Hình ảnh GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên gây tranh cãi trong cộng đồng mạng |
Mới đây, GS Trương Nguyện Thành đã mặc áo phông, quần đùi giảng dạy trước sinh viên trong lớp Phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo. Theo nhiều người, việc thầy giáo mặc quần áo xuề xòa lên lớp là phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục. Họ cho rằng, đã là giáo viên thì phải giữ hình ảnh nghiêm túc, chuẩn mực, như thế mới giáo dục được học trò. Trang phục của các thầy giáo càng phải chuẩn chỉnh, nếu không sẽ bị sinh viên đánh giá không hay, đặc biệt là các nữ sinh.
Thế nhưng, việc Phó hiệu trưởng mặc quần đùi đi dạy lại được không ít nữ sinh coi là sự thay đổi tích cực. “Tôi thấy đây là một cách khá hay trong việc giảng dạy, đặc biệt với chủ đề Tư duy sáng tạo, thầy muốn sinh viên thoát khỏi những định kiến xã hội. Nếu được tham dự một buổi học như thế, tôi cảm thấy rất thú vị, hơn hẳn những diễn giả mặc quần áo chỉnh tề mà nói những điều chán ngắt”, Vũ Thị Lụa, sinh viên ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận.
Nhiều nữ sinh không thấy việc Giáo sư mặc quần đùi đi dạy là phản cảm |
Theo Vũ Thị Lụa, nhiều người luôn giữ định kiến về hình ảnh người thầy phải đạo mạo, chỉn chu. "Mọi người kêu gào phải cải cách giáo dục nhưng chỉ cần một người làm khác thì lại lớn tiếng phê phán. Như vậy, chẳng thể hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi, sẽ tốt hơn. Tôi rất thích người thầy có phong cách gần gũi, thoải mái, khiến sinh viên không thấy có khoảng cách với thầy. Các nữ sinh lớp tôi đều thích một thầy giáo không bao giờ mặc chỉn chu nhưng cách thầy giảng mà như không giảng, hấp dẫn với đa số sinh viên có mặt. Đó là cách chúng tôi được học nhiều nhất, hứng thú nhất”, Lụa bày tỏ.
Cũng giống như quan điểm của Lụa, nữ sinh viên Nguyễn Thị Lâm Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không thấy việc mặc xuề xòa của thầy giáo là phản cảm. “GS Trương Nguyện Thành mặc như vậy đi dạy là vì có ý đồ của thầy. Tôi không ủng hộ suy nghĩ dùng việc mặc như thế để phán xét tư cách của thầy. Điều quan trọng ở người thầy, không phải là bộ quần áo mặc trên người, mà là kiến thức, cách truyền đạt kiến thức tới sinh viên. Thầy giáo mặc trang phục như vậy càng tạo cho sinh viên cảm giác dễ gần”.
"Sáng tạo không có khuôn mẫu, không có giới hạn" - đó là thông điệp GS. Thành muốn truyền tải đến sinh viên thông qua việc mặc trang phục "phá cách" này. |
Không khắt khe với phong cách ăn mặc của thầy giáo nhưng nữ sinh viên Hoàng Thị Giang (ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội) cho rằng, trang phục cần phải phù hợp. “Tôi thích học với những người thầy có cách thể hiện sáng tạo bài giảng của mình nhưng không có nghĩa là phá cách trong ăn mặc. Thầy dạy về lộ trình sáng tạo, thầy mặc thế cũng không hẳn là phản cảm nhưng có nhiều cách sáng tạo hơn, đâu cứ phải mặc quần đùi. Thầy có thể mặc đồ thể thao để lên lớp thay vì áo vest, quần âu. Nếu chúng ta mặc định đấy là sáng tạo thì có người mặc đồ ngủ, đồ hở hang đi dạy thì sao? Tôi không nói về chuẩn mực ở đây, tôi muốn nói đến sự phù hợp và điểm dừng”.
Giảng viên mà Giang muốn theo học, đó là “người có phong cách thể hiện bài giảng sáng tạo, không dập khuôn. Cách ăn mặc không quan trọng mà quan trọng là cách giảng dạy. Vì nếu mặc quá nổi, quá đặc biệt thì người nghe hay bị tập trung vào chi tiết đó hơn là nghe giảng”. Giang cho biết, có những người thầy rất đạo mạo nhưng bài giảng của họ vẫn cuốn hút ở cách thể hiện, trình bày, ngôn ngữ cơ thể… "Như thế, chẳng tốt hơn là mặc phản cảm đến giảng đường hay sao?", Giang nhìn nhận.
Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 ở Quy Nhơn, Bình Định. Năm 18 tuổi, ông giành được học bổng đại học tại Mỹ. Năm 1985, ông tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi. Ngoài bằng Hóa học, ông còn lấy 4 bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Năm 1990, ông nhận bằng Tiến sĩ và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Năm 1992, Đại học Utah (Mỹ) mời ông về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn Hóa lượng tử. |