'Nữ sinh mặc áo dài có thể hạn chế bạo lực học đường'

19/02/2017 - 09:00
Đó là nhận định của bà Võ Thị Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TPHCM) về việc nữ sinh mặc dài một cách thường xuyên hơn.
Bà Huyền cho biết: Nữ sinh mặc áo dài rất duyên dáng, thướt tha nhưng có một điều quan trọng là việc mặc áo dài tạo nên một “lực cản”, giúp hạn chế bạo lực học đường - một “vấn nạn” trong những năm gần đây. Khi các nữ sinh mặc áo dài thì chính bản thân các em sẽ có tâm lý cẩn trọng hơn trong ứng xử, biết giữ gìn các chuẩn mực của người phụ nữ trong xã hội. Mặt khác, ở đây đó trong các trường THPT vẫn xảy ra tình trạng học sinh trốn học. Nhưng nếu các em mặc áo dài thì cũng sẽ phải “dè chừng” hơn và góp phần hạn chế những hệ lụy xảy ra.
Bà Võ Thị Huyền - Hiệu trưởng trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TPHCM) 
- Việc thực hiện mặc áo dài vào các buổi học chính khóa trong tuần được nhà trường thực hiện từ bao giờ, thưa bà?

Bà Võ Thị Huyền: Những 1996-1997, từ khi mới bước vào trường làm công tác giảng dạy thì tôi đã thấy hình ảnh nữ sinh mặc áo dài vào những buổi học chính của tuần. Lúc đó nhà trường chỉ có 6 phòng học còn rất thô sơ. Phải trải qua 3 lần xây dựng thì mới có được cơ sở vật chất khang trang như bây giờ. Hiện tại, nhà trường có 1.940 học sinh, trong đó có 772 học sinh nữ. Việc nữ sinh mặc áo dài thì vẫn được giữ gìn suốt nhiều năm qua.

Buổi sáng các ngày trong tuần, toàn trường mặc đồng phục, nữ sinh mặc áo dài còn nam sinh mặc áo trắng “đóng thùng”. Vào buổi chiều, vì vừa có các tiết học văn hóa, vừa học năng khiếu nên các em mặc đồng phục thể dục thể thao.

- Liệu nhà trường có nhận được những ý kiến phản đổi, “đòi” giảm số buổi học mặc áo dài cho nữ sinh không?

Bà Võ Thị Huyền: Không chỉ học sinh mà có phụ huynh, thậm chí có thành viên trong hội đồng sư phạm nhà trường cũng có ý kiến về việc xem xét giảm thời gian mặc áo dài, thay vào đó là loại đồng phục khác. Những ý kiến này cho rằng, việc mặc áo dài là đẹp những xem tình hình chung của các trường THPT trên toàn thành phố cũng như thời tiết của TPHCM trong những năm gần đây thì việc mặc áo dài một cách thường xuyên là không phù hợp. Tuy nhiên, Ban giám hiệu nhà trường xưa nay vẫn kiên quyết giữ truyền thống mà các nhiều thế hệ giáo viên, học sinh đi trước đã gầy dựng nên.

Ban giám hiệu nhà trường đề cao công tác tuyên truyền, chỉ rõ được cái đúng sai, hay dở của việc mặc áo dài để các em nữ sinh nắm bắt được. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như trong buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, vào giờ phát thanh học đường ra chơi thì cũng mở các bài hát liên quan đến áo dài, thi ảnh đẹp về trang phục áo dài, đối thoại định kỳ với học sinh…

Nhất là việc làm gương của giáo viên, trừ các nữ giáo viên rơi vào trường hợp đặc biệt, còn các buổi học chính khóa, toàn bộ nữ giáo viên đều mặc áo dài và đều thích trang phục này. Từ những hoạt động “mưa dầm thấm lâu” đó mà việc mặc áo dài ngày càng được mọi người đồng thuận.
 
 Ảnh minh họa
- Vậy nhà trường tổ chức may áo dài cho nữ sinh hay các em tự may?

Bà Võ Thị Huyền: Nữ sinh chịu trách nhiệm trong việc may áo dài cho mình, nhà trường chỉ đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với chiếc áo dài là màu trắng, cổ truyền thống. Tất nhiên, cũng có một số học sinh “cách tân” một số chi tiết áo dài. Nhưng sự thay đổi đó phải có mức độ, được sự giám sát, cho phép của nhà trường thì các em mới được mặc đến trường. Trong trường hợp “cách tân” một cách kệch cỡm, không phù hợp với môi trường học đường thì Ban giám hiệu kiên quyết không cho các em mặc tới trường.

Bình thường, trong học kỳ các em chỉ cần 3 bộ áo dài là được. Chi phí may áo dài trung bình chỉ khoảng từ 400.000 đến 600.000 đồng/chiếc. Nếu nữ sinh nào biết giữ gìn thì có thể sử dụng 3 bộ áo dài trong 3 năm học phổ thông.

- Quan điểm của bà về văn bản của Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường THPT tổ chức và quy định để nữ sinh áo dài tối thiểu 2 buổi/tuần?

Bà Võ Thị Huyền: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và cũng rất mong muốn các trường THPT trên địa bàn thành phố sẽ quy định học sinh mặc áo dài một cách thường xuyên để tạo nên một nét riêng cho TPHCM. Nếu làm được điều này thì cũng sẽ không còn sự so sánh về trang phục của học sinh trường này, trường kia.

Bao giờ sự đổi mới cũng có những khó khăn, trở ngại nhưng nếu có sự quyết tâm, đồng lòng thì chắc chắn sẽ làm được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm