pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ sinh Hà Nội trở thành Quán quân học bổng nhờ bài luận về cái tên đặc biệt
Lê Bảo Ngọc Minh, SN 2004, sinh sống tại Hà Nội. Em từng là học sinh lớp chuyên Anh trường THPT chuyên Sư phạm. Em nhận học bổng trị giá 75%, tương đương hơn 400 triệu cho 3 năm học Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) và cũng là Quán quân học bổng của trường cấp 3 nơi em theo học.
Ngọc Minh đạt nhiều thành tích cao trong học tập như: Giải Ba kỳ thi HSG do trường THPT Chuyên Sư phạm tổ chức, tương đương với cấp thành phố; IELTS 8.0; GPA năm lớp 12 đạt 9.8. Bên cạnh đó, nữ sinh còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, mang đến lợi ích cho cộng đồng.
Bài luận về hành trình lớn lên của một viên ngọc
Đối với những học sinh có ý định đi du học hay "apply" vào những trường đại học quốc tế trong nước thì ngay từ khi mới vào lớp 10, các em đã chuẩn bị hồ sơ. Một bộ hồ sơ khá nhiều phần như: Thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ ngoại ngữ, bài viết luận, thư giới thiệu… Vì thế, nếu không có sự chuẩn bị từ sớm sẽ rất khó "săn" học bổng.
Tuy nhiên, do Ngọc Minh còn đắn đo không biết nên học đại học trong trong nước hay ra nước ngoài nên mãi đến năm lớp 12, em mới bắt đầu làm hồ sơ "apply" học bổng.
Ngọc Minh chia sẻ: "Em nhận thấy mình tiến bộ hơn hồi học cấp 2 nhưng còn vẫn còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Nếu lựa chọn đi du học, em sẽ gặp áp lực, không thể phát triển được bản thân. Bên cạnh đó, khả năng tài chính của gia đình em cũng không tốt nên em quyết định học trong nước. Đây là lựa chọn an toàn để em có thời gian bổ sung những điều còn thiếu sót".
Trước khi "apply" vào BUV, nữ sinh từng thử sức với Đại học Fulbright. Đó là trải nghiệm giúp em rút ra nhiều bài học quý giá, tăng cơ hội nhận được gói học bổng giá trị cao hơn. Với Ngọc Minh, thử thách lớn nhất của bộ hồ sơ học bổng BUV là viết 1 bài luận dài 1.000 chữ, không có đề bài cụ thể và 6 bài luận phụ trả lời câu hỏi cho sẵn. Ở bài luận 1.000 chữ, nữ sinh đã kể về quá trình lớn lên của một viên ngọc. Đây cũng là sự ẩn dụ về quá trình tìm kiếm bản thân và lột xác của chính bản thân em.
Nữ sinh mang một cái tên đặc biệt là Bảo Ngọc Minh, nghĩa là viên ngọc sáng quý. Nhưng em tự nhận từ đầu, bản thân em không phải là một viên ngọc quý giá theo cách mà mọi người vẫn gọi. Trong suốt những năm tháng học cấp 2, Ngọc Minh là cô bé lầm lì, nhút nhát, thiếu kỹ năng giao tiếp và nhạt nhoà so với bạn bè đồng trang lứa. Lúc đấy, em chỉ là một hạt cát bé nhỏ, lạc lối trong đại dương bao la. Nhưng bằng nỗ lực, em đã đỗ vào cấp 3 chuyên Sư phạm, đồng nghĩa với việc hạt cát bé nhỏ đó tìm được một chiếc vỏ sò - ngôi nhà an toàn của nó.
Cựu nữ sinh trường THPT Chuyên Sư phạm hào hứng tâm sự: "Lên cấp 3, em bắt đầu xây dựng thói quen tập thể dục hàng ngày. Đồng thời, em không ngừng ôn luyện tiếng Anh để thi vào đội tuyển và lấy chứng chỉ IELTS. Em cũng dần thử thách bản thân với các hoạt động khác nhau, với các vị trí lãnh đạo để thử sức bản thân. Những nỗ lực, những thử thách ấy như lớp xà cừ bao bọc lấy viên ngọc, khiến nó lớn lên và càng cứng cáp, phát sáng diệu kỳ.
Giờ đây, em đã sẵn sàng thoát ra ngoài vỏ sò để tiếp tục khám phá đại dương lớn. Và viên ngọc biết rằng, nó tuy không tròn trịa hoàn hảo nhưng tỏa ra ánh hào quang của riêng mình. Trong quá trình lột xác, em nhận ra hoàn hảo không phải là điều sẵn có. Việc nắm được điểm yếu, điểm mạnh của bản thân để có phương án khắc phục mới là điều quý giá".
Không chỉ có bài viết luận độc đáo, sáng tạo và logic, Bảo Minh còn có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, trôi chảy. Em đạt được IELTS 8.0. Nhờ đó giúp em có thể trả lời các câu hỏi của ban tuyển sinh trong buổi phỏng vấn nhận học bổng một cách tốt nhất. Em đã gắng nói to, rõ ràng, mạch lạc, nhìn vào người phỏng vấn để thể hiện sự tự tin, chuyên nghiệp của mình.
Để học tốt tiếng Anh như vậy, Ngọc Minh có cho mình những mẹo học tập đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao. Phương pháp đầu tiên em áp dụng là dùng flashcards (thẻ ghi nhớ từ) để học từ vựng một nhanh chóng và có thể học mọi lúc mọi nơi. Phương pháp thứ 2 là áp dụng mindmap (sơ đồ tư duy) để hệ thống kiến thức ngữ pháp và phát triển ý tưởng. Còn phương pháp cuối cùng em áp dụng là shadowing (nghe và lặp lại theo người bản ngữ) để luyện nói tiếng Anh trôi chảy và đúng cách phát âm.
"Ở phương pháp cuối, em tập trung nghe nhiều poscards, xem phim ảnh để bắt chước nói theo. Nói tiếng Anh chính là kỹ năng yếu nhất của em nên em thường tập nói một mình trong lúc rửa bát, quét nhà, thu đồ… Em thấy phương pháp này khá hiệu quả, giúp ngôn ngữ được hình thành và phát triển một cách tự nhiên", nữ sinh Hà Nội chia sẻ.
Là Founder một dự án về thời trang bền vững
Không chỉ học tập tốt, Ngọc Minh còn dành thời gian tham gia một số hoạt động ngoại khóa để tăng cơ hội nhận học bổng và giúp bản thân có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Em là Founder (người sáng lập) Wear n Care – một tổ chức phi lợi nhuận đầu tiên do học sinh, sinh viên thành lập và điều hành với mục đích giáo dục về thời trang bền vững.
Trong năm 2022, Ngọc Minh và 40 thành viên của Wear n Care đã thành công tổ chức cuộc thi MODERT 2022 dành cho những ý tưởng thời trang bền vững của học sinh, sinh viên toàn quốc.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập tổ chức Wear n Care, Ngọc Minh cho biết:"Ngành công nghiệp thời trang, nhất là “thời trang nhanh” là tác nhân gây ra lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, em mong mọi người hạn chế sử dụng "thời trang nhanh", chuyển sang sử dụng thời trang bền vững. Thời trang bền vững là việc sở hữu những món đồ có giá trị sử dụng lâu dài, chất liệu bền, thân thiện với môi trường. Em mong những hoạt động thiết thực của tổ chức sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực".
Bên cạnh đó, Ngọc Minh còn năng động tham gia vào hàng loạt CLB, dự án khác như: Trưởng ban PR CLB tiếng Anh của trường THPT Chuyên Sư phạm, thành viên ban Marketing của OverSee, gia sư tình nguyện môn tiếng Anh tại Làng trẻ em SOS Việt Nam…
"Em không nghĩ rằng mình có thể thực hiện được nhiều hoạt động như vậy. Trước đây, em là một cô bé hiền lành, nhút nhát, không ai nghĩ em có khả năng lãnh đạo. Tuy nhiên, em lại có một điểm tốt là làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Điều này giúp em nhận được nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Dần dần, em đã cải thiện được điểm hạn chế của mình, hòa đồng hơn với mọi người. Em đã học được cách gắn kết mọi người với nhau. Ngoài ra, em còn phát triển được nhiều kỹ năng mềm khác như: Quản lý mạng xã hội, tăng tương tác truyền thông, kỹ năng thuyết phục…", nữ sinh Hà Nội bày tỏ.
Tuy là người hướng nội nhưng Ngọc Minh vẫn luôn mong muốn được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để được lắng nghe và học hỏi những câu chuyện độc đáo của họ. Nữ sinh cũng bày tỏ sự biết ơn của mình đối với gia đình, bạn bè và những mái trường em đã từng theo học - đó là những người, những nơi đã giúp rèn luyện nên Ngọc Minh của ngày hôm nay.
Về bản thân mình, Ngọc Minh muốn sau khi tốt nghiệp đại học sẽ “apply”nhận học bổng Thạc sĩ nước ngoài, cũng như tiếp tục tìm kiếm cơ hội để thử thách bản thân và cống hiến cho cộng đồng.