Võ Tắc Thiên tên thật là Võ Chiếu, sinh năm 624, là con của tướng sĩ Võ Sĩ Hoạch, một quý tộc có tiếng ở Sơn Tây bấy giờ. Mẹ bà họ Dương, xuất thân từ gia đình quý tộc nhà Tùy. Có lẽ vì vậy mà bà được thừa hưởng những điểm mạnh của cha mẹ. Dịu dàng, nết na, xinh đẹp, đặc biệt là vô cùng thông minh, mưu trí và dũng cảm.
Vào cung hầu hạ từ năm 14 tuổi, bà xuất phát là một tài nhân. Vua Đường Thái Tông ban tặng cho bà tên gọi Võ Mị Nương với ý nghĩa là người đẹp thùy mị, dịu dàng. Cái tên Mị Nương đã khiến nhiều người ghen tị khi được hoàng thượng cực kì sủng ái và được coi là người phụ nữ thông minh, xinh đẹp ở trong cung.
Chuyện kể rằng, một lần, Đường Thái Tông dẫn các phi tần đi xem ngựa. Trong chuồng ngựa của vua có một chú ngựa rất khó thuần tên là "Sư tử thông", Thái Tông chỉ chú ngựa đó và nói đùa rằng: "Trong các ngươi ai có thể khống chế được nó không?" Các phi tần không một ai dám tiếp lời, chỉ có Võ Mị Nương là dám đứng ra nói: "Thưa bệ hạ, thần có thể ạ!"
Thái Tông kinh ngạc nhìn Mị Nương và hỏi cô có phương pháp gì. Võ Mị Nương liền nói: "Chỉ cần đưa cho thần ba thứ: Thứ nhất là roi sắt, thứ hai là búa sắt, thứ ba là dao găm. Nếu nó mà không nghe lời thì dùng roi sắt quật nó, nếu không chịu thì dùng búa sắt đập vào đầu nó, nếu vẫn còn ngang ngạnh thì dùng dao găm cắt đứt cổ nó luôn." Đường Thái Tông nghe xong cười lớn. Thái Tông dù cảm thấy những lời của Mị Nương có chút trẻ con nhưng cũng rất tán dương sự dũng mãnh trong tính cách của cô.
Hình vẽ mô phỏng chân dung Võ Tắc Thiên. |
Chính vì được vua Đường Thái Tông vô cùng yêu thích nên bà bị nhiều người ghen ghét, tìm cách hãm hại.
Tương truyền, theo lời của một thái sử lệnh tên là Lý Thuần Phong - vị quan chịu trách nhiệm về âm dương và thiên văn của triều đại nhà Đường thì thời đó sẽ có chuyện “nữ chủ Võ thị”, tức là họ Võ sẽ lên ngôi, sẽ có người phụ nữ họ Võ cướp giang sơn của nhà Đường. Cũng nhân tiên đoán này, ông cho rằng, phải giết toàn bộ người họ Võ trong cung và Võ Mị Nương chính là người bị chỉ điểm. Các quan thần trong triều tìm mọi cách giết Mị Nương nhưng đều bất lực vì lúc đó bà được vua Đường Thái Tông rất ủng hộ và rất sủng ái.
Năm 649, Đường Thái Tông băng hà, theo luật lệ, Võ Mị Nương phải rời cung để vào chùa Cảm Nghiệp xuống tóc. Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức là Đường Cao Tông. Năm 651, Đường Cao Tông đưa bà trở lại hoàng cung sau khi đi cúng tế cho cha tại chùa Cảm Nghiệp.
Vương hoàng hậu, Hoàng hậu của Đường Cao Tông đã chủ động hỗ trợ đưa bà về vì khi đó Cao Tông đang sủng ái Tiêu thục phi và muốn dùng Võ Mị trong việc tranh giành quyền lực. Từ đây, cuộc đời Võ Mị Nương bắt đầu sang trang mới và cũng chính là bắt đầu sự nghiệp “nữ chủ Võ thị” của bà.
Tháng 5, năm 651, Võ Mị Nương được phong Chiêu Nghi. Không lâu sau, Đường Cao Tông lại muốn phế truất Vương Hoàng hậu để đưa bà vào vị trí đứng đầu hậu cung.
Tháng 10 năm 655, Đường Cao Tông phong Võ Chiêu Nghi làm Hoàng hậu. Bà bắt đầu thâu tóm quyền hành từ đây.
Theo cuốn "Trên dưới 5000 năm" của nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc Lâm Hàn Đạt và Tào Dư Chương, chỉ tới khi lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu, lịch sử triều Đường mới lại xuất hiện nhiều chi tiết đáng chú ý. Bà áp dụng nhiều thủ đoạn khiến những đại thần đã phản đối bà trước đó phải lần lượt giáng chức, từ chức. Khi vua Đường Cao Tông bị đột quỵ, bà đã buông rèm nhiếp chính.
Năm 667, Cao Tông quá yếu, giao cho thái tử Lý Cường giám quốc, thực ra vẫn do Võ hậu làm chủ. Năm 674, triều đình tôn Cao Tông là Thiên hoàng, Võ hậu là Thiên hậu.
Năm 683, Đường Cao Tông băng hà. Tháng 9 năm 690, bà lên ngôi Hoàng đế ở tuổi 67 với sự nhường ngôi của Lý Đán – tức hoàng đế của Đường Duệ Tông, con trai thứ 4 của bà. Bà quản lý triều chính khiến ai ai cũng phải nể sợ. Nhiều thế lực tìm cách hạ bà nhưng không thành. Sau này, nghe lời can gián của trung thần, bà lập con trai mình là Lý Hiển lên làm thái tử để lên ngôi hoàng đế. Bà trở thành Thái thượng hoàng ở biệt cung cho đến khi qua đời vào tháng 11 năm 705 ở tuổi 82 với tôn hiệu Tắc Thiên Đại Thánh hoàng đế.
Võ Tắc Thiên còn là người lên ngôi ở độ tuổi lớn nhất và là một trong những hoàng đế thọ nhất lịch sử phong kiến trung hoa. Khi lâm chung bà yêu cầu dùng thụy hiệu là Hoàng hậu chứ không phải Hoàng đế, do đó không có miếu hiệu.
Trong 15 năm cai trị, Võ Tắc Thiên đã ổn định biên cương, mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn sang Trung Á, hoàn thành cuộc chinh phục bán đảo Triều Tiên. Ở trong nước, bà tập trung phát triển kinh thế - xã hội, duy trì sự ổn định.
Trong suốt thời gian làm hoàng đế, bà đã đưa ra nhiều chính sách mà đến bây giờ, sử sách không thể không ghi nhận công lao của bà.
Nữ hoàng đế thúc đẩy nông nghiệp phát triển, dạy nông dân trồng trọt, quản lý đất đai, khiến nông dân trồng cấy thuận lợi, thương nhân và nghề thủ công phát đạt, xã hội ổn định, an ninh vững vàng. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Hoa dưới thời Võ Tắc Thiên là 0,7%, một con số cao của thời cổ đại.
Người ta cũng đánh giá cao Võ Tắc Thiên vì cách dùng người và góp công cho nền văn hóa đời Đường phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bà đã gạt bỏ phần nào tư tưởng trọng nam khinh nữ, đã đưa vào sử sách một cách nghĩ mới về người phụ nữ.
Tuy nhiên, do tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong lòng xã hội phong kiến, lại thêm tính cách hà khắc trong việc cai trị của bà khiến đông đảo cựu thần nhà Đường không phục.