Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Chu Thúy Quỳnh sinh năm 1941 trong một gia đình gia giáo ở Hà Nội, là hậu duệ nhiều đời của cụ Chu Văn An. Từ nhỏ, cô bé Quỳnh đã ham mê múa hát. Sau một vài lần theo chân bố đến nơi làm việc khi đó là Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, được nhìn các cô chú, anh chị duyên dáng trong những điệu múa truyền thống dân tộc, cô bé Quỳnh bị hớp hồn ngay tức khắc. Thế là Quỳnh mạnh dạn xin với bố cho vào học và biểu diễn cùng với đoàn văn công tỉnh Vĩnh Phúc nhưng không được đồng ý vì bố lấy lý do: ‘Con còn nhỏ quá’.
Năm 14 tuổi, Quỳnh mạnh dạn tham gia thi tuyển vào Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, sau này là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Nhóm tuyển cô bé gồm Nghệ sĩ Hoàng Châu (một trong những người lãnh đạo đầu tiên của ngành múa), nghệ sĩ Phùng Thị Nhạn, nghệ sĩ Mạnh Hùng, Trọng Bằng, Tuệ Minh và diễn viên Trần Chinh. Nghệ sĩ Mạnh Hùng, người sau này là bạn đời của Chu Thúy Quỳnh, khi nhìn vóc dáng bé con, mảnh mai của cô bé Quỳnh đã lắc đầu bảo: Không nên tuyển vì nhìn bé thế kia. Thế nhưng phần biểu diễn của Quỳnh đã thuyết phục cả nhóm, tiểu phẩm có đề tài ‘Trông nom mẹ ốm’ được cô bé vào vai rất đạt nên Quỳnh đã trúng tuyển vào đoàn.
NSND Chu Thúy Quỳnh lúc trẻ |
Trước vóc dáng nhỏ bé của Quỳnh, nhiều người trong đoàn nghi ngại và cô thường chỉ được tham gia những vai phụ. Nhưng Chu Thúy Quỳnh say mê đặc biệt với múa. Người ta thấy cô bé tập luyện bất cứ nơi đâu: Trên sân ga lúc chờ tàu, trên vỉa hè, nơi ven chợ... Thấy cổ chân mình cứng so với nhiều bạn bè, hằng ngày cô bé ngâm chân, rồi dùng bàn chải chà cho mềm cơ ra để có thể thực hiện động tác múa khó. Dần dần, tài năng của Chu Thúy Quỳnh được nhìn nhận. Bà được NSND Phùng Thị Nhạn, NSƯT Hoàng Châu, NSƯT Mạnh Hùng chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều.
Sự khổ luyện đã giúp cho sự nghiệp của nghệ sĩ trẻ cất cánh. Tuy là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng Quỳnh lúc đó đã hoàn toàn chinh phục được tất cả các bậc tiền bối của đoàn và đã xuất hiện ở hầu hết các tiết mục múa nổi tiếng thời bấy giờ. Với tác phẩm nào, Quỳnh cũng nhận được sự khen ngợi nồng nhiệt của khán giả và các cô bác, anh chị trong đoàn. Dù nhỏ tuổi nhất nhưng chưa bao giờ Thúy Quỳnh thấy run sợ khi gặp khó khăn mà ngược lại, niềm yêu thích, sung sướng khi hàng ngày được sống và reo vui cùng những điệu múa đã khiến Thúy Quỳnh trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ, trải nghiệm, kỹ thuật về nghề.
Nhỏ tuổi nhất cũng trở thành may mắn của Quỳnh khi một lần Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương đến biểu diễn cho khách quốc tế xem, Bác Hồ lại gần và hỏi: ‘Cháu nào bé nhất đoàn?". Thúy Quỳnh ngay lập tức được giới thiệu. Từ đó, Thúy Quỳnh luôn được ưu ái, đến biểu diễn, đọc sách và nói chuyện cùng Bác. Bác luôn dặn cô bé phải chăm chỉ, khiêm tốn, cố gắng giữ gìn và phát huy những điệu múa truyền thống của dân tộc cũng như tiếp thu những nền văn hóa khác của nước bạn…
Nhìn những động tác múa của Chu Thúy Quỳnh như con thiên nga, không mấy ai biết tập múa là một quá trình khổ luyện vất vả đầy mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu nữa. Thúy Quỳnh bị cận nặng đến nỗi nếu bỏ kính ra thì gần như không nhìn thấy gì. Nhưng nghệ sĩ không thể đeo kính lên sân khấu để múa. Mỗi lần diễn, để quen với sân khấu, Quỳnh đều phải nhắm mắt lại trước để định lượng vòng quay, độ sải chân cho chuẩn để khi bỏ kính ra vẫn có thể quay được chính xác. Khi biết được điều này, tất cả mọi người đều thừa nhận Chu Thúy Quỳnh là kỳ tài.
NSND Chu Thúy Quỳnh và các bạn diễn trong tác phẩm 'Gặp gỡ bên mâm pháo |
Tên tuổi của nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh dần trở nên quen thuộc. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà lăn lộn ở chiến trường. Những vở diễn như ‘Bà mẹ miền Nam’, ‘Tiếng gọi quê hương’, ‘Gặp gỡ bên mâm pháo’, ‘Theo cờ giải phóng’... đã góp phần động viên tinh thần chiến sĩ ta đánh giặc. Chu Thúy Quỳnh vinh dự trở thành đại biểu Quốc hội năm 28 tuổi.
Cái tài của bà là khi vào vai diễn nào, khán giả cũng thấy như bà sinh ra để vào vai đó. Chẳng hạn như khi tham gia vở kịch múa ‘Tấm Cám’ (1960), Chu Thúy Quỳnh vào vai cô Cám đanh đá, gian ác, lười biếng. Để múa đẹp, diễn tốt vai Cám, bà đã phải ra chợ để xem các bà bán hàng giằng co, cãi vã nhau, sau đó mới về nhập hồn vào nhân vật, để cho ra cô Cám đáng ghét nhất. Tuy nhiên, đến gần ngày công diễn thì nữ diễn viên đóng vai cô Tấm bị đau chân. Dù không được chuẩn bị kỹ để diễn vai cô Tấm hiền lành, tốt bụng nhưng Chu Thúy Quỳnh vẫn vào vai hoàn hảo, khiến khán giả bất ngờ và trầm trồ khen ngợi.
Năm 1983, trong một lần diễn điệu múa Chăm cho khách Ấn Độ xem, bà đã chinh phục được ngay lãnh đạo đoàn Ấn Độ. Sau đó, người này đến hỏi bà có muốn sang Ấn Độ học múa không? Bà liền trả lời là có. Sang Ấn Độ học, thầy giáo hỏi: ‘Tại sao lại muốn học múa Ấn Độ’, bà liền nhanh nhảu đáp: ‘Em thích các điệu múa Ấn Độ vì múa Ấn Độ là biểu tượng của tâm linh’ khiến thầy giáo và các bạn học đều hài lòng. Hơn 40 tuổi mới đi học múa tại Ấn Độ nhưng kết quả học tập của bà khiến chính người Ấn Độ kinh ngạc và gọi bà là ‘ngôi sao múa đến từ phương Đông’.
Sau khi tốt nghiệp 3 học viện múa ở Ấn Độ, NSND Thúy Quỳnh về nước và đảm nhận vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, liên tiếp gặt hái các huy chương vàng trong các hội diễn, liên hoan toàn quốc.
Tiết mục 'Hoa đất nước' - Biên đạo: NSND Chu Thúy Quỳnh, nhóm múa Âu Cơ biểu diễn |
Từ những vai diễn, NSND Chu Thúy Quỳnh bắt đầu viết và dựng những vở kịch múa. Các tác phẩm múa đạt đến đỉnh cao của văn hóa múa truyền thống như: Suối đàn Tơ rưng, Hương xuân, Mùa xuân trên bản H’Mông, Hoa đất nước... Bà sáng tác được gần 30 điệu múa thuộc nhiều hình thức, thể loại. Cụm tác phẩm ‘Suối đàn T’rưng’, ‘Những cô gái làng’, ‘Hương xuân’ đã mang đến cho bà Giải thưởng Nhà nước năm 2011.
Bà còn là tác giả và biên đạo cho nhiều chương trình lễ hội lớn của Thủ đô, những chương trình mang tầm vóc quốc gia. Với mỗi chương trình, bà đều tự tay viết kịch bản, dựng hình biên đạo múa như Chương trình ‘Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội’, Chương trình giao lưu nghệ thuật với các nước Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc; Chương trình lễ hội Du lịch quốc tế Hà Nội (từ năm 2000 đến năm 2006)... Năm 2010, bà là thành viên Hội đồng nghệ thuật Hà Nội, thành viên của Hội đồng cố vấn nghệ thuật trong chương trình Đại Lễ Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tổng đạo diễn chương trình múa cổ trong đại lễ với chủ đề ‘Thăng Long mở hội - Tìm lại dấu xưa’.
Hơn 60 năm gắn bó với nghiệp múa, NSND Thúy Quỳnh đã đi hơn 40 quốc gia trên thế giới, mang những điệu múa đậm hồn Việt đến với bạn bè quốc tế, cũng như tiếp thu những điệu múa nổi tiếng của các nước. Là diễn viên, biên đạo, tổng đạo diễn hay nhà quản lý, với vị trí nào, Chu Thúy Quỳnh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà trở thành Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong 25 năm liền.
NSND Chu Thúy Quỳnh là 1 trong số 10 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017. Bà là nữ nghệ sĩ múa đầu tiên vinh dự được nhận Giải thưởng danh giá này. |
Với những cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật múa của đất nước và Thủ đô, nhiều năm liền, NSND Chu Thúy Quỳnh là Chiến sĩ thi đua ngành Văn hóa và Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 2 lần được tặng Huy hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1987, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998... Năm 2015, NSND Chu Thúy Quỳnh đã vinh dự được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2015.
Ngày 20/2/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 cho 10 tác giả, trong đó có NSND Chu Thúy Quỳnh với các tiết mục múa: ‘Mùa xuân trên bản H’Mông’, ‘Hoa xuân đất nước’, ‘Hầu văn Xá Thượng Ngàn’.
Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay có 2 tác giả múa được vinh danh. Tác giả còn lại là GS-TS-NSND Lê Ngọc Canh (với các cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật múa chèo và dân tộc Mạ).