Nữ MC thời sự đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia Saudi Arabia

26/09/2018 - 11:10
Nhà báo Weam Al Dakheel đã “làm nên lịch sử” khi trở thành nữ MC đầu tiên trên bản tin thời sự của kênh truyền hình nhà nước Saudi Arabia. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong kết quả đề án "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
weam-al-dakheel-3.jpg
Nhà báo Weam Al Dakheel dẫn chương trình trong bản tin thời sự cùng đồng nghiệp

Weam Al Dakheel đã cùng dẫn chương trình với đồng nghiệp nam Omar al-Nashwan trên kênh Al Saudiy trong bản tin thời sự phát sóng lúc 21h30. Nữ MC này đã nhận được vô số lời khen trên mạng xã hội. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong ngành truyền hình tại Saudi Arabia và là thành quả của một trong những kết quả đề án "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

 
Cô Weam Al Dakheel tốt nghiệp báo chí Đại học liên kết Lebanon - Mỹ năm 2011 và nói tốt 3 thứ tiếng: Arab, Anh, Pháp. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình tại tờ báo Lebanon Dar Al-Hayat năm 2011 trước khi gia nhập chi nhánh Arab của kênh CNBC (Mỹ) và là người dẫn chương trình của kênh Al-Arab News tại Bahrain.
 
Đến tháng 1/2018, cô gia nhập Riyadh làm Giám đốc Điều hành cho Saudi TV. Đồng thời, cô đang tham gia các chương trình truyền hình tại Focus Academy để hoàn thiện hình ảnh trên truyền hình.
 
weam-al-dakheel-1.jpg
MC Weam Al Dakheel

Mặc dù phụ nữ đã làm MC chủ yếu trên kênh Al-Ekhbariya trong nhiều năm qua, nhưng Weam Al Dakheel đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trình bày bản tin chính trên truyền hình Saudi Arabia.

 
Kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman (32 tuổi) được trao quyền kế vị tháng 11/2017, nhiều quy định hà khắc với phụ nữ Saudi Arabia đã được cởi bỏ, mang đến luồng gió mới tại vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này.
 
Mục tiêu “Tầm nhìn 2030” của Thái tử Mohammed bin Salman là hiện đại hóa Saudi Arabia, chuẩn bị cho thời kỳ “hậu dầu mỏ” của quốc gia này. Do vậy, phụ nữ Saudi Arabia đã được phép lái xe, đến sân vận động xem bóng đá hoặc làm những công việc trước đây chỉ dành cho nam giới. Saudi Arabia là quốc gia áp dụng rất nghiêm ngặt Luật Hồi giáo Sharia. Vì thế, việc thay đổi như vậy thật sự là một bước ngoặt lớn.
 
Đưa nữ giới tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động là một nội dung quan trọng trong kế hoạch cải tổ nền kinh tế của Saudi Arabia. Năm 2017, chỉ có khoảng 22% phụ nữ trưởng thành Saudi Arabia tham gia lực lượng lao động nhưng chính quyền Riyadh muốn con số này tăng lên thành 30% vào năm 2030, trong kế hoạch cải cách kinh tế dài hạn của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm