pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ sinh Hà Nội bất ngờ bứt phá, chinh phục 5 học bổng Thạc sĩ toàn phần
Trần Thị Ngân
Trần Thị Ngân (sinh năm 1999) tốt nghiệp Xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương năm 2022, lĩnh vực Marketing ngành Xuất nhập khẩu Nông sản, thực phẩm. Ngân xuất sắc giành được 5 học bổng toàn phần ngay cả khi chưa có bằng từ trường đại học.
Nữ sinh nhận được 5 học bổng du học toàn phần bậc Thạc sĩ tại châu Âu gồm:
- Học bổng Erasmus Mundus của Uỷ Ban Liên minh Châu tại Đức, Thuỵ Điển, Bỉ và Ý
- Học bổng Wageningen University (#1 in Agriculture on QS Rankings) tại Hà Lan
- Học bổng Eiffel Excellence của Chính phủ Pháp
- Học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
- Học bổng International Excellence của Đại học Padova, Ý
Những học bổng này đều không yêu cầu upload bằng đại học, và cho phép bạn bổ sung bằng khi nhập học. Miễn là trước khi đi học bạn có bằng.
Các loại học bổng trên đều hỗ trợ rất hào phóng về cả học phí, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm và đôi khi cả vé máy bay. Trong đó, hai học bổng từ đại học Wageningen tại Hà Lan tài trợ đến 62.500 Euro và Erasmus Mundus từ Ủy ban Liên minh Châu Âu là 49.000 euros, tương đương khoảng 1,2 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng.
Theo Ngân, khoản tài trợ này khá dư giả để các bạn có thể đi du lịch và tập trung vào việc học tập, nghiên cứu mà không cần phải đi làm thêm. Bên cạnh việc chi trả tiền mặt hào phóng, học bổng lớn như Erasmus Mundus còn hỗ trợ sinh viên thêm các chi phí về visa, các lớp ngôn ngữ, mua sẵn bảo hiểm và đóng học phí và tất cả các loại phí hành chính.
Cô sinh viên có thành tích "bình thường" và 6 tháng thay đổi cuộc đời
Vào những năm đầu sinh viên, các thành tích của Ngân chỉ ở mức bình thường chứ không thật sự nổi bật. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi Ngân có cơ hội nhận học bổng trao đổi Erasmus tại Bỉ - trái tim của châu Âu từ năm 2020. Cơ hội tình cờ này đã khiến cho Ngân thấy rằng việc xin được học bổng cũng không phải là một điều gì quá khó khăn và tự tin hơn vào bản thân mình.
Trong suốt 6 tháng, cô đã đi được 7 quốc gia châu Âu, và càng đi thì lại càng mong muốn có được nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu và gắn bó với khu vực này. Bởi vì vậy kể từ tháng 8 năm 2020 khi trở về Việt Nam để hoàn thành nốt việc học tại ĐH Ngoại thương, Ngân đã bắt đầu lên kế hoạch để xây dựng củng cố hồ sơ từ đầu.
Thời điểm đó, bộ hồ sơ của Ngân bắt đầu từ con số "không": Không IELTS, không nghiên cứu khoa học, không hoạt động ngoại khóa nổi bật. Chỉ sau 1 năm đó đến 2021, Ngân liên tục tập trung thời gian của mình để có 1 loạt bài công bố khoa học, thi chứng chỉ ngoại ngữ và tham gia các hoạt động quốc tế. Và đúng đến cuối năm 2021, cô đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ để nộp các hội đồng học bổng khi còn chưa tốt nghiệp.
Không phải GPA và chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận và hồ sơ phù hợp mới là điều then chốt
Ngân chia sẻ, GPA và chứng chỉ ngoại ngữ không phải là hai yếu tố giúp cô được chọn, bởi vì bản chất toàn bộ 5 học bổng đó đều là dạng học bổng tài năng (merit-based). Điều này có nghĩa là hai yếu tố đó chỉ là tiên quyết để cho phép các bạn được tham gia vào vòng chọn học bổng. Thêm nữa, khi các thí sinh khác cũng đều có GPA cao, vậy thì GPA sẽ không còn là điểm cạnh tranh nữa.
Nếu như GPA thấp, bạn hoàn toàn có thể chứng minh về khả năng học của mình qua các loại chứng chỉ như GMAT, nghiên cứu khoa học hoặc chỉ đơn giản là điểm thành phần của các môn học cao. Nên bạn nào có lỡ lơ là GPA thì vẫn kịp để có một cơ hội với bài thi GMAT (nếu học bên Business), đây sẽ là 1 điểm cực mạnh vì đôi khi các trường quốc tế tin tưởng những bài thi này hơn cả GPA của bạn.
Bên cạnh đó, việc lấy điểm số IELTS để đo độ mạnh của hồ sơ là hoàn toàn sai lầm. Nếu như chương trình chỉ yêu cầu admission với 6.5, có nghĩa là với điểm 8.0 IELTS của bạn nó cũng hoàn toàn vô nghĩa.
"Em nghĩ điều khiến em nổi bật nằm ở bài luận và hồ sơ phù hợp với mục tiêu học bổng và chương trình học. Theo em thấy, hội đồng học bổng sẽ không chọn người giỏi nhất mà sẽ chọn người phù hợp dựa trên các yếu tố về học thuật, về công việc và trải nghiệm của thí sinh cũng như định hướng nghề nghiệp sau này. Bởi vậy, bài luận và hồ sơ (CV) của em đều thể hiện sự chuẩn bị của em cho chương trình học và định hướng phù hợp sau khi tốt nghiệp rất rõ ràng.
Thêm nữa, em thường dành nhiều thời gian để phân tích xem mục tiêu của quỹ học bổng đó thực tế là gì và tập trung gắn nó với những mục tiêu cá nhân, làm sao để mối quan hệ giữa mình và người cho học bổng là "win-win". Một câu hỏi mà em nghĩ các quỹ học bổng của EU cũng quan tâm là khả năng thích nghi của thí sinh với môi trường đa văn hóa. Điểm mạnh của em là em đã chứng minh khả năng ấy qua 6 tháng học trao đổi với học bổng Erasmus tại Bỉ - một đất nước nói 4 thứ tiếng".
Ý tưởng bài luận thường sẽ chiếm đến 40% việc ứng viên có được chọn hay không. Bởi vậy, Ngân đi làm tại một doanh nghiệp để tìm cho mình những trải nghiệm và góc nhìn thực tế - nơi đảm bảo ba yếu tố: Phát triển hợp tác quốc tế, thế mạnh quốc gia và đóng góp vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Làm việc trong ngành Nông sản - Thực phẩm, Ngân chọn để viết về những hạn chế trong chuỗi cung ứng nông sản quốc tế của Việt Nam từ chính những trải nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó Ngân cũng thể hiện được những ý tưởng cũng như động lực của mình để đóng góp vào sự phát triển và nâng cao chuỗi giá trị ngành này trong tương lai.
Đối với vòng phỏng vấn, điều quan trọng nhất theo Ngân là thể hiện được đúng những điểm mà hội đồng học bổng muốn thấy ở ứng viên, như khả năng giao tiếp và tranh biện, khả năng thích nghi,...
Ngay khi có ý tưởng du học, nên xác định luôn mục tiêu dài hạn
Ngân cho biết, với những bạn có ý định đi du học, nên xác định luôn mục tiêu dài hạn trong vài năm xem sẽ làm gì để củng cố và xây dựng hồ sơ. Bởi vì bài luận có thể viết trong một vài tuần, hồ sơ có thể chuẩn bị một vài tháng nhưng những yếu tố xuất hiện trong hồ sơ của bạn phải là một hành trình tích lũy của nhiều năm. Việc định hướng sớm cũng giúp các bạn có nhiều thời gian để tìm hiểu hơn và chuẩn bị nó tốt nhất để: Một phát ăn ngay.
Các bạn sẽ phải tự tìm kiếm và lên kế hoạch chuẩn bị, đến khi đã hoàn thiện rồi thì bước cuối cũng nên có "mentor" để hỗ trợ đọc và nhận xét cho các bạn toàn bộ hồ sơ. Đến bước này rồi thì các bạn cũng có thể tìm đến các công ty du học, hoặc có thể tham gia nhóm "Scholarship Hunters" để kết nối với các cựu sinh viên khác và xin ý kiến.
"Nếu bạn muốn đi châu Âu, hãy học thêm một ngoại ngữ nữa ở quốc gia đó, đây sẽ là điểm cộng trong hồ sơ. Và nếu bạn muốn đi châu Âu, hãy lựa chọn những hoạt động của các tổ chức đến từ châu Âu và tham gia để thể hiện sự quan tâm của mình, ví dụ như GIZ hoặc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, hoặc có thể đi học trao đổi ở châu Âu như mình chẳng hạn", cựu sinh viên ĐH Ngoại thương chia sẻ thêm.
Theo Ngân, các bạn thường có xu hướng sợ các học bổng danh giá vì cạnh tranh cao, cô cũng vậy. Nhưng sau cùng Ngân nhận ra, hội đồng sẽ chọn những người phù hợp chứ không phải là người giỏi nhất. Việc điểm số bạn có cao nhất trong những người cùng nộp cũng không có nhiều sức nặng nếu như họ không nhìn thấy ở bạn một sự chuẩn bị cho ngành học.
"Như vậy, hãy chọn cho mình những học bổng phù hợp. Nhìn vào ngành học, bạn có thể thấy kiến thức ở bậc đại học, công việc, hay hoạt động trước đó có thể ứng dụng được tiếp hay không? Đấy chính là sự phù hợp. Nếu bạn thực sự thấy ngành đó mới mẻ với bản thân, thì hãy làm cho profile mình phù hợp bằng cách tham gia nhiều hoạt động liên quan, học bổ trợ với các khoá trên Coursera chẳng hạn.
Tóm lại, hành trình săn học bổng của mình sẽ là: 1 - Hãy biết tìm kiếm thông tin, lục tung hết các ngóc ngách lên để hiểu về nó. 2 - Xác định xem học bổng đó, họ thực sự cần một ứng viên thế nào? 3 - Và, biến mình thành một người phù hợp. Hành trình này nói khó cũng khó vì rất dễ nản lòng, nhưng đi học mà không cần phải quan tâm vấn đề tài chính thì cũng rất xứng đáng", cô nói.
Ngân đã quyết định sẽ theo học chuyên ngành Nghiên cứu tiêu dùng và thị trường của chương trình AFEPA với học bổng Erasmus Mundus tại Đức trong tháng 9 này. Tại Đức thì cô sẽ học trường Đại học Bonn ở thành phố Bonn - cố đô của nước Đức. Đến năm hai Ngân sẽ phải lựa chọn một quốc gia thứ 2 để di chuyển, nữ sinh vẫn đang cân nhắc giữa Thụy Điển, Bỉ và Ý.