Nữ tài xế bị khởi tố vì không cứu người gặp nạn dẫn đến tử vong: Hành động vô tâm và vi phạm pháp luật

Nguyễn Cảnh Dũng
17/02/2023 - 14:04
Nữ tài xế bị khởi tố vì không cứu người gặp nạn dẫn đến tử vong: Hành động vô tâm và vi phạm pháp luật

Luật sư Đặng Văn Cường

Anh Nguyễn Công Phường điều khiển xe máy va chạm với ô tô do Nguyễn Thị Hằng điều khiển đang đỗ bên đường để đi vệ sinh. Anh Phường bị thương nằm giữa đường nhưng Hằng thản nhiên lên xe bỏ đi. Sau đó, anh Phường bị ô tô khác cán tử vong.
Bỏ mặc nạn nhân sau tai nạn

Viện kiểm sát Nhân dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, trú huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Theo cơ quan điều tra, khoảng 22h ngày 2/10/2022, Hằng điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 84L - 4036 chở theo Vương Kim Trực (SN 1985) và Vương Đình Quang (SN 2003), cùng trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, lưu thông tại khu vực huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khi đi đến Km 491+390 thuộc tổ dân phố 10, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, thì Hằng dừng xe bên đường để xuống đi vệ sinh. Lúc này, xe của Hằng xảy ra va chạm với xe máy mang biển kiểm soát 38P1 - 053.18 do anh Nguyễn Công Phường (SN 1991, trú tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển. 

Sau va chạm, anh Phường ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Lúc này, Nguyễn Thị Hằng lên ô tô di chuyển tiếp, để mặc Nguyễn Công Phường lại hiện trường. Ngay sau đó, xe tải đông lạnh mang biển kiểm soát 49C - 103.19 do Tưởng Văn Danh (trú tại tỉnh Quảng Bình) điều khiển, lưu thông trên QL1A theo hướng Nam - Bắc chạy tới, do thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã cán qua người của anh Nguyễn Công Phường khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Can Lộc cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tưởng Văn Danh, về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng trước pháp luật.

Luật sư Nguyễn Cao Hạnh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ, khi xảy ra tai nạn giao thông, cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm thực hiện các quy định sau: 

Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương, phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Đối với những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

Ngoài ra, mức phạt đối với hành vi không giúp đỡ người bị tai nạn khi có yêu cầu được quy định tại điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 0,5 đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.

"Trong vụ việc này, bà Hằng biết rõ anh Phường tông vào xe mình, bị thương, bà Hằng hoàn toàn có thể cứu giúp nhưng bà đã bỏ đi khiến anh Phường bị xe tải cán qua chết. Có thể bà Hằng sợ liên lụy. Hành động của bà Hằng không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Rõ ràng bà Hằng vừa vi phạm pháp luật, vừa vô cảm đến đáng sợ", luật sư Hạnh nhận xét.

Cần xem xét cả những người đi cùng nữ tài xế

Trong khi đó, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông khi gây tai nạn giao thông là phải cứu giúp nạn nhân, nếu bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ cứu giúp nạn nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi gây ra tai nạn giao thông nhưng không cứu giúp, dẫn đến nạn nhân tử vong thì đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Với tình tiết này, nữ tài xế phải đối mặt với hình phạt có thể tới 5 năm tù.

Theo luật sư Cường, nữ tài xế hoàn toàn có thể giúp đỡ nạn nhân, đưa nạn nhân vào ven đường và gọi người cấp cứu, hoặc chở người bị thương đến bệnh viện để cứu chữa... Tuy nhiên, người này đã không thực hiện việc cứu giúp, dẫn đến vụ tai nạn giao thông tiếp theo xảy ra khiến nạn nhân tử vong. Vậy vụ tai nạn thứ hai có một phần lỗi của người gây ra vụ tai nạn thứ nhất. 

Nếu sau khi vụ va chạm xảy ra mà nữ tài xế này cho nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu hoặc đưa nạn nhân vào ven đường, tránh nguy hiểm rồi gọi người đưa đi cấp cứu thì có thể nạn nhân sẽ giữ được tính mạng. 

"Việc nữ tài xế này tự ý bỏ đi, rời khỏi hiện trường là một hành động vô tâm và vi phạm pháp luật. Hậu quả, nạn nhân tiếp tục gặp phải vụ tai nạn thứ hai và đã thiệt mạng nên việc Cơ quan điều tra khởi tố nữ tài xế này trên cơ sở kết quả xác minh ban đầu là có căn cứ", luật sư Cường chia sẻ.

Ngoài ra, tiến sĩ Đặng Văn Cường cũng cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của những người khác ngồi trên xe của nữ tài xế này. Trong số những người này, có người nào có lời nói, hành động tác động đến tâm lý, hành vi của nữ tài xế khiến việc không cứu giúp người diễn ra thì những người đó cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm. 

Trường hợp những người ngồi cùng xe với nữ tài xế này đã động viên, khuyên can nữ tài xế cứu giúp nạn nhân nhưng tài xế vẫn không nghe và những người đó không có khả năng cứu giúp, đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng, thành khẩn khai báo toàn bộ diễn biến sự việc, làm căn cứ đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật của nữ tài xế, lúc này họ mới có thể vô can.

Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra đã khởi tố người điều khiển phương tiện đâm vào nạn nhân khi nạn nhân đang thương tích dưới lòng đường. Theo luật sư Đặng Văn Cường, Cơ quan điều tra cần thận trọng trong việc đánh giá khả năng quan sát của người lái xe tải. Trong điều kiện ánh sáng, tầm nhìn, thời gian như vậy, một người bình thường có khả năng quan sát được hay không? Việc này nhằm xác định người lái xe này có lỗi hay không. 

Việc xử lý hình sự đối với người lái xe tải chỉ có căn cứ nếu như kết quả điều tra cho thấy, người này hoàn toàn có khả năng quan sát mặt đường nhưng đã không chú ý quan sát, dẫn đến không phát hiện ra có người đang nằm trên đường, dẫn đến vụ tai nạn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm