Nhưng có lẽ, câu chuyện về ước mơ đậu đại học còn đặc biệt hơn rất nhiều bởi ý chí và nghị lực phi thường của An. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Cả 4 người gia đình An đều phụ thuộc vào những đồng tiền làm thuê, cuốc mướn của bố mẹ. Vì không có đất, có vườn, cuộc sống của gia đình An quanh năm trôi qua trong cảnh túng thiếu, nợ nần.
Huỳnh Thị Thúy An (bên trái) chụp hình cùng bạn học |
Để có tiền nuôi các con ăn học, bố mẹ An phải làm lụng vất vả, nhìn cảnh bố mẹ sớm hôm thức khuya dậy sớm chạy vạy từng đồng cho cơm ngày ba bữa, An không khỏi chạnh lòng. “Em thấy mình vô dụng quá, vì lo cho em ăn học mà bố mẹ phải vất vả. Nhiều lúc em định nghỉ học để đi làm đỡ đần cho bố mẹ, nhưng nghĩ đến việc em của em đã phải nghỉ học để em được tiếp tục, em cần phải cố gắng nhiều hơn, học cho cả em của em nữa”, An nghẹn ngào.
Vì cuộc sống khó khăn, số tiền thu nhập hàng ngày từ việc chài lưới ven sông của gia đình không đủ để lo cho các con ăn học nên học xong lớp 7, em gái An phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ.
Từ lúc em gái nghỉ học, mọi áp lực dồn nặng lên đôi vai nhỏ bé của An. Với mong muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch, được đi khắp mọi nẻo đường đất nước để tìm hiểu về nét đẹp trong văn hóa dân tộc, An đã nổ lực rất nhiều để đi đến ước mơ của mình.
Ấp ủ ước mơ du lịch, An quyết tâm học tốt các môn khối C để thi đậu vào khoa Du lịch của trường ĐH KHXH&NV. Để thực hiện ước mơ, ngoài việc lên lớp nghe thầy giảng bài, An còn tự mài mò đọc thêm sách báo, cập nhật thông tin thời sự để giúp mình có được cái nhìn thực tiễn, hiểu rõ hơn về các môn học xã hội.
An bên cạnh cô Phạm Thị Hồng Sương, Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (An Giang) |
An cho biết: “Em cảm thấy các môn học xã hội rất thú vị. Ngoài những kiến thức, sự kiện, nó còn giúp em trau chuốt thêm được vốn sống, cảm nhận rõ hơn về mọi thứ xung quanh. Những lúc buồn, em thường đọc các tác phẩm văn học, em như tìm thấy chính mình qua các tác phẩm ấy. Nó giúp em mạnh mẽ hơn để vững tin chinh phục ước mơ của mình”.
Không những học tốt các môn học xã hội, An còn cho thấy mình học đều tất cả các môn học khác vì em luôn tâm niệm rằng: “Mỗi kiến thức, môn học trong sách vở là hành trang để em bước vào đời sau này. Em sẽ cố học hết sức, học để hiểu, để trưởng thành hơn”.
Trong suốt ba năm học cấp ba, nhờ có thầy cô, bạn bè luôn ở bên, giúp đỡ mà An có thể học tốt hơn. Giải nhất môn Lịch Sử cấp tỉnh và mới nhất là em đã trở thành tân thủ khoa của trường ĐH KHXH&NV với 27 điểm (Văn: 8,5; Sử: 9,5; Địa: 9).
An vui mừng cho biết: “Em cảm thấy rất vui và muốn cảm ơn đến gia đình, thầy cô, bạn bè đã luôn ủng hộ, giúp đỡ em. Cảm ơn cô Trần Thị Kim Thoa (GV dạy Lịch sử) đã giúp em học tốt môn Sử. Thầy chỉ cho em cách ghi nhớ các sự kiện lịch sử, mỗi ngày đặt mình vào một kiến thích mới để ghi nhớ. Và điều đặc biệt, thầy luôn bảo học sử là phải hiểu sử, có hiểu rõ bản chất của vấn đề thì mới thông thạo được. Không những vậy, thầy còn yêu cầu em phải xem thời sự mỗi ngày để tăng cường kiến thực cũng như tích lũy kinh nghiệm sống. Chính thầy đã truyền lửa cho em để viết tiếp ước mơ của mình”.
Thúy An (bên trái) chụp hình cùng bạn học cấp 3 tại ngôi trường Chu Văn An của mình |
“Lúc biết được điểm thi đại học, em hạnh phúc lắm. Em không nghĩ mình có thể đạt được điểm số cao như vậy. Dù biết mình hiện tại đạt điểm cao nhất trường nhưng mới đây, em mới nhận được tin mình chính thức trở thành thủ khoa từ phía phòng công tác sinh viên. Lúc nghe điện thoại từ thầy, em vừa mừng, vừa lo, muốn chạy về nhà thật nhanh để ôm lấy mẹ, người mà em thần tượng nhất trong cuộc đời mình”, An bộc bạch.
Xen lẫn với niềm vui đậu đại học, An vẫn còn đó những suy nghĩ về tương lai của mình. Với gia đình em, để có tiền lo cho em học suốt 4 năm đại học quả là một điều không dễ dàng. Rồi đây, bố mẹ em sẽ phải vất vả nhiều hơn để nuôi em ăn học nơi đất khách quê người. An tâm sự: “Sau khi biết được kết quả, em vừa mừng vừa lo, em không biết liệu bố mẹ có đủ sức nuôi em suốt 4 năm không nữa. Em sợ mình sẽ nghỉ học giữa chừng… Em sẽ cố gắng vừa đi học, vừa đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ trong việc sinh hoạt hằng này. Dù có khổ cực cách mấy, em vẫn quyết tâm lấy được tấm bằng đại học, trở thành một hướng dẫn viên du lịch như em hằng mơ ước”.
Hiện tại, An đang ở trọ tại Làng đại học Quốc gia TP.HCM để tiếp tục công việc học của mình |
Dù đã nhập học gần 2 tuần tại ngôi trường mới, có lẽ sự nhút nhát, ngại ngùng của cô gái bé nhỏ khiến em chưa hòa nhập tốt với giảng đường đại học. Nhưng hi vọng rằng, với ý chí và nghị lực của mình, An sẽ vượt qua tất cả để trở thành một hướng dẫn viên du lịch, có đam mê, tâm huyết với nghề như chính những gì em tâm sự: “Em muốn đi đến nhiều nơi, tìm hiểu về nét đẹp khắp mọi miền đất nước để tự hào khi nói với khách du lịch rằng: Đất nước Việt Nam tôi xinh đẹp vô cùng”.