Nữ phải 20 năm mới tới tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình

15/05/2018 - 10:29
Vấn đề tăng tuổi hưu nam lên 62, nữ lên 60 theo Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nếu thực hiện thì nữ phải 20 năm mới tới tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình trong khi nam giới chỉ là 8 năm. Theo Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, nên nghiên cứu rút ngắn lộ trình này để thu hẹp khoảng cách giới.
chu-tich-thu-ha3.jpg
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
 

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ngày 10/5) về Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh kinh tế, xã hội, dân số có nhiều sự thay đổi, với các lý do về tăng tuổi thọ, về già hóa dân số, về khả năng làm việc, về quỹ bảo hiểm xã hội… Cũng như lộ trình tăng độ tuổi nghỉ hưu để đảm bảo không có sự thay đổi quá nhanh, đột ngột dẫn tới nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần phải nghiên cứu xem xét các quy định phù hợp cho từng đối tượng. Giữ nguyên việc nghỉ hưu sớm theo qui định hiện nay đối với các ngành nghề đặc biệt thì có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với quy định tuổi nghỉ hưu chung cần phải được nghiên cứu thêm phù hợp đối với từng lĩnh vực, ngành nghề cho các nhóm đối tượng cả nam và nữ.

Một số ngành nghề người lao động tham gia quan hệ lao động và kết thúc quan hệ lao động tương đối sớm như diễn viên múa, diễn viên xiếc, vận động viên thể thao, công nhân lao động dưới hầm lò, công nhân cầu đường...; một số ngành nghề độc hại người lao động cũng cần được nghỉ hưu sớm hơn. Do đó, “cần đánh giá tác động chính sách này đối với các nhóm đối tượng đặc thù, đồng thời có chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này trong trường hợp họ tiếp tục lao động”, Chủ tịch Hội LHPNVN phát biểu.

Bên cạnh việc cho nghỉ hưu sớm ở một số nhóm đối tượng thì cũng nghiên cứu quy định phù hợp khi theo lộ trình nữ lên 60, nam lên 62, thì các đối tượng nữ hiện đang quy định nghỉ hưu 60 tuổi có thay đổi không (với các đối tượng đã được điều chỉnh lên 60 tuổi, như nữ thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy trở lên, thường vụ của hai thành phố Hà Nội và TP HCM).

Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng, kéo dài tuổi làm việc đến cán bộ nữ là Phó Chủ tịch UBND, Hội đồng nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội... trở lên của các tỉnh, thành.

Về lộ trình tăng tuổi hưu, Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh: Theo dự thảo hiện nay, lộ trình tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy nam cần 6 đến 8 năm, nữ cần 15 đến 20 năm mới hoàn thành chính sách nghỉ hưu. Thời gian như vậy quá lâu. Đồng thời, thời điểm hoàn thành chính sách cách quá xa giữa nam và nữ (nếu như bắt đầu thực hiện từ năm 2021 thì nữ đến 2041, trong khi nam đến 2029 đã hoàn thành). Do đó, “đề nghị nghiên cứu rút ngắn lộ trình thực hiện và tính đến yếu tố thu hẹp khoảng cách giới trong việc thực hiện lộ trình đó”.

nguoi-lao-dong-1.jpg
Cần đánh giá tác động chính sách này đối với các nhóm đối tượng đặc thù, đồng thời có chính sách chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng này trong trường hợp họ tiếp tục lao động
 

Trao đổi với PV Báo PNVN mới đây về đánh giá tác động giới với phương án nâng tuổi hưu của nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60, bà Dương Thị Thanh Mai, Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động, cho biết: Phương án này giảm khoảng cách giới về tuổi hưu giữa nam và nữ. Tăng cơ hội, điều kiện, năng lực và thụ hưởng lợi ích của lao động nam, nữ từ việc làm, do kéo dài tuổi lao động, bao gồm cả đào tạo, thăng tiến nghề nghiệp, lương và thu nhập…

Trong đó, phương án này tác động nhiều hơn đối với lao động nữ do điều chỉnh tăng tuổi hưu nhiều hơn (5 năm so với lao động nam chỉ tăng 2 năm); đồng thời phương án này cũng góp phần làm giảm mất cân đối thu-chi của Quỹ BHXH.

Tuy nhiên, theo bà Thanh Mai, hạn chế của phương án này là chưa xóa được khoảng cách giới trong tuổi hưu. Đồng thời có nguy cơ làm phát sinh các bất bình đẳng mới ngay trong một giới (nam hoặc nữ) do điều kiện, năng lực, trình độ của người lao động ở các vị trí, tính chất công việc, ngành nghề khác nhau không phù hợp với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, dẫn đến khoảng cách về việc làm, thu nhập giữa các nhóm khác nhau.

Bà Mai khuyến cáo: Khung pháp luật nên linh hoạt; người muốn tiếp tục cống hiến thì để họ có quyền lựa chọn tuổi nghỉ hưu trong khung quy định phù hợp với điều kiện sức khỏe, kinh tế, hoàn cảnh gia đình hay nguyện vọng. Ví dụ một phụ nữ sức khỏe không đảm bảo có thể tự chọn nghỉ hưu từ 50 tuổi; hoặc nghỉ ở tuổi 60 nếu họ vẫn đáp ứng được và mong muốn tiếp tục cống hiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm