pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ sinh Đà Nẵng chia sẻ kế hoạch tốt nghiệp Đại học sớm chỉ trong 3,5 năm
Tôn Nữ Phiên Trân, 22 tuổi, sinh sống tại Đà Nẵng, hiện đang là sinh viên năm 4 chuyên ngành Quản trị Marketing tại Đại học Duy Tân. Nữ sinh đã hoàn thành chương trình Đại học trong 3,5 năm thay vì 4 năm học như các bạn. Dự kiến tháng 12, Phiên Trân sẽ nhận tấm bằng cử nhân.
Nữ sinh chia sẻ, việc tốt nghiệp sớm không đồng nghĩa với tốn ít học phí hơn. Vì học phí đã được tính theo số tín chỉ mà trước đó sinh viên đăng ký. Tuy nhiên, tốt nghiệp sớm sẽ giúp sinh viên tiết kiệm chi phí sinh hoạt, tăng thu nhập vì có công việc toàn thời gian ổn định.
Ngoài ra, bạn còn có một lợi thế lớn là ít cạnh tranh trong công việc. Bởi thời điểm tốt nghiệp sớm thường vào tháng 12 - giai đoạn cao điểm tuyển dụng. Trong thời gian này, đa số sinh viên chưa tốt nghiệp nên bạn sẽ có nhiều lựa chọn khi tìm kiếm việc làm. Và việc đi làm sớm còn giúp bạn trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và mở rộng mối quan hệ.
Dưới đây là chia sẻ về kế hoạch tốt nghiệp Đại học sớm chỉ trong 3,5 năm.
MÌNH ĐÃ LÊN KẾ HOẠCH NHƯ THẾ NÀO?
Bước 1: Xác định mục đích
Ở đây, rõ ràng mục đích của chúng ta là tốt nghiệp sớm. Thông thường, chúng ta có thể rút số năm học xuống còn 3 - 3,5 năm (tùy chương trình học của từng trường). Với trường mình là 3,5 năm - mức tối đa có thể rút ngắn.
Bước 2: Nghiên cứu luật học và đăng ký của trường
Bạn cần tìm hiểu rõ các vấn đề như: Đăng ký chương trình học theo khóa hay đăng ký toàn trường; cổng thông tin đăng ký sẽ mở bất chợt hay mở theo thời gian đã thông báo; bạn phải đăng ký tối thiểu và tối đa bao nhiêu tín?...
Để nắm vững thông tin, bạn có thể tham khảo từ website, anh chị khóa trước hoặc trao đổi trực tiếp với giảng viên để được hỗ trợ. Hãy đảm bảo bản thân nắm vững vấn đề này vì nếu bạn đăng ký sai thì khả năng cao sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Bước 3: Nghiên cứu môn học
Bạn hãy tự đặt ra cho mình một số câu hỏi như:
- Môn học nào bắt buộc? Môn học nào được tự chọn?
- Môn nào nhà trường sẽ đăng ký cho và môn nào bạn cần tự đăng ký (tùy trường)?
- Môn A cần môn tiên quyết hay song song nào không?
- Môn B có lớp vào kỳ nào? (một số trường chỉ mở lớp cho một môn vào một kỳ nhất định, đặc biệt là trường mình)
...
Bước 4: Lên kế hoạch đăng ký cho từng kỳ
Một lời khuyên mà mình muốn dành cho các bạn là những môn tự chọn như Triết học thì khóa nào, ngành nào cũng phải học nên tốc độ cạnh tranh sẽ rất cao. Nếu trường bạn cho đăng ký toàn trường cùng lúc thì hãy tranh thủ đăng ký sớm. Còn nếu ưu tiên năm cuối trước thì có thể chờ đến năm 3 - 4 cho bớt sự cạnh tranh.
Và điều cuối cùng là cần một chút may mắn và sự kiên trì. Đôi khi chúng mình không chọn được lớp bản thân mong muốn mà cần phải chờ người khác hủy lớp mới có thể đăng ký được. Một điều quan trọng không kém trong kế hoạch tốt nghiệp Đại học sớm là đừng để thi trượt, học lại môn nào.
MỘT SỐ LƯU Ý VỀ VIỆC RÚT NGẮN THỜI GIAN HỌC
Đầu tiên, mình đã học thêm 2 kỳ trong đợt hè và học tối đa số tín chỉ trường cho phép mỗi kỳ (19 tín chỉ với kỳ thường và 10 tín chỉ cho kỳ hè). Ngoài ra, mình còn xin đi thực tập tại 2 công ty cùng một lúc nên đôi lúc cảm thấy khá mệt mỏi, căng thẳng. Có những lúc gặp khó khăn trong công việc và học tập tưởng chừng khiến mình bỏ cuộc nhưng cuối cùng, mình vẫn nỗ lực vượt qua.
Sau này, khi nhìn lại những thách thức, mình nhận ra rằng: "Ồ, hóa ra nó không quá khủng khiếp, to tát như những gì mình nghĩ. Chỉ cần bản thân bình tĩnh tìm cách giải quyết thì mọi chuyện sẽ ổn thôi". Áp lực, thách thức đã rèn luyện cho mình ý chí, nghị lực rất nhiều.
Một điều nhỏ mà các bạn cần lưu ý khi đi thực tập hay đi làm sớm là cần cố gắng học tốt ngoại ngữ để mở ra cơ hội phát triển bản thân, giảm mức độ cạnh tranh. Ngoài ra, bạn cần tạo dựng mối quan hệ để có thể kết nối với những người trong cộng đồng nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp. Những người đi trước sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên hữu ích. Và cuối cùng là bạn nên hạn chế chia sẻ thông tin tiêu cực trên mạng xã hội bởi nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thái độ, cách ứng xử của bạn qua đó.
Thứ hai, mình nghĩ học nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng. Mình cố gắng rút ngắn thời gian học tập nhưng vẫn đảm bảo điểm trung bình trên 3.6 (loại xuất sắc). Không nên "cố đấm ăn xôi" học cho nhanh khiến chất lượng và điểm số sụt giảm. Mình cho rằng, chúng ta đi học để trau dồi kiến thức và mở rộng tư duy chứ không ganh đua ai ra trường sớm hơn hay chỉ để lấy bằng tốt nghiệp.
Thứ ba, để học tập hiệu quả, mình luôn ngồi bàn đầu để tập trung nghe giảng và cố gắng nắm vững bài ngay tại lớp. Như vậy, khi về nhà mình sẽ không phải ôn bài, có thời gian khám phá kiến thức mới. Vào những ngày cuối trước khi đi thi, mình sẽ dốc sức học tập để đạt điểm số cao. Ngoài ra, mình còn có một nhóm bạn cùng nhau học tập. Chúng mình có chung mục tiêu về điểm số, có thái độ học tốt và luôn động viên nhau tiến bộ. Để học tập hiệu quả, mình cũng luôn chú trọng áp dụng kiến thức vào thực tế, tránh lối học vẹt.