Nữ thẩm phán được dựng thành phim ở Hollywood

26/03/2017 - 22:18
Được xem như một biểu tượng đấu tranh cho nữ quyền và nằm trong danh sách những gương mặt nữ quyền lực nhất nước Mỹ, Ruth Bader Ginsburg là một trong số ít nữ thẩm phán có sức ảnh hưởng rất lớn ở xứ cờ hoa.

Ruth Bader Ginsburg sinh ngày 15/3/1933 tại Brooklyn, New York trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động có thu nhập thấp. Tuy vậy, bà đã xuất sắc tốt nghiệp đại học Cornell danh tiếng với vị trí đầu bảng vào năm 1954.

Lập gia đình năm 21 tuổi và sinh con, những tưởng cuộc đời của Ruth Joan Bader Ginsburg sẽ như bao người phụ nữ Mỹ khác trôi qua bình lặng. Thế nhưng khát khao được làm một viên chức của ngành tư pháp Mỹ, đòi lại công bằng cho người dân và cả may mắn đã làm thay đổi số phận của Ruth Joan Bader Ginsburg.

2.jpg
Chân dung nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.

Năm 1956, bà theo học tại trường Luật Harvard, nơi bà là một trong số 9 phụ nữ hiếm hoi trong một lớp học khoảng 500 sinh viên. Dù phải chăm sóc và quán xuyến mọi công việc gia đình khi chồng phát hiện mắc bệnh ung thư, bà vẫn chứng tỏ được bản thân, xuất sắc trong học tập, và trở thành thành viên nữ đầu tiên của tạp chí Harvard Law Review uy tín.

Ở thời điểm ấy, ít ai nghĩ người phụ nữ nhỏ bé này lại có thể trở thành một thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ và là người có tiếng nói quyết định trong việc thúc đẩy việc thông qua Luật Hôn nhân Đồng giới tại 50 bang ở nước Mỹ hồi tháng 6/2015.

Sau đó, Ruth Bader Ginsburg tiếp tục theo học và tốt nghiệp hạng ưu tại đại học Colombia và là giáo sư luật đầu tiên của trường đại học Columbia. Dù có thành tích xuất sắc nhưng cũng như nhiều phụ nữ khác, bà luôn gặp phải sự phân biệt giới tính khi tìm việc. Năm 1960, tuy đã nhận bằng tiến sĩ về luật ở trường Harvard, Ginsburg bị từ chối khi ứng tuyển vào vị trí thư ký cho Tòa án Tối cao Mỹ bởi bà là phụ nữ.

1.jpg
 Tuy học rất giỏi và là tiến sĩ Luật đại học Harvard nhưng bà từng bị từ chối khi ứng tuyển vào vị trí thư ký cho Tòa án Tối cao Mỹ bởi bà là phụ nữ.

Tuy vậy, lúc này, việc Nghị viện Mỹ thông qua một bộ Luật rất quan trọng chống phân biệt đối xử trong lao động trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp đã tạo ra cú huých trong đời sống xã hội Mỹ. Phụ nữ được tham gia nhiều công việc xã hội hơn và bắt đầu nắm giữ một số vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền Mỹ. Nhận thức được sự bất hợp lý trên, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã điều chỉnh một số điều khoản trong Luật Lao động, khuyến khích nữ giới tham gia bộ máy chính quyền.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã bổ nhiệm 25 nữ Thẩm phán ở cấp Sơ thẩm, 11 nữ thẩm phán ở cấp Phúc thẩm. Bà Ruth Joan Bader Ginsburg vinh dự là một trong số 11 thẩm phán này.

Trong những năm 1970, bà là người đồng sáng lập và là giám đốc dự án Nữ quyền của Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ trước khi được bầu làm trưởng ban cố vấn của Liên đoàn. Thời gian này bà đã tham gia tranh tụng 6 vụ án về bình đẳng giới cho đến khi trở thành thẩm phán Tòa án tối cao.

Ngày 10/8/1993, Ginsburg đã được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ. Bà là nữ thẩm phán thứ 2 sau nữ thẩm phán Sandra Day O'Connor nhưng lại là người Do Thái đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ này. Tại đây, bà tiếp tục tích cực tham gia thúc đẩy nữ quyền. Chính bà đã viết quyết định cho án lệ United States v. Virginia, ghi nhận việc các đơn vị quân đội không được từ chối phụ nữ gia nhập.

9.jpg
 Bà là nữ thẩm phán thứ 2 của nước Mỹ sau nữ thẩm phán Sandra Day O'Connor.

Năm 1999, Ruth được nhận giải thưởng Thurgood Marshall của Liên đoàn luật sư Hoa Kỳ vì những cống hiến cho bình đẳng giới và các quyền dân sự.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Ginsburg là nhà hoạt động đấu tranh dân quyền xuất sắc đương đại Mỹ. Bà được mệnh danh là biểu tượng nữ quyền và cũng được gọi với biệt danh Notorious RBG – ‘RBG khét tiếng’.

Mặc dù là một trong những thẩm phán, người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ nhưng Ruth Joan Bader Ginsburg vẫn chăm chỉ làm việc nhà, nấu ăn cho chồng con sau khi kết thúc một ngày làm việc bận rộn. ‘Tôi lập gia đình, sinh con rồi mới đi học đại học Luật. Cuộc đời tôi có 2 phần. Một phần là chăm sóc gia đình, một phần là công việc. Ban ngày tôi đi học, đón con lúc 16h chiều. Làm việc nhà sau đó mới quay lại sách vở’, bà Ruth Joan Bader Ginsburg cho biết.

5.jpg
 Cuộc đời hoạt động sôi nổi đấu tranh vì bình đẳng giới của bà đã được dựng thành bộ phim nổi tiếng Hollywood.

Cuộc đời bà được Hollywood dựng thành một bộ phim điện ảnh trong năm do nữ diễn viên nổi tiếng Natalie Portman thủ vai nữ thẩm phán.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm