|
Cầu cảng Trường Sa |
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà hiện công tác tại Báo Điện tử VOV.VN – Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị chia sẻ, chị từng viết nhiều bài về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhưng lại chưa một lần đặt chân đến nơi “đầu sóng ngọn gió”. Chị uôn mơ ước được một lần đến nơi “đón bình minh đầu tiên ở Việt Nam”. Đến tháng 6/2016, ước mơ của chị đã thành hiện thực khi chị có 10 ngày trên chuyến tàu Trường Sa 571 cùng Đoàn công tác số 14/2016 ra thăm Trường Sa.
“Những ngày sống cùng Trường Sa không nhiều, nhưng đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc chưa từng có trước biển trời quê hương đầy sắc màu, nơi những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm đối mặt những thử thách khắc nghiệt mọi bề để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bình yên Tổ quốc Việt Nam”, chị Nguyễn Mỹ Trà chia sẻ.
|
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà |
Nguyễn Mỹ Trà đã lưu lại không chỉ trong ký ức, trong kỷ niệm những ngày sống cùng Trường Sa mà còn lưu lại bằng hình ảnh, những khoảnh khắc chị bắt gặp tưởng chừng không thể lặp lại lần nữa. Đó là hình ảnh bình minh - hoàng hôn biển tuyệt đẹp, ngôi nhà giàn nhỏ bé mà kiên cường trong sóng gió giữa biển khơi như một biểu tượng chủ quyền lãnh thổ, những con hạc giấy và hoa cúc rải xuống biển trong nghi lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, những chiến sĩ hải quân như những dũng sĩ biển Đông trẻ trung, năng động, dũng cảm trước mọi thử thách nhưng rất hiền hòa, thân thiện, dễ mến, đặc biệt là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất liền ở họ như một nguồn sức mạnh không gì so sánh…
“Chuyến đi đã khép lại, nhưng những ngày Trường Sa trong tôi là dấu ấn nhiều cảm xúc. Tôi muốn chia sẻ với mọi người để lan tỏa thêm tình cảm với Trường Sa, để Trường Sa không xa trong trái tim mỗi người Việt Nam”, Nguyễn Mỹ Trà nói. Những hình ảnh ghi lại được ở Trường Sa, chị đưa lên Facebook cá nhân. Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ (Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) và nhà văn Hoài Hương khi xem được những hình ảnh ấy đã động viên, gợi ý chị làm triển lãm và có nhiều hỗ trợ. Tiếp đó, 2 người thầy dạy ảnh cho Nguyễn Mỹ Trà là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và Nguyễn Việt Thanh đã chọn và biên tập ảnh giúp chị. Và bộ ảnh Trường Sa - nơi ta đến đã hình thành.
|
Cô và trò trong chùa Trường Sa |
Trường Sa – Nơi tôi đến gồm 70 bức ảnh, được in thành nhiều size trên giấy ảnh chất lượng cao, trong đó size lớn nhất là 5,4x2,8m. Các bức ảnh được lồng trong khung với những sắp đặt nhóm theo 3 chủ đề: Sắc màu Trường Sa (ảnh phong cảnh), Vẻ đẹp lính biển Việt Nam (ảnh sinh hoạt của lính đảo, nhà giàn…), sinh hoạt tinh thần trên đảo (ảnh một số hoạt động giao lưu của lính đảo, lính nhà giàn với các thành viên trong đoàn, sinh hoạt tâm linh trên chùa đảo…)…
Chị Nguyễn Mỹ Trà cho biết, với những tấm ảnh phóng to, chị muốn tạo cảm giác cho du khách như một chuyến tham quan du lịch đến Trường Sa ngắm vẻ đẹp biển trời quê hương. Bên cạnh đó, những ca khúc về Trường Sa cũng sẽ được mở tại triển lãm, tăng thêm cảm xúc cho người xem khi bước vào một không gian đậm chất biển đảo.
|
Vẻ đẹp lính biển 2 |
Đặc biệt, tại triển lãm Trường Sa – Nơi tôi đến sẽ có hoạt động bán postcard và đấu giá tranh để gây quỹ tặng quà Trung thu cho con lính đảo. Ngoài ra, triển lãm còn có phần chụp ảnh check in tặng khách thăm quan và in rửa ảnh trực tiếp tại chỗ.
Triển lãm Trường Sa – Nơi tôi đến được sự hậu thuẫn của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương nhằm gây quỹ tặng quà Trung thu cho con lính đảo.
ảnh trong triển lãm "Trường Sa - Nơi tôi đến" tại đây:
|
Phút nghỉ ngơi của lính đảo |
|
Mắt biển |
|
Điều kỳ diệu Trường Sa |
|
Vẻ đẹp lính biển 4 |
|
Ngóng đợi |
|
Tình quân dân trên đảo |
|
Dưới tán phong ba chùa Sinh Tồn |
|
Vẻ đẹp lính biển 1 |
|
Vẻ đẹp lính biển 3 |