Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon (nay là Yangon). Bà là con gái của anh hùng Myanmar, tướng Aung San, người đã thành lập quân đội Myanmar hiện đại và đã đàm phán để Myanmar được độc lập khỏi Anh năm 1947. Ông bị ám sát trong giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, chỉ 6 tháng trước độc lập, khi bà Suu Kyi mới 2 tuổi.
Năm 1960, bà đến Ấn Độ cùng với mẹ mình là Khin Kyi, người được bổ nhiệm làm đại sứ Myanmar ở Delhi. 4 năm sau, bà theo học Đại học Oxford tại Anh, nơi bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế. Ở đó, bà gặp người chồng tương lai của mình, học giả Michael Aris.
Bà Aung San Suu Kyi - thủ lĩnh Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) |
Sau một thời gian sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, bà định cư ở Anh để nuôi hai con, Alexander và Kim nhưng Myanmar luôn nằm trong suy nghĩ của bà.
Khi bà về Yangon năm 1988 để chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng, Myanmar đang trong cơn biến động chính trị lớn. Hàng nghìn sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường đòi cải cách dân chủ.
"Với tư cách là con gái của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra", bà nói trong một bài phát biểu tại Yangon ngày 26/8/1988. Bà đã dẫn đầu phong trào chống lại lãnh đạo Myanmar khi đó là tướng Ne Win. Bà được người dân Myanmar gọi là mẹ Suu hay là cô Suu.
Lấy cảm hứng từ các chiến dịch bất bạo động của lãnh đạo phong trào quyền dân sự Mỹ Martin Luther King và lãnh đạo Mahatma Gandhi của Ấn Độ, bà đã tổ chức các cuộc tập hợp lực lượng và đi khắp đất nước Myanmar kêu gọi cải cách dân chủ hòa bình và bầu cử tự do.
Nhưng giới quân nhân – những người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào ngày 18/9/1988, đã trấn áp một cách tàn bạo các cuộc biểu tình do bà lãnh đạo. Năm sau đó bà Suu Kyi bắt đầu bị quản thúc tại gia.
Tháng 5/1990, chính quyền quân sự tổ chức cuộc bầu cử quốc gia, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng, tuy nhiên, chính quyền từ chối chuyển giao quyền lực cho NLD.
Bà từng được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1991. |
Năm 1991 bà được trao giải Nobel Hòa bình và vị chủ tịch Ủy ban Nobel đã gọi bà là “một tấm gương tiêu biểu về quyền lực của người không có quyền”.
Bà Suu Kyi bị quản thúc ở Yangon trong 6 năm, cho đến khi được thả vào tháng 7/1995. Bà một lần nữa bị quản thúc tại nhà vào tháng 9/2000 khi đang cố gắng đến thành phố Mandalay, bất chấp lệnh hạn chế đi lại.
Bà được thả vô điều kiện vào tháng 5/2002, nhưng chỉ hơn một năm sau đó bà lại bị tống giam sau vụ đụng độ giữa những người ủng hộ bà và một đám đông do chính phủ hậu thuẫn. Bà sau đó được ra tù, nhưng rồi lại bị quản thúc tại nhà.
Trong thời gian bị quản thúc, bà Suu Kyi vùi mình nghiên cứu và tập luyện thể lực. Bà ngồi thiền, trau dồi kỹ năng tiếng Pháp và tiếng Nhật, và thư giãn bằng cách chơi piano. Có những lúc bà được gặp các quan chức NLD khác và một số nhà ngoại giao.
Nhưng trong những năm đầu bị giam giữ, bà thường bị cô lập. Bà không được phép gặp 2 con trai của mình cũng như người chồng – người về sau qua đời do ung thư vào tháng 3/1999. Giới chức quân sự đề nghị để bà đi Anh gặp chồng khi ông thập tử nhất sinh, nhưng bà đã từ chối do sợ rằng mình sẽ không có cơ hội trở về quê hương.
Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng của bà kết thúc vào tháng 11/2010 và con trai Kim Aris được phép đến thăm bà lần đầu tiên trong một thập kỷ.
Ba Aung San Suu Kyi tại nhà riêng sau khi chính phủ Myanmar trả tự do cho bà vào năm 2010. |
Khi chính phủ mới ở Myanmar bắt đầu tiến trình cải cách, Aung San Suu Kyi và đảng của bà tham gia trở lại hoạt động chính trường.
Khi các cuộc bầu cử bổ sung được tổ chức vào tháng 4/2012 để lấp khoảng trống của các chính trị gia đã giữ các chức vụ trong chính phủ, bà cùng đảng của mình đã cạnh tranh để giành các ghế trống đó, bất chấp các nghi ngại.
Bà San Suu Kyi và đảng NLD giành được 43 trong 45 ghế trống. Vài tuần sau, bà Suu Kyi tuyên thệ trong quốc hội và trở thành lãnh đạo phe đối lập.
Tháng 5/2012, bà bắt đầu chuyến thăm bên ngoài Myanmar đầu tiên sau 24 năm, với sự tin tưởng rằng các lãnh đạo mới của đất nước sẽ cho phép bà quay trở về.
Vào tháng 6/2014, một cuộc bỏ phiếu trong quốc hội Myanmar đã thất bại trong nỗ lực loại bỏ quyền phủ quyết của quân đội nước này đối với các thay đổi trong Hiến pháp. Không những vậy, bà San Suu Kyi còn bị cấm ra ứng cử tổng thống do hai con trai bà mang hộ chiếu Anh chứ không phải Myanmar.
Năm 2015, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được thực hiện ở Myanmar sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm.
Tháng 11/2015 nữ chính trị gia Aung San Suu Kyi lãnh đạo NLD giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên ở Myanmar trong 25 năm qua. Chiến thắng này xuất hiện đúng 5 năm sau ngày bà San Suu Kyi được thả tự do, thoát khỏi cảnh quản thúc tại gia trong 15 năm liền.
Bà hiện là cố vấn nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar. |
Ngày 6/4/2016, tổng thống Myanmar U Htin Kyaw ký sắc lệnh ban hành luật trao thêm chức cố vấn nhà nước cho bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD), một ngày sau khi dự luật được Hạ viện nước này thông qua.
Với việc trở thành cố vấn nhà nước, bà Suu Kyi có thể sử dụng quyền lực để gây ảnh hưởng đối với các cơ quan trực thuộc chính phủ. Trước đó, bà Suu Kyi đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Văn phòng tổng thống. Ngoài ra, Hạ viện Myanmar cũng chỉ định bà Suu Kyi làm Chủ tịch Ủy ban điều phối chung về phát triển các vấn đề của Quốc hội.