Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nữ sinh viên bỏ phố về quê làm 'cô gái du lịch lúa'

19/10/2018 - 10:43 AM
Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô sinh viên năm 2 khoa Văn hoá du lịch Hồ Ngọc Trâm đang từng bước xây dựng thành công dự án Du lịch có trách nhiệm tại Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Chưa đầy 1 năm triển khai mô hình, Vietmekong Farmstay do Trâm làm CEO đã được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm, giao lưu văn hoá.

Từ mất định hướng nghề nghiệp đến quyết tâm nắm giữ tương lai của chính mình

Năm 2015, khi tốt nghiệp PTTH, Trâm bị mất định hướng nghề cho tương lai. Theo tư vấn của gia đình, cô đăng ký vào Sư phạm mầm non. Tuy nhiên, sau một năm theo học, Trâm nhận ra mình hoàn toàn không phù hợp với ngành này.

 Cơ duyên đến khi Trâm gặp gỡ tác giả của cuốn sách “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, người giúp Trâm nhìn lại chính mình để rồi luôn tự hỏi: “Tại sao chúng ta cứ mãi ở trong vùng an toàn của bản thân mà không bước ra thế giới bên ngoài khám phá nó và làm những điều có ích cho xã hội?”. Cũng trong thời gian đó, Trâm gặp được TS. Nguyễn Trọng Minh, sau này làm Mentor cho dự án, người đã chỉ cho cô nhìn thấy du lịch chính là niềm đam mê của mình.

Hè năm 2016, Trâm chuyển qua ngành Văn hoá du lịch, quyết tâm nắm giữ tương lai của chính mình. 

co-gai-du-lich-lua_1.jpg
Hồ Ngọc Trâm - CEO VietMekong Farmstay

Thời gian đầu theo học ngành mới, Trâm làm thêm nhiều công việc liên quan đến du lịch để tích luỹ kinh nghiệm: từ việc bán tour, lễ tân, chạy bàn nhà hàng, đến dọn phòng khách sạn… Có những buổi dậy từ 3 giờ sáng, đứng trên guốc cao 4-5 tiếng đồng hồ nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Trâm nhận ra cần phải làm một việc gì đó cho riêng mình đồng thời giúp ích cho xã hội. Cô tích cực tham gia các khoá học khởi nghiệp và ý tưởng làm du lịch trải nghiệm nông nghiệp cũng bắt nguồn từ đó.

Được sự động viên của Mentor, Trâm quyết tâm biến những ý tưởng thành mô hình thực sự. Sau một số nghiên cứu, khảo thị trường tại nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Tháp, Trâm “dừng chân” tại Hồng Ngự, vùng đất bình yên đầy tiềm năng, đang “ngủ say và cần người đánh thức”.

Du lịch có trách nhiệm

Dự án của Trâm nhận được sự đồng thuận của gia đình cùng một số nhà đầu tư, những người góp vốn không hẳn bởi tính khả thi của dự án mà vì muốn góp phần mang lại giá trị cho một nền nông nghiệp sạch, cho văn hoá Đồng Tháp và hơn nữa là vì chính nhiệt huyết của cô gái trẻ với biệt danh Cô gái du lịch lúa.

Mô hình của VietMekong farmstay được thực hiện kết hợp trên nông trại Tâm Việt rộng 40,2 ha với nhiều loại hoa màu được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

 

43001582_235952273940137_3246128894973050880_n.jpg

Hiện VietMekong farmstay có 8 bungalow nghỉ dưỡng giữa đồng lúa sạch, một láng trại tập thể dựng theo mô hình thời khẩn hoang với sức chứa 50 người, nhà hàng phục vụ được 120 khách với nguồn thực phẩm chủ yếu là nông sản tại nông trang hữu cơ, thực đơn được trình bày theo không gian văn hoá bản địa hoài cổ giúp du khách cảm nhận sự an yên trên từng món ăn.

 

43060749_539309373177764_3135115848776155136_n.jpg
Những Bungalow được dựng trên đồng lúa sạch

 

Khách tham quan có thể đến học tập, trải nghiệm, nghỉ dưỡng với rất nhiều hoạt động theo mùa như: chơi xe trâu, bắt cá, giăng lưới, bơi xuồng, mò ngó sen, trồng rau, nhặt trứng vịt hữu cơ…; liên kết đi thăm làng nghề dệt choàng Long Khánh, làng bè cá…

 

43178830_243348073192763_8945126029442154496_n.jpg
Các bé trái nghiệm bắt cá

Với mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vùng ngập nước, phát huy văn hoá nông nghiệp Đồng Tháp Mười bền vững, đồng thời góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Hồng Ngự, kết nối và nâng cao chuỗi giá trị kinh tế địa phương từ truyền thống đến du lịch văn minh… chỉ sau 6 tháng triển khai, dự án của Cô gái du lịch  lúa đã được chú ý.

Dù đang trong quá trình hoàn thiện, VietMekong farmstay đã đón những đoàn sinh viên đầu tiên về giao lưu, nghiên cứu mô hình khởi nghiệp. Tiếp đó là các đoàn sinh viên quốc tế (Nhật, AIESEC, Đức) đến để học tập mô hình làm nông nghiệp sạch, giao lưu văn hoá Việt Nam.

 

43130237_461955760967264_4620105150759960576_n.jpg
Các đoàn sinh viên đến VietMekong trải nghiệm, giao lưu 

Bí quyết thành công của "cô gái du lịch lúa"

Khi quyết định thực hiện dự án này, Trâm biết mình sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức bởi Hồng Ngự là một huyện xa xôi, sát biên giới Campuchia. Nhưng cô tâm niệm: “Việc dễ thì ai cũng làm hết rồi. Phải có người tiên phong giúp bà con nâng cao giá trị nông nghiệp, phải làm sao để du khách muốn tìm đến một vùng quê khó khăn”.

Trong suốt 7 tháng đầu triển khai, dự án không có đường điện (hiện vẫn phải sử dụng nguồn điện bắt từ hợp tác xã), không có nước sạch cùng vô số những gian truân… Trâm đã phải pha từng cục phèn để xử lý nước cho khách tắm, chở nước sạch để nấu ăn… Trâm mạnh dạn gửi thư trực tiếp cho Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp chia sẻ những khó khăn của một cô sinh viên thực hiện dự án giữa cánh đồng… Sau bức thư đó, VietMekong farmstay đã nhận được sự động viên của Bí thư tỉnh ủy, sự chung tay góp sức của cấp huyện, xã và vấn đề thiếu nước sạch đã được giải quyết.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Trâm cho rằng để thành công trước hết phải vượt qua bản thân, đừng để nỗi sợ hãi cản trở chính mình và đừng ngồi chờ cơ hội đến mà hãy tự mở cánh cửa cơ hội cho mình. Điều Trâm luôn nằm lòng và tâm niệm làm kim chỉ nam cho hành động của mình, ấy là “Hãy cứ bay rồi sẽ cao”. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn