pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ quyền Thị trưởng ở Ukraine: “Tôi không thể bỏ mặc người dân”
Bà Svitlana Mandrych (trái) phát hàng viện trợ cho người dân
Giữ mạch sống trong lòng thành phố
Giống như phần còn lại của Orikhiv, những bức tường đổ nát của tòa thị chính trông như thể sắp sụp đổ. Tầng thứ hai của nó đã bị thổi bay; các cửa sổ và cửa ra vào đều bị vỡ hoặc hư hỏng nặng. Tòa nhà bị trúng đạn pháo khiến bà Mandrych buộc phải chuyển văn phòng của mình xuống một căn hầm bê tông lạnh lẽo dưới lòng đất, được thắp sáng bằng một bóng đèn duy nhất.
Người dân chen chúc chật cứng lối đi xuống văn phòng boong-ke của bà Mandrych, cầu xin bà giúp đỡ: Ván để che cửa sổ bị đánh bom, tiền để sửa mái nhà, củi để sưởi ấm nhà, nước để nấu thức ăn.
Orikhiv đang rơi vào khốn khó. Mandrych là một trong những người còn lại có thể cố gắng giữ cho thành phố, từng là nơi sinh sống của 20.000 người, không bị sụp đổ. Từng là giáo viên mẫu giáo trở thành Phó Thị trưởng, bà Mandrych nắm quyền lãnh đạo thành phố khi Thị trưởng chuyển đến thành phố Zaporizhzhia vài tháng trước cùng với phần lớn Hội đồng thành phố. Với sự giúp đỡ của hai thành viên Hội đồng còn lại và sự đồng hành của chú chó Bullet, bà Mandrych dành cả ngày để thực hiện các cuộc gọi dưới lòng đất. "Mọi người đều phải chịu đựng nỗi sợ hãi khác nhau. Tôi không thể bỏ mặc người dân Orikhiv được", bà nói.
Bà Mandrych là hiện thân của nỗ lực trường kỳ đang diễn ra ở các thị trấn và thành phố trên khắp Ukraine, khi những người dân thường làm việc trong những điều kiện khó khăn do chiến tranh. Orikhiv sắp trở thành nơi không thể sinh sống đối với 2.000 cư dân còn lại. Bà Mandrych cho biết hầu như tất cả 56 khu chung cư của thị trấn đều bị hư hại hoặc phá hủy, 70% ngôi nhà bị phá hủy. Hằng ngày, đường phố vắng hoe; cư dân dành phần lớn thời gian dưới lòng đất hoặc gần boong-ke. Họ chỉ chui lên mặt đất để tìm kiếm viện trợ nhân đạo vào buổi sáng, trước 11 giờ khi các cuộc pháo kích thường lắng xuống.
Thành phố Orikhiv giờ không có điện, nước, không còn bệnh viện hay xe cứu thương. Người dân phải nhờ lực lượng quân đội để đưa họ đến bệnh viện dã chiến khi bị bệnh hay bị thương do xung đột. Bà Mandrych và nhóm nhỏ của bà đã cố gắng cung cấp 600 lò sưởi đốt bằng củi cho người dân và đã đặt hàng thêm 350 thiết bị nữa. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thiếu so với gần 1.300 thiết bị mà họ ước tính là cần thiết để sưởi ấm cho tất cả các hộ gia đình còn lại. Bà lo lắng người dân sẽ bị bỏ rơi, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa. "Tôi sợ quên mất họ. Với mùa đông lạnh giá sắp tới, nhiều người có thể sẽ chết", bà chia sẻ.
Sống với hy vọng
Vào một buổi sáng, bà Mandrych phải xử lý rất nhiều việc cùng một lúc: Một người phụ nữ đến gặp bà với danh sách những người dân xin thực phẩm. Một người khác đưa cho bà danh sách địa chỉ những người cần chăn đắp. Một người đàn ông vừa phì phèo thuốc lá, vừa hỏi bà làm cách nào để chuyển tiền trợ cấp cho cư dân. Có quá ít người còn lại để phục vụ thành phố nên bà Mandrych đã phải nghĩ ra các giải pháp. Một người bảo vệ tòa thị chính giờ là thư ký. Một tài xế làm việc tại thành phố giao hàng viện trợ nhân đạo. Chiếc xe thuộc sở hữu của văn phòng Thị trưởng đã bị đánh bom nên người lái xe phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình. Cuộc sống hàng ngày đổ dồn lên vai bà Mandrych. Bà chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi đêm. "Thật may là mẹ đã dạy tôi phải biết mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ nghỉ ngơi sau khi giành chiến thắng", bà nói.
Được nuôi dưỡng bởi một góa phụ, bà Mandrych đã dành cả cuộc đời ở Orikhiv, học tại ngôi trường giờ đã bị phá hủy của thành phố và làm việc cho Chính phủ từ năm 17 tuổi.
Một người đàn ông đang xếp hàng chờ đợi trong boong-ke của tòa thị chính để báo cáo thiệt hại về nhà của mình là ông Oleksii Belik (67 tuổi), một kỹ sư đã nghỉ hưu. Ông đã một mình trở về Orikhiv sau khi sơ tán cùng vợ trước đó. Ông Belik cho biết ông quay lại để bảo vệ đồ đạc của mình. Ông không có hầm tránh bom thích hợp vì trần tầng hầm của ông chỉ dày gần 3 cm. Ông đã mang một chiếc ghế dài xuống đó để ngủ nhưng nó nổi mốc sau 2 ngày. Vì vậy, ông ở trên lầu, nơi một nửa cửa sổ bị phá tung và thiết bị sưởi do thành phố cung cấp chỉ sưởi ấm một căn phòng. Không có điện để xem tin tức nhưng ông Belik cho biết đôi khi ông cố gắng nghe đài. Ông nói rằng đã nghe về sự giải phóng của thành phố Kherson nên ông hy vọng cho khu vực của mình. "Chúng tôi chỉ có thể sống với hy vọng", ông tâm sự.
Xếp hàng trước ông Belik là cô Eleonora Syzonenko (44 tuổi), người muốn được giúp sửa cửa sổ, cửa ra vào và mái nhà của mình. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ và cô Syzonenko tỏ ra thất vọng với quy trình làm việc hỗn loạn tại tòa thị chính. Vì thế, giống như nhiều người khác, cô tìm đến quyền Thị trưởng Mandrych. Cô nói với Mandrych: "Chúng tôi không có đại diện từ khu phố của mình, chúng tôi không nhận được thông tin về hàng viện trợ và thời điểm hàng sẽ được chuyển đến. Hiện giờ, tôi muốn đi lấy thêm nước nhưng khu phố của tôi không có người chịu trách nhiệm nên tôi không biết phải làm sao".
"Thật đơn giản mà! Chỉ cần lập danh sách những người và tới điểm đi lấy nước", bà Mandrych trả lời, giải thích quy trình.
Cô Syzonenko cảm ơn bà Mandrych. Trên đường ra về, cô nói với một phóng viên: "Những người này rất tốt. Họ giúp chúng tôi mọi thứ. Có quá nhiều người ở đây cùng một lúc". Khi cô Syzonenko quay lại xếp hàng với yêu cầu khác của mình, đám đông đã thưa dần. Cư dân đang trở về nhà khi sắp đến 11h, thời điểm thường bắt đầu pháo kích. Quyền Thị trưởng Mandrych lắng nghe những âm thanh trên bầu trời, hy vọng thành phố của bà sẽ có một buổi chiều bình yên.