Nữ thủ khoa Hà Nội không 1 ngày học thêm

15/07/2017 - 07:14
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, nữ sinh Nguyễn Thị Phương Liên (lớp 12A1, trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã trở thành thủ khoa của Hà Nội với số điểm 3 môn Toán-Lý-Hóa (khối A) đạt 30 điểm.
Điểm cao chót vót ở tất cả khối thi

Không chỉ đạt điểm tuyệt đối ở khối A, Liên còn được nhiều người khen ngợi vì học giỏi đều các môn. Nếu tính điểm khối A1, Liên đạt 29,4 điểm; khối B đạt 27,75 điểm và khối D đạt 26,65 điểm. Với thành tích này, có thể nói, Liên đã đỗ vào ĐH ở tất cả nguyện vọng và cả 4 khối. Quyết định cuối cùng của Liên là học khoa Kinh tế đối ngoại, trường ĐH Ngoại Thương.

Anh Nguyễn Văn Kiêu, bố của Liên, cho biết: Nhiều người khi biết Liên đạt thủ khoa thì nghĩ chắc Liên phải học thêm ở các lò luyện nổi tiếng. Thực tế, Liên chưa từng đi học thêm ở lò luyện bên ngoài. Suốt 9 năm học tiểu học và THCS, Liên không đi học thêm. Sang bậc THPT, Liên cũng chỉ học 2 buổi ở trường THPT Đồng Quan với các thầy cô giáo trong trường.
phuong-lien.jpg
Nguyễn Thị Phương Liên luôn xác định việc học là quan trọng nhất - Ảnh: NVCC

Từ nhỏ, Liên đã tỏ ra là có tố chất về môn Toán. Hết 5 năm tiểu học, gia đình xin cho Liên vào trường THCS chuyên Trần Phú huyện Phú Xuyên. Thầy hiệu trưởng sau khi xem học bạ của Liên đã đồng ý ngay vì Liên luôn đứng nhất nhì của trường. “Con học giỏi, chúng tôi cũng mừng nhưng không vì thế mà để con ngủ quên trên chiến thắng”- anh Kiêu nhớ lại.

Hồi Liên mới nhập học lớp 6, anh đã nói với con là ở môi trường mới sẽ có nhiều bạn giỏi nên nếu không cẩn thận, Liên khó mà giữ vị trí dẫn đầu. Quả nhiên, Liên bị tụt xuống top 10 của lớp. “Sau đó, về nhà, Liên lao vào học để bằng bạn bằng bè. Một thời gian sau, Liên đã vươn lên vị trí đầu”- anh Kiêu nhớ lại.
 
Trong các năm học THCS, Liên cũng thường xuyên được cử đi thi học sinh (HS) giỏi của huyện. Có năm Liên chỉ giành giải Nhì. Lần thi sau, Liên vươn lên giành giải Nhất. Anh Kiêu vui nhưng vẫn bình tĩnh dặn: “Con được giải Nhất đã khó, nhưng giữ được vị trí Nhất còn khó hơn”. Bằng cách đó, anh luôn trao cho con tinh thần tự cố gắng, tự đặt ra cho mình thử thách để vượt qua.

Nhà không có… tivi

Năm Liên học lớp 12, anh Kiêu từng đưa con đi học thử tại các lò luyện thi được cho là nổi tiếng tại nội thành Hà Nội. Nhưng, chỉ sau vài buổi, Liên nhận định: Các bài giảng ở đây không có gì đặc biệt và các thầy của con ở trường hoàn toàn có thể dạy tốt. Vì thế, con thấy không cần thiết phải đi học thêm ở lò luyện. Bố mẹ vừa vất vả đưa đón con, vừa tốn kém tiền”.
phuong-lien1.jpg
Dù đạt thành tích với điểm số cao chót vót ở  tất cả các khối thi nhưng Liên chưa từng đi học thêm ở lò luyện bên ngoài

Liên tin rằng, mình có thể tự học mà vẫn giành được kết quả tốt. Nói được làm được, Liên học rất chăm chỉ. Bố anh Kiêu ốm nên vợ chồng anh phải dọn đến ở cùng. Vì thế, buổi tối, Liên và em trai tự quản lý nhau ở nhà mà không có sự giám sát của bố mẹ. 

“Song, Liên có tính tự giác rất cao. Cháu hiểu mình cần phải làm gì và không được làm gì. Sau khi ăn cơm là cháu tự ngồi vào bàn học bài. Nếu bài chưa xong thì sáng sớm hôm sau lại đặt chuông dậy học tiếp rồi mới yên tâm đến trường”.

Trong căn nhà của hai chị em Liên không có tivi vì anh Kiêu không muốn hai con xao nhãng học hành. Anh mua cho các con một chiếc máy tính để bàn có kết nối internet. “Dù không có bố mẹ nhưng Liên chỉ vào mạng để tra cứu tài liệu học tập. Cháu tuyệt đối không truy cập vào các trang web có hại”.

Anh Kiêu hiện là trưởng ban chăn nuôi thú y của xã Văn Tự, huyện Thường Tín và bận bịu làm thêm tại trang trại của gia đình. Vợ anh, chị Dương Thị Ngát công tác tại phòng giáo dục huyện Duy Tiên, Hà Nam. Ngoài giờ công tác, chị làm gia sư tiếng Anh tại nhà cho các HS ở nội thành Hà Nội.

Vì mưu sinh, chị vẫn phải vượt quãng đường cả đi và về mỗi ngày dài cả trăm km, có hôm đến tối muộn mới về đến nhà. Song, anh chị vẫn rất yên tâm vì con gái biết tự chủ, tự giác học tập. Không kèm được con học, nhất là các môn sở trường của con như Toán, Lý, Hóa, anh chị đã tạo điều kiện cho con bằng cách giúp con được sống trong mái nhà tràn đầy tình yêu thương và không áp lực.

“Tôi chỉ động viên, nhắc con đã học thì cố hết sức để học tốt chứ không bao giờ gây áp lực, buộc con phải đạt được danh hiệu nọ kia”- anh Kiêu kể. Khi Liên lựa chọn nguyện vọng vào ĐH, chị Ngát thực lòng muốn con học đại học sư phạm để nối nghiệp mẹ.

Song, Liên chỉ thích học trường Ngoại thương nên đã dành tới 5 nguyện vọng đầu để nộp vào các khoa khác nhau của ĐH Ngoại thương. Chị Ngát vẫn vui vẻ đồng ý và động viên con cố gắng. Anh chị xác định, định hướng của bố mẹ chỉ nhằm giúp con tham khảo, còn quyết định chính vẫn là ở con vì con mới là người chọn nghề và sống với nghề đó sau này.

Sau khi con gái đạt thủ khoa kỳ thi THPT quốc gia của Hà Nội, anh chị mới quyết định thưởng cho con chiếc điện thoại, cho con tiền mua quần áo mới, và làm tóc. Trước đó, cô nữ sinh học giỏi toàn diện ăn mặc rất giản dị, mặt mộc, tóc dài không kiểu cách. “Tôi và con xác định, với HS thì việc học luôn quan trọng hàng đầu. Thành tích mà con đạt được không có gì đặc biệt mà nhờ được học với thầy giỏi và bản thân con nỗ lực mà nên”.
Trong lớp 12A1 của Liên, ngoài Liên là thủ khoa còn có 35/45 HS đạt điểm thi THPT quốc gia từ 27 điểm trở lên; 7 em đạt từ 29 trở lên, 100% các em đều đỗ ĐH. Thành tích của các em cũng là minh chứng cho sự tự học và chỉ học thêm ở trường mà không cần tới lò luyện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm