pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ sinh lớp 9 quyết tâm "ngược đường", giành học bổng toàn phần
Quách Thu Hiền (sinh năm 2004), cựu học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) vừa nhận được học bổng CIS (Học bổng Học viện Khổng Tử) cho 4 năm tại trường ĐH Tây Nam (Trùng Khánh). Hiền sẽ được miễn 100% học phí và kí túc xá, trợ cấp 2500 tệ/tháng (khoảng 8,5 triệu đồng/tháng).
Việc các học sinh, sinh viên học giỏi săn được học bổng "xịn" không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, hành trình để đến với ngôi trường mơ ước của Thu Hiền vốn dĩ không hoàn toàn bằng phẳng và trải đầy "hoa hồng". "Rào cản" đầu tiên của cô đến từ chính gia đình mình, và về sau, chính gia đình cũng là điểm tựa để nữ sinh Hà Nội tự tin bắt đầu một hành trình mới.
Nói về khoảng thời gian đã trải qua, Thu Hiền chỉ tóm lại bằng hai chữ: Xứng đáng. Con đường mà Hiền dũng cảm lựa chọn 4 năm trước có 50% thành công, 50% thất bại. Nhưng cô gái bé nhỏ này đã kiên quyết đi đến cùng. Và quả thật, hiện tại, Hiền đã gặt được những quả ngọt đầu tiên.
Quyết tâm "ngược đường"
Thu Hiền đam mê phim hoạt hình Trung Quốc từ những năm cấp 1 và tình yêu với ngôn ngữ Trung cũng bắt đầu từ đó. Nhưng ở độ tuổi còn rất nhỏ, Hiền không quá quan tâm đến chuyện trau dồi ngoại ngữ hay có định hướng du học. Mãi đến tận năm lớp 9, khi thấy bạn thân giao tiếp lưu loát tiếng Trung, quyết tâm theo học ngôn ngữ này và đặt mục tiêu săn học bổng cũng nhen nhóm trong cô.
"Thế nhưng thời điểm ấy, em khá mông lung vì gần như không biết gì về học bổng Trung Quốc. Gia đình cũng không đồng ý cho em đi du học ở đất nước này vì nghĩ không có tương lai. Thay vào đó, ba mẹ định hướng cho em du học các nước châu Âu mặc dù tiếng Anh của em không tốt", Hiền chia sẻ.
Với tính cách khá "cứng đầu", trong suốt khoảng từ lớp 10 đến lớp 11, Hiền dành rất nhiều thời gian cho việc học tiếng Trung cũng như tìm hiểu về du học Trung Quốc. Nhưng "thực tế không như là mơ", giai đoạn đầu, dù Hiền tự tìm tòi đủ phương pháp học tại nhà nhưng vẫn không hiệu quả.
May mắn, sau đó nữ sinh 10x tìm được một thầy giáo người Trung nhưng sống ở Việt Nam khá lâu. Từ phát âm đến ngữ pháp Hiền được học rất kĩ. Cô nắm được kiến thức cơ bản khá vững, học lên cao cũng không phải sửa phát âm nhiều. Khi học ngữ pháp, thầy dùng rất nhiều màu sắc cũng như kí tự để đánh dấu nên rất dễ tiếp thu. Học được với thầy hết HSK4 thì dịch bùng phát, cô phải tự học cũng như tự ôn tập ở nhà:
"Khoảng thời gian ở nhà, em có sử dụng thêm app SuperChinese - một ứng dụng học từ vựng khá hiệu quả bởi hình ảnh rất sinh động, sau mỗi bài học đều có phần kiểm tra. Bên cạnh đó, em luyện nghe tiếng Trung từ các radio kể chuyện trên youtube, thời gian rảnh rỗi em thường nghe nhạc, xem phim Trung khá nhiều. Bằng cách này, em vừa được rèn luyện kĩ năng nghe cũng như hiểu thêm về Trung Quốc mà không bị gò bó về giờ giấc", cô nói.
Tới lúc gần thi tốt nghiệp THPT, Hiền mới mạnh dạn nói chuyện với gia đình về việc mình quyết tâm đi du học Trung Quốc chứ không phải một nước châu Âu nào khác. Lúc đó, hành trang của Hiền chính là điểm thi chứng chỉ HSK khá cao, lại đã apply thành công học bổng toàn phần vào một trường khá tốt. Nhận thấy con có năng lực và dám thực hiện ước mơ, bố mẹ Hiền không những không phản đối mà còn cổ vũ và động viên con cố gắng.
8 tháng chờ đợi và phút giây vỡ òa
Hiền chọn thành phố Trùng Khánh bởi có vị trí địa lý khá gần Việt Nam, việc đi lại tiện lợi. Hơn thế nữa, khí hậu ở đây cũng không khác nhiều so với khí hậu Hà Nội. Đại học Tây Nam là một ngôi trường "rank" (xếp hạng) cũng khá cao, quang cảnh khá đẹp, có cả núi và hồ. Hiền cho biết, mình đã yêu thích ngôi trường này từ những ngày đầu tìm hiểu về du học Trung Quốc.
Hiện tại, cô đang theo học ngành giáo dục Hán ngữ quốc tế - một ngành khá hot ở Trung Quốc, được tìm hiểu về văn hóa cũng như lịch sử Trung Quốc. Hiện tại cô đã nhập học online và trong thời gian sắp tới, Hiền sẽ được quay trở lại trường và tiếp tục theo học chuyên ngành của mình.
Để apply học bổng Trung Quốc, Hiền chuẩn bị khá nhiều hồ sơ như thư giới thiệu, kế hoạch học tập, giấy khám sức khoẻ, giấy xác nhận dân sự,… Với GPA không quá xuất sắc và không biết nên viết kế hoạch học tập như thế nào, Hiền nhờ sự hỗ trợ của một công ty du học. Nhờ đó, cô được hỗ trợ viết thư giới thiệu cũng như kế hoạch học tập cụ thể khiến hồ sơ trở nên "đẹp" hơn và có "sức nặng" hơn trong việc xin được học bổng.
"Em bắt đầu chuẩn bị hồ sơ vào đúng đợt dịch Covid -19 bùng phát mạnh nên đi lại khá khó khăn, phải mất hơn 3 tháng mới có thể hoàn thiện được hồ sơ và nộp cho nhà trường. Sau đó, em đã chờ trong khoảng 5 tháng vì hồ sơ em nộp khá muộn và cũng do dịch bệnh nên bên trường làm việc khá lâu.
Đến vòng phỏng vấn, với một chút hiểu biết về văn hoá Trung Quốc cũng như có sự tìm hiểu trước về trường nên em đã thành công xin được học bổng CIS. Thực sự em rất vui mừng vì sau bao nỗ lực và cố gắng, cuối cùng em cũng đã thực hiện được ước mơ của mình", nữ sinh Hà Nội chia sẻ.
Theo Hiền, để giành được học bổng, ngoài một hồ sơ đẹp ra thì việc am hiểu về đất nước Trung Quốc cũng khá quan trọng. Điều này sẽ tạo thiện cảm với đại diện tuyển sinh. Bên cạnh đó, cần có sự tự tin, tin tưởng vào chính bản thân để có thể vượt qua vòng phỏng vấn một cách thuận lợi.
Nói về kinh nghiệm xin học bổng, Hiền nhấn mạnh vai trò của mentor (người hướng dẫn): "Mentor đóng vai trò không nhỏ trong việc săn học bổng thành công bởi họ là người có kinh nghiệm nên trong quá trình apply có thể cho mình những lời khuyên trong việc chọn trường sao cho phù hợp, hướng dẫn mình hoàn thiện hồ sơ đẹp nhất có thể để tỷ lệ đỗ cao nhất.
Các bạn trẻ có ý định du học, nếu đủ tự tin vào hồ sơ của mình và đủ kiến thức trong việc tự apply thì có thể không cần đến mentor. Nhưng đối với các bạn chưa có kinh nghiệm cũng như hiểu biết trong việc tự apply, khi làm hồ sơ gặp nhiều khó khăn mà muốn chắc suất vào trường mình mong muốn thì tốt nhất nên tìm kiếm một mentor hoặc thông qua một công ty du học uy tín để quá trình này suôn sẻ hơn", Hiền chia sẻ.