Nữ nhà giáo làm rạng danh Việt Nam tại 'kinh đô ánh sáng' Paris

20/11/2016 - 11:18
Đó là Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính, nữ Giáo sư - Tiến sĩ Toán học đầu tiên của nước ta.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính là người làng Cót, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Suốt thời niên thiếu, bà sống tại số 102, phố Hàng Bông. Mẹ bà mất khi bà mới 8 tuổi. Cha bà, cụ Hoàng Thúc Tấn, sau đó đi bước nữa với một nhà kinh doanh vải sợi. Bà mẹ kế thương con chồng như con ruột. Thời Hà Nội còn bị tạm chiếm, gia đình cụ Hoàng Thúc Tấn tài trợ cho tờ Thanh Nghị, tờ báo có quan điểm dân tộc tiến bộ. Tờ báo tập hợp những học giả yêu nước và giới trí thức đất Hà thành. Cụ Hoàng Thúc Tấn cũng không ngần ngại dùng nhà mình làm nơi hội họp của nhiều nhân sĩ yêu nước.

Lúc này cô bé Sính đang học bậc tiểu học. Ngày ngày, được tiếp xúc với các bậc trí thức, chính tài năng và nhân cách của họ đã lan tỏa sang cô bé Sính khi đó đang còn chúm chím tóc đuôi gà. Hai cây đại thụ của ngành giáo dục nước nhà, Giáo sư Vũ Đình Hòe và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, đã có thời gian 5 năm, từ năm 1941 đến 1945, lập đại bản doanh tờ Thanh Nghị ngay dưới mái nhà của gia đình cô bé Sính. Cả 2 ông đều là Bộ trưởng Bộ Giáo dục có những đóng góp to lớn vào nền giáo dục nước nhà. Hai nhà trí thức tài ba và cấp tiến này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến bước đường mà cô bé Hoàng Xuân Sính lựa chọn.

1.JPG
 Chân dung Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính

Năm 1948, bà học hết cấp II. Thời đó trường Trung học của Hà Nội rất ít, chỉ có trường cấp II Nữ sinh Trưng Vương và trường cấp III Chu Văn An dành cho nam sinh. Còn trường Lyceé Albert Sarraut chỉ con em người Pháp, hoặc con em giới chức cao cấp làm việc cho Pháp mới được học. Nếu muốn học cấp III phải vào trường Chu Văn An học chung với nam sinh. Bây giờ nam nữ học chung là bình thường nhưng vào thời này, việc học chung là chuyện ghê gớm lắm. Cuối cùng bà Sính cũng vượt lên ‘hủ tục’, chấp nhận ghi danh học trường Chu Văn An.

Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, bà được cậu ruột là Nguyễn Văn Phúc đang làm kỹ sư sản xuất máy bay tại tỉnh Toulousse đón sang Pháp lấy học bằng tú tài 2 chuyên ngành toán học. Bà chọn Toán học chứ không phải một ngành nào khác bởi cả cha và mẹ bà đều khuyên các con rằng, để xây dựng đất nước thì học giỏi môn khoa học là thực sự rất cần thiết

Sau khi hoàn thành đại học, bà tiếp tục học cao học để lấy bằng Thạc sĩ Toán. Đây là cấp học khó, ngay ở Pháp nhiều người học đến bạc đầu khi thi vẫn trượt. Với quyết tâm bền bỉ ôn luyện, cần cù học tập, năm 26 tuổi, bà thi đỗ bậc Thạc sĩ. Đó là vinh dự không chỉ dành cho người Việt mà còn cho cả đại học Toulousse.

Con đường khoa học đang rộng mở nhưng bà cũng như nhiều trí thức Việt Nam yêu nước ở nước ngoài lúc đó quyết định trở về. Bà kể: "Tháng 5/1959, tôi đang băn khoăn ở lại Pháp làm việc hay về nước thì được biết tờ báo "Khoa học thường thức" xuất bản ở Hà Nội đã đưa tin tôi đỗ Thạc sĩ ở Paris. Đọc tin nóng hổi từ Tổ quốc, lòng tôi bồi hồi xúc động. Tổ quốc hàng ngày vẫn theo dõi những hoạt động và vui mừng với những thành công nhỏ của những đứa con đi xa. Tự nhiên trước mắt tôi, hình ảnh Tổ quốc hiện lên, mỗi lúc một rõ nét. Bao nhiêu kỷ niệm xa xưa lần lượt hiện về trong trí nhớ.

Tôi xúc động nhớ hôm nào Bác Hồ đến thăm trường Nữ sinh Trưng vương, lúc đó tôi chỉ là cô bé 12 tuổi, bé bỏng, ngây thơ. Tôi cùng các bạn ùa ra đón Bác, vây quanh Bác. Và  từ đó hình ảnh Bác Hồ mãi mãi bên tôi, động viên, khuyến khích tôi đi lên, vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Trên đất Pháp, tôi được ghi thêm lời Bác dạy đối với anh chị em Việt kiều: Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ nhân dân".

Trở về, đó là quyết định dứt khoát của bà. 3 tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ Toán học, bà lên đường về nước, hành lý mang theo chỉ là 2 chiếc valy toàn sách. Về Việt Nam bà chọn khoa Toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi công tác. Bà vừa giảng dạy với chức danh Chủ nhiệm bộ môn Đại số, vừa nghiên cứu khoa học. Toán học là một ngành ‘vừa khó, vừa khổ, lại vừa khô’, song qua lời giảng của cô Hoàng Xuân Sính, nó lại trở nên mềm mại, dễ hiểu.

Trong những năm tháng sơ tán tránh chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, bà khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt". Dưới ánh đèn dầu, trong gian nhà tranh trống trải ở một làng trung du bên dòng sông Đáy mưa dầm dề, gió mùa Đông Bắc rét thấu xương, bà khoác tấm chăn chiên mỏng, ngồi ghi lại những ý nghĩ mới nảy ra trong đầu để viết luận án: "Lý thuyết Gr-phạm trù”.

Bà mang luận án của mình sang Đại học Paris 7, thuộc hệ thống Sorbonne bảo vệ trước một hội đồng gồm những nhà Toán học lừng danh thế giới. Hội đồng Toán nơi bà bảo vệ còn thử tài bà bằng cách ra đề thi tại chỗ nhưng cuối cùng bà đã thành công, nhận danh hiệu nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại ‘kinh đô ánh sáng’. Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.

2.jpg
 Bà đã đánh dấu Việt Nam trên bản đồ Toán học thế giới

Tờ tạp chí hằng tháng Phụ nữ Liên Xô xuất bản tại Moscow, số tháng 8/1975, trong chuyên đề về phụ nữ Việt Nam, đã dành nửa trang để giới thiệu nhà nữ toán học Hoàng Xuân Sính. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Liên Xô, bà nói lên niềm mơ ước của mình rằng: "Tôi muốn góp phần đào tạo một lớp các nhà toán học trẻ ở đất nước chúng tôi. Hiện nay, nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam còn phải ra nước ngoài viết luận án tiến sĩ. Chúng tôi muốn xây dựng nhiều chuyên ngành toán học ở trình độ cao ngay trên đất nước mình".

Đau đáu với nền giáo dục Việt Nam, ngày 15/2/1988, bà là một trong những người sáng lập trường đại học Thăng Long, đại học Dân lập đầu tiên của Việt Nam. Giáo sư Hoàng Xuân Sính còn từng là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng Kovalevskaya cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam. Nhiều năm bà là trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi dự thi Olympic Toán quốc tế. Bà cũng dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội đa dạng, từng làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004- 2008); Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa VI (1987 - 1992); Ủy viên Hội đồng chính sách và Công nghệ quốc gia; Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia; Ủy viên Hội đồng Tự điển Việt Nam… Nhà nước Pháp trao tặng bà phần thưởng cao quý: Huân chương Cành cọ Hàn lâm về những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa 2 quốc gia Pháp và Việt Nam.

Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính là "Thầy giáo của các thầy giáo", mãi được nhiều thế hệ học trò kính phục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm