi, Thẩm Thúy Hằng đã phải lấy chồng theo sự dàn xếp của gia đình mà không có tình yêu. Cuộc hôn nhân này nhanh chóng tan vỡ sau 5 năm, khiến bà phải làm mẹ đơn thân. Đôi khi vì công việc diễn xuất bận rộn, Thẩm Thúy Hằng không còn thời gian chăm sóc con, và luôn cảm thấy day dứt.
Năm 1970, Thẩm Thúy Hằng lên xe hoa lần thứ hai với một người đàn ông có vị trí lớn trong xã hội. Nhưng ông đã qua đời năm 2003, để lại mình bà lẻ loi.
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng không ra nước ngoài định cư mà vẫn ở lại quê hương. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là bà phải từ chối nhiều lời mời đóng phim hay tham gia các sự kiện điện ảnh quốc tế, khiến cơ hội nổi tiếng giảm sút.