Đẩy những chiếc xe cao ngất ngưởng nặng tới 3-4 tạ đến nơi tập kết giữa đợt cao điểm nắng nóng, chị Phạm Thị Bảy (SN1965), công nhân Hợp tác xã Thành Công, Hà Nội, cho hay, chị đã làm công nhân vệ sinh môi trường được 15 năm.
Cũng chừng ấy năm chị thuê nhà ở Hà Nội để sinh sống. Tổng lương tháng của chị được vỏn vẹn hơn bốn triệu đồng, vậy mà chị đã nuôi cả hai con học đại học. Chị làm ca sáng từ 3h30 đến 14h chiều mới về đến nhà. Hôm nào làm ca chiều thì chị đi từ 16h đến 2h sáng hôm sau, vất vả cực nhọc và trái giờ trái giấc.
Ngày trước khi còn đủ sức khỏe, sáng ra chị vẫn đi lau nhà thuê, đêm đến đi quét rác, nhưng được một thời gian, chị đau lưng quá nên đành bỏ, chỉ chuyên tâm vào nghề vệ sinh môi trường của mình. Trong lúc gom rác, có những lúc lượm lặt được như đồ sắt vụn, đồ cũ hỏng chị mang về bán đồng nát. Cũng nhờ vào những món đồ thiên hạ vứt đi đó mà chị có thêm thu nhập.
Chị bảo, mùa nào cũng có vất vả của nó. Mùa hè đi làm nắng nôi, vất vả, mồ hôi ướt đẫm áo, chỉ được mát một chút vào buổi tối nhưng mùi rác ngày nóng lại nồng rất khó chịu. Vào những ngày đông, đêm hôm lạnh giá, vắng vẻ, mưa phùn, nên dễ bị ốm hơn, ấy vậy mà chị vẫn cót két đẩy xe đi trong cái vắng, cái sợ… rồi cũng thành quen.
Suốt những năm làm nghề, chị Bảy đã bị đau xương, đêm ngủ hai tay tê buốt do hàng ngày phải đẩy hàng chục chuyến xe rác nặng ba bốn tạ đi hàng ki lô mét đến điểm tập kết
Làm suốt 15 năm qua, cũng là 15 năm chị không biết đến đêm Giao thừa. Càng những ngày lễ, ngày tết thì công nhân quét rác càng cơ cực bởi người dân khắp nơi đổ về thành phố chơi, rác xả ngập đường. Mưa lại hay về đêm, thế là nào giấy, nào nilon cứ dính chặt xuống mặt đường. Cầm cái chổi nặng trịch, những người công nhân nhỏ bé như chị cứ oằn lưng mà nhặt từng cọng rác.
Đó là chưa kể nguồn lây nhiễm bệnh như bơm kim tiêm, bông gạc do con nghiện để lại mà chỉ một chút sơ sẩy là nhiễm bệnh thế kỷ như chơi. Ngày nắng có cái khổ của ngày nắng, ngày mưa có cái nhọc của ngày mưa, các chị vẫn nói vui với nhau: Làm nghề này cái gì cũng dở dang: cơm ăn nửa bữa, ngủ với chồng con nửa giấc.
Điều duy nhất an ủi chị chính là con cái không bao giờ coi thường nghề của mẹ. “Con cái chưa bao giờ nghĩ miệt thị nghề của mẹ nó cả, chỉ có người ngoài khinh thường nghề của mình. Cũng không hiếm người vô cớ chửi “con quét rác” nhưng rồi mình cũng chỉ nhỏ nhẹ với người ta, không có người làm vệ sinh thì làm sao đường phố sạch được. Nhưng nghĩ cũng tủi lắm chứ”. Chị bảo, mỗi người sinh ra có một hoàn cảnh, mỗi người một nghề, nếu ai cũng so bì thì nghề này ai làm?
Ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội – Urenco: Phụ nữ làm môi trường vất vả hơn những nghề khác
Hiện tại, công ty có khoảng 4700 lao động trong đó 75 – 80% là nữ. Cả thành phố Hà Nội có khoảng 11.000 lao động trong ngành môi trường. Có nhiều chính sách đãi ngộ cho công nhân và mọi người đều hưởng như nhau như BHYT, BHXH, khám sức khỏe hàng năm, riêng phụ nữ thì được khám phụ khoa, có các chăm sóc riêng cho chị em ngày 8/3, 20/10… có các hoạt động cho các con cháu của cán bộ công nhân đạt học sinh khá giỏi đều có phần thưởng, tổ chức các hoạt động 1/6, trung thu.
Ông cũng cho biết thêm, công nhân làm theo lương sản phẩm, chế độ độc hại đã có trong lương và các phụ cấp của công nhân. Tuy nhiên, phụ nữ làm môi trường vất vả hơn những nghề khác. Cuộc sống gia đình cũng phải theo công việc, bữa cơm tối thay bằng bữa trưa, giấc ngủ đêm thay bằng ngày. Phụ nữ làm nghề này vất vả hơn nhiều, người ta đi chơi thì mình làm, càng dịp lễ càng bận hơn. Ai phải yêu lắm mới gắn bó được.
Bác sĩ Lương Vĩnh Linh - Bệnh viện Giao Thông Vận tải: Rác thải là tác nhân xấu đến sức khỏe và sắc đẹp của chị em
Với góc độ y học thì khói xe, bụi đường, rác thải là những tác nhân xấu đến sức khỏe và sắc đẹp của mọi người cũng như chị em nói riêng vì chúng có thể gây nhiễm khuẩn, nấm, virus hoặc mầm bệnh khác thông qua tai, mũi, họng, mắt hoặc các xây xát vết thương hở dù nhỏ trên da người.
Bác sĩ Lương Vĩnh Linh - Bệnh viện Giao Thông Vận tảiNhững ảnh hưởng này sẽ gây nên các bệnh như viêm tai, mũi họng, mắt nhiễm khuẩn da… Ngoài ra đối với nắng xích đạo nhiệt đới như ở Việt Nam ta còn đặc biệt nguy hại hơn với làn da chị em có thể gây xạm da, mụn cóc ruồi thâm… thậm chí gây ung thư da gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.